Chuyên gia Harvard mách nước cách đối phó với đồng nghiệp khó chịu: Không làm lơ, không đối đầu, người EQ cao dùng giải pháp này

Cách ứng xử với những đồng nghiệp bạn không thích biểu hiện EQ của bạn cao đến đâu.

Việc cảm thấy không thoải mái với đồng nghiệp là tình trạng quen thuộc mà hầu hết mọi người đều gặp trong quá trình đi làm. Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Quality Logo Products, hơn 90% người lao động ở Mỹ có ít nhất một đồng nghiệp khiến họ khó chịu. Nhưng dù đồng nghiệp có phiền toái đến mức nào thì cũng không có quy tắc chung về cách đối phó với họ.

Khác với nhiều mối quan hệ xã giao khác, mối quan hệ đồng nghiệp khó có thể cắt đứt hoàn toàn trong thời gian bạn làm việc trong tổ chức, nhất là khi bắt buộc phải làm việc chung với người khiến bạn khó chịu. Lúc này, cố gắng né tránh giao tiếp hoặc làm lơ họ không phải là cách hay vì có thể ảnh hưởng tới kết quả công việc của chính mình. Việc cố gắng chống đối, hạ bệ hay thể hiện thái độ với đồng nghiệp cũng không được khuyến khích vì chỉ càng tạo ra không khí tồi tệ và ảnh hưởng tới công việc chung.

Chuyên gia Harvard mách nước cách đối phó với đồng nghiệp khó chịu: Không làm lơ, không đối đầu, người EQ cao dùng giải pháp này - Ảnh 1.

Nhà tâm lý học Daniel Goleman, người từng tốt nghiệp ĐH Harvard và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất năm 1995 “Trí tuệ cảm xúc: Tại sao nó có thể quan trọng hơn IQ” đã đưa ra lời khuyên hữu hiệu dành cho mọi người trong tình huống này, dựa vào hàng loạt nghiên cứu về tâm lý của ông.

Goleman cho biết việc đối mặt một đồng nghiệp khó chịu không liên quan nhiều đến cách bạn đối xử với họ mà liên quan nhiều hơn đến cách bạn chuẩn bị tâm lý cho chính bản thân mình. Ông nói: “Chìa khóa ở đây là sự tự nhận thức và tự quản lý cảm xúc”.

Tự nhận thức vấn đề để chọn cách phản ứng tốt nhất

Bước đầu tiên để đối phó với một đồng nghiệp khó chịu là tự “kiểm tra” lại bản thân khi ở cạnh họ. Quá trình này bao gồm việc xác định bạn cảm thấy gì và nó hình thành nên nhận thức của bạn như thế nào.

“Điều quan trọng là phải biết bạn đang cảm thấy gì và nó hình thành nên nhận thức, động lực, hành động của bạn như thế nào và liệu nó có gây hại cho hiệu suất làm việc của bạn hay không. Quá trình tự nhận thức này giúp bạn xác định rõ điều gì đang xảy ra”, Goleman cho biết.

Bằng cách xác định điều gì đang kích động mình, bạn có thể dự đoán chúng tốt hơn và tự điều chỉnh.

Chuyên gia Harvard mách nước cách đối phó với đồng nghiệp khó chịu: Không làm lơ, không đối đầu, người EQ cao dùng giải pháp này - Ảnh 2.

Cách kiểm soát cảm xúc khi giao tiếp với người mình không thích

Nhà tâm lý học Goleman cho biết trước khi vào văn phòng, bạn có thể tự động viên bản thân một chút. Ví dụ, chúng ta có thể tự nói với mình: “Được rồi, mình sẽ dành hai giờ với người mà mình biết sẽ kích động mình khó chịu. Dẫu vậy, mình không cần phải phản ứng thái quá hay tiêu cực”.

Không chỉ chuẩn bị tâm lý, bạn còn có thể thực sự làm các hành động như thở sâu để giúp mình thư giãn trong lúc này.

Việc làm nhỏ này thực sự chuyển đổi tâm lý của bạn vì kích thích hệ thần kinh giao cảm, tức là chế độ căng thẳng và lo lắng, sang chế độ phó giao cảm - chế độ thư giãn và phục hồi. Chỉ bằng cách nhận ra cách đồng nghiệp làm phiền bạn và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với họ, bạn có thể ‘phục hồi cảm xúc’ nhanh hơn.

Chuyên gia Harvard mách nước cách đối phó với đồng nghiệp khó chịu: Không làm lơ, không đối đầu, người EQ cao dùng giải pháp này - Ảnh 3.

Thực chất, phương pháp của nhà tâm lý học Daniel Goleman có thể được áp dụng trong mọi mối quan hệ và tình huống đa dạng trong cuộc sống. Chúng ta không thể kiểm soát những gì trong cuộc sống sẽ kích động mình, nhưng có thể kiểm soát mình bị kích động đến mức độ nào và thời gian bạn cảm thấy tiêu cực vì chuyện đó.