"Năng nhặt thì chặt bị", "Còn cái gì quý hơn vàng ư?", ... ai mà chẳng nghe vài lần từ thời ông bà, cha mẹ. Đấy cũng chính là mẹo tiết kiệm hiệu quả nhất mà thời đó ba mẹ chúng ta vẫn thường làm. Không đầu tư tài chính cũng chẳng buôn đất đai, hiếm khi gửi ngân hàng hay mua bảo hiểm nhưng vẫn cứ là có của để dành, con cháu lấy chồng lấy vợ, cất nhà hay mua xe, kiểu gì ba mẹ cũng góp cho chút vốn.
Thời đó vật chất lúc nào cũng thiếu, nhưng chính nhờ cặm cụi tiết kiệm từng đồng, có dư là đổi tiền thành vàng, cha mẹ vẫn luôn để lại cho con cái những bài học quý về tiết kiệm và đầu tư.
"Vàng là tiền, chứ tiền không là vàng"
Một điều khiến thế hệ phụ huynh chuộng mua vàng bởi họ đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và chứng kiến hàng loạt cuộc suy thoái kinh tế. Trải qua những năm tháng đó, vàng luôn là kênh tích trữ an toàn nhất, ít nhất là chẳng bao giờ sợ mất giá so với thời điểm mua.
Cô Trang (Kiên Giang) "đeo vàng kín người", ngồi 1 góc trên vỉa hè bán hoa quả, tay phe phẩy cái quạt ngắm đường, ngắm phố những lúc không có khách. Món trang sức cô mang nhiều nhất là vàng, như dưới dây thì cái lắc tay này là 7 cây rưỡi rồi, còn vòng cổ, vòng tay, và dăm ba chiếc nhẫn.
Cô chẳng nhớ nổi lần đầu tiên mua vàng là từ khi nào vì đã quá lâu rồi. Cô tâm sự: "Cô mua vàng cả đời, tiền kiếm bao nhiêu cũng đều để mua vàng hết. Cô nói con nghe, mình mua vàng, lúc mình cần tiền là mình đem bán, mình có tiền ngay chứ mà gửi tiết kiệm thì không có được vậy đâu. Tiền là của mình nhưng lúc mình cần, mình rút ra sớm là mình còn mất tiền đấy" - Cô vẫn cứ mê vàng, chẳng bao giờ gửi tiền tiết kiệm.
Cô Trang (Kiên Giang)
Toàn thân phát sáng ánh vàng, theo đúng nghĩa đen vì cả đời chỉ thích mua vàng
Lớn lên khi bà truyền cho mẹ thói quen mua vàng, mẹ răn dạy lại con gái, cứ thế qua các thế hệ, mua vàng dần trở thành truyền thống và là bài học lọt lòng của cô Trang.
Cô Thanh Tuyến (53 tuổi, Hà Nội) đã mua vàng từ những năm 20 tuổi. Khi mua vàng, cô chỉ có một mong ước "không cầu vàng sinh lời nhanh, chỉ cầu vàng luôn lên giá theo thời gian". Cô chia sẻ: "Người già đã trải qua bao cuộc bể dâu, biến cố nên biết mua vàng là lựa chọn hàng đầu. Cứ có tiền dư là cô mua vàng. Cô mua vàng từ lúc vàng còn 7 triệu đồng/lượng, cho đến khi lên 40 triệu đồng/lượng cô vẫn mua vào. Vàng tăng giá thì mình càng có nhiều lời, bán ra để góp tiền mua nhà, mua xe cho con".
Theo cô Thanh Tuyến, người mua vàng được chia thành 2 kiểu là mua vàng để kiếm lời và mua vàng để tích sản. Cô Tuyến nằm ở vế sau, và người mua vàng như vậy theo hàng chục năm thì sẽ luôn có lời. "Nếu ai muốn đầu tư vào vàng để kiếm lời thì cần thời gian, kinh nghiệm và đặc biệt phải đỏ mới thắng được thị trường. Còn quan điểm của cô, nhiều người tích vàng khi có tiền vì lý do là tiền nhàn rỗi, tích lũy cho cho con cháu… thì luôn đúng vì: "Vàng là tiền, chứ tiền không là vàng", cô Tuyến bày tỏ.
"Có dăm ba chỉ vàng trong người là thấy an toàn, ăn cơm chan mắm cũng thấy ngon"
Với ba mẹ, đầu tư sinh lời và phòng thủ tốt nhất chính là vàng. Không hi vọng làm giàu từ vàng nhưng phải có thì mới yên tâm. Cũng chính vì thế, trong tiềm thức của những đứa trẻ lớn lên với tư duy này từ ba mẹ thì cũng ảnh hưởng phần nào đến quyết định tiết kiệm và đầu tư.
Như Giang Lê (Thanh Hoá) - một GenZ điển hình khi chưa nghiên cứu nhiều về các kênh đầu tư khác, thì vàng là điều cô nàng nghĩ đến đầu tiên khi dư giả những đồng lương cuối tháng: " Bố mẹ mình hay nói thế này: ‘Có tiền thì cứ đem đi mua vàng, đừng than khổ mà hãy cố để tiết kiệm thì sau này mới sướng’.
Rồi những câu chuyện về vàng cứ ăn vào tiềm thức của mình qua từng bữa cơm nhà. Ví dụ như thời của bố mẹ mình, cứ gom cả năm bằng việc bán tí rau tí thịt ngoài chợ, góp nhặt lại rồi đem mua vàng phòng thân. Ngày đó bố mẹ hay bảo, có dăm ba chỉ vàng trong người là thấy an toàn, ăn cơm chan mắm cũng thấy ngon. Có lẽ vì thế mà vàng trở thành món đồ mình thích được sở hữu nhất ở thời điểm hiện tại”. Chính vì thế, Giang Lê đã học cách mua vàng từ những năm đầu tiên đi làm, cứ từ những chiếc nhẫn nửa chỉ 3-4 triệu đến lắc tay, lắc chân rồi đến vàng nhẫn. Trước là để đeo, sau dần là tích luỹ.
"Mua vàng là để tiết kiệm cho những việc lớn trong đời"
Còn với Thu Ngọc (SN1994, Hà Nội) thì động lực mua vàng là khi nhớ về hình ảnh ngoại ngồi đếm vàng: "Mình ở với bà từ hồi lớp 1 đến tận lớp 12. Suốt những năm tháng ấy, mình không nhớ nổi số lần bà ngồi đếm từng chiếc nhẫn vàng. Mình chỉ nhớ có lần bà đếm được 12 chiếc nhẫn, rồi vài tháng sau, bà lại ngồi đếm tiếp thì con số đã lên tới 14 chiếc rồi.
Lúc đó mình chẳng biết 5 phân, 1 chỉ hay 1 cây vàng khác nhau như thế nào, nhưng nhìn bà đếm vàng thấy ham lắm. Có lẽ vì thế nên ngay khi kiếm được tiền là mình muốn đi mua vàng, chứ cũng không nghĩ tới chuyện ăn chơi." - Thu Ngọc bộc bạch.
Thu Ngọc và bà ngoại cách đây hơn 12 năm (Ảnh: NVCC)
"Từ hồi năm 2 Đại học, khoảng năm 2013, khi mình kiếm được tiền từ công việc gia sư và chạy bàn, mình đã bắt đầu mua vàng đều đặn hàng tháng. Thời đó mỗi cuối tháng mình đều mua 5 phân vàng (nửa chỉ). Giá vàng lúc đó không cao như bây giờ, 5 phân còn chưa tới 3 triệu nên mình vẫn còn chút tiền để trang trải nhu cầu cá nhân như thi thoảng mua sách, đi ăn vỉa hè cùng bạn bè.
T háng nào giá vàng tăng cao lắm, khoảng 3,5 triệu 5 phân vàng, thì đúng là mình gần như không dám chi tiêu gì khác, mua vàng xong là chỉ còn dư khoảng 600-700k thôi ấy", Thu Ngọc chia sẻ về sự nghiêm túc tích luỹ vàng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học và đi làm, Thu Ngọc vẫn giữ thói quen mua ít nhất 5 phân vàng mỗi tháng. "Mình mua vàng không phải để đeo, cũng không phải để đầu tư mà là để tiết kiệm cho những việc lớn trong đời!". Cô cũng cho biết, những bài học về vàng từ bà ngoại chẳng hề lỗi thời, thậm chí đến bây giờ Ngọc vẫn áp dụng. Như việc cứ mua từng chút vàng, từ nhẫn rồi đến khi đủ thì đổi thành vàng miếng/vàng thỏi như và ngoại hay làm.