Mỗi mùa tốt nghiệp, bộ phim “ The Devil Wears Prada ” (Yêu nữ hàng hiệu, ra mắt năm 2006) lại được những người trẻ tuổi tìm xem và phân tích. Cô nàng Andrea Sachs trong phim vừa tốt nghiệp đại học, được nhận vào làm trợ lý cho nữ biên tập viên thời trang đầy quyền lực Miranda Priestly. Hành trình học hỏi, nỗ lực thay đổi bản thân để thành công Andrea từ một cô sinh viên bỡ ngỡ, khó hòa đồng với môi trường đến một nhân viên quan trọng cũng như cách đào tạo nhân sự của vị sếp đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.
Mùa tốt nghiệp năm nay cũng vậy, trên các nhóm cộng đồng, gen Z không ngừng thảo luận về bộ phim này, về kinh nghiệm thực tập, tập sự của bản thân, về cách nhìn nhận của thế hệ trước với những người trẻ mới hoặc sắp gia nhập thị trường lao động. Nhưng thực tế nhiều khi dập tắt nguồn cảm hứng và gây thất vọng. Ở rất nhiều công ty, thực tập sinh chẳng những bị coi thường mà còn không được trả công cho những đóng góp của mình.
Điều này dường như bị các thế hệ trước coi là đương nhiên, rằng cái các bạn trẻ nhận được lúc này là kinh nghiệm, không nên so đo tính toán chuyện thù lao. Những bạn trẻ thẳng thắn đưa ra yêu cầu sẽ nhận được cái nhìn không thiện cảm, thậm chí xã hội hình thành một định kiến là gen Z chảnh, ảo tưởng sức mạnh, chưa gì đã đòi hỏi, vân vân.
Nhưng gen Z chúng tôi không nghĩ thế. Đọc bài viết “Đồng nghiệp choáng với nhân viên gen Z vừa thử việc đã vỗ ngực giỏi nhất công ty” , tôi thấy cần phải lên tiếng cho thế hệ của mình. Rất nhiều bạn gen Z rất giỏi giảng, cầu thị và sẵn sàng thực tập từ rất sớm, đôi khi đi làm từ năm thứ hai đại học. Khi một nhân sự rời đi, công ty đừng vội đánh giá họ chảnh hay có vấn đề mà cũng cần tự hỏi đơn vị mình đã đáp ứng được nhu cầu của nhân sự đó hay chưa. Dù còn rất trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, những đóng góp của thực tập sinh cần được ghi nhận và trả công xứng đáng, không chỉ là tiền.
Hầu hết các cá nhân đi thực tập đều vì ba mục tiêu chính. Đầu tiên và cũng quan trọng nhất là kiến thức, kinh nghiệm, để đem những điều học ở trường vào thực tế, được chứng nhận có kinh nghiệm làm việc. Thứ hai là xây dựng các mối quan hệ, được làm quen, học tập từ những người đi trước, hiểu rõ về ngành. Thứ ba là thu nhập.
Từ năm 2014, mức hỗ trợ cho thực tập sinh khoảng 1 - 1,5 triệu đồng mỗi tháng; 10 năm sau, mức đó tăng lên thành 2 - 3 triệu đồng, tùy công ty. Số tiền đó chỉ đủ cho các bạn trẻ ăn ngày hai bữa và xăng xe đi lại, tuy nhiên vẫn cần có như một sự ghi nhận đóng góp. Nhưng thực tế không phải công ty nào cũng chi trả nghiêm túc.
Gen Z đi thực tập cần được trả công xứng đáng, không chỉ là tiền. (Ảnh: CIP)
Tôi may mắn được thực tập ở một công ty chuyên cung cấp dịch vụ khảo sát khách hàng cho đơn vị y tế, nơi đáp ứng cả 3 yếu tố ấy. Tôi chỉ làm những tác vụ đơn giản nhưng mất nhiều thời gian như đi phát bảng khảo sát, phỏng vấn khách hàng và sau đó là làm báo cáo số liệu. Tuy chỉ thực tập 3 tháng, tôi đã mở rộng được mối quan hệ của mình, gặp những người chủ kinh doanh, bác sỹ, nhân viên y tế và trực tiếp làm việc với bệnh nhân. Những mối quan hệ này hỗ trợ tôi rất nhiều trong hành trình về sau, khi thực sự bước ra đời.
Bên cạnh đó, tôi rất biết ơn và kính trọng người quản lý trực tiếp của mình. Anh như một người thầy, người mentor mà tôi đã mất công tìm kiếm suốt cả thời đại học, hướng dẫn tôi từ tác vụ chuyên môn (làm bảng hỏi, phỏng vấn, sử dụng phần mềm phân tích số liệu) đến các kỹ năng mềm như sắp xếp công việc, giao tiếp hơn, hòa đồng tại môi trường công sở...
Nhưng rất nhiều bạn bè tôi thất vọng vì cách nhìn phiến diện và thiếu công bằng của tiền bối đối với người trẻ, thực tập sinh. Đa phần gen Z đi thực tập đều sẵn sàng học hỏi và khi không đạt mục tiêu của mình, họ dễ sinh ra chán nản, bỏ ngang. Nhiều công ty thậm chí còn không đào tạo cả nhân viên chính thức nhưng vẫn quảng bá là đào tạo, thực tế là để mặc họ tự học. Nếu tự học thì trên mạng có đầy nguồn, từ sách, Youtube và các khóa của chuyên gia; thời gian thực tập không có giá trị khác thì thực tập làm gì chứ?
Nhiều quản lý trực tiếp chỉ giao việc rồi mặc kệ thực tập sinh tự "bơi" hoàn toàn, không hề hướng dẫn; sau đó nếu làm không ổn thì chê trách, làm tốt cũng chẳng được ghi nhận và trả công.
Sao không nhìn nhận rằng, đây là mối quan hệ win – win, hai bên đều có lợi chứ không phải là mối quan hệ dạy - học thuần túy như nhà trường. Thực tập sinh cũng có đóng góp cho công ty. Những tác vụ đơn giản mà họ thực hiện giúp nhân viên chính thức có thêm thời gian làm việc khác. Họ có thể làm chậm, chưa tốt nhưng đó vẫn là những phần việc công ty cần đầu tư nhân sự để hoàn thành.
Chưa kể, các bạn trẻ còn giỏi công nghệ, trong nhiều tác vụ đôi khi làm nhanh hơn cả nhân viên chính thức. Những công việc như viết content Facebook, dựng hay chỉnh sửa video cho Tik Tok… thì chắc chắn gen Z làm nhanh hơn các thế hệ khác. Hoàn thành công việc, họ xứng đáng được trả thù lao, đừng cho rằng "các cô cậu được học hỏi là tốt lắm rồi" như cách nghĩ thiếu sòng phẳng của nhiều công ty.
Ngoài ra, người quản lý trực tiếp cần dành thời gian mình đã tiết kiệm được để hướng dẫn gen Z sát sao hơn, đúng vai trò một người đi trước với tấm lòng rộng mở, thay vì trở thành người xét nét, soi mói, trịch thượng, tự phụ đến đáng ghét trong mắt những người trẻ.
Xin nói thẳng, chẳng ai từ chối một môi trường làm việc đang tốt và đáp ứng các nhu cầu cả. Nhiều thực tập sinh cũng mong muốn có thể làm việc chính thức; nếu từ bỏ thì không phải họ bỏ việc mà là từ chối môi trường không đủ tốt, thậm chí độc hại. Chê bai, giữ định kiến với gen Z và không tiếp nhận sự khác biệt trong cách suy nghĩ của chúng tôi, các vị tiền bối lấy đâu ra thế hệ kế cận cho công việc?
Bạn có đồng tình với ý kiến trên?