Còn lại gì sau một cuộc chia tay, khi ta còn rất trẻ?

Kết thúc một cuộc hôn nhân không đáng sợ đến thế, đổ vỡ hoá ra cũng chẳng phải điều gì xấu xa.

Khi bắt đầu nghĩ về việc chia tay chồng cũ, một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là việc mọi người xung quanh sẽ nghĩ tôi là một người vợ tồi, một đứa con gái không biết chu toàn việc gia đình, một đứa nhóc ham chơi đã thất bại trong việc làm người lớn. 

Những điều họ nghĩ về tôi đều có lý. Khi lấy chồng, tôi mới bước chân ra khỏi trường đại học. Tôi chưa có đủ trải nghiệm với cuộc sống của riêng mình và đầy vụng về trong việc vận hành một gia đình đúng nghĩa. Mọi thứ đều yên ổn cho đến khi chúng tôi bắt đầu lớn lên và nhìn về cuộc sống theo những hướng khác nhau với những mong cầu khác nhau về tương lai. Tôi hiểu rằng cách tốt nhất dành cho cả hai lúc này là chia tay. 

Thế nhưng, suy nghĩ phải bước ra cuộc hôn nhân trong tâm thế của một kẻ có lỗi giống như thừa nhận rằng mình đã thất bại và mình là người xấu. Đi kèm với đó là hàng nghìn những biến thiên của từ “Nhỡ đâu”. Nhỡ đâu cuộc sống độc thân của tôi sẽ bất hạnh? Nhỡ đâu tôi đang tự hủy hoại tương lai của mình vì sự bốc đồng của tuổi trẻ? Nhỡ đâu tôi không thể tìm được ai đó phù hợp hơn? 

Nhưng tất cả những nỗi sợ về việc người khác nghĩ gì về mình lẫn nỗi sợ về một tương lai bất định - gộp lại - không thể lớn được bằng nỗi sợ về việc phải chôn chân trong một mối quan hệ không còn tình yêu và sự phát triển cho cả hai. Không có gì trong tay lúc đấy ngoài một trái tim tan vỡ vì dày vò bản thân cùng nỗi lo về quãng đời phía trước, tôi vẫn quyết tâm kết thúc cuộc hôn nhân và xách vali ra đi với số tiền chỉ vừa đủ để thuê một căn phòng nhỏ cho riêng mình. Tôi dẹp qua một bên sức nặng của từ "thất bại" và chân thành tin rằng, ai cũng xứng đáng có một cơ hội thứ hai.

Chúng ta thường có thói quen nhìn về sự tan vỡ giống như một bước lùi, nhất là trong hôn nhân. Nỗi buồn của sự chia ly và niềm hụt hẫng trước những lời hứa không thành dễ khiến chúng ta coi những rạn nứt là một mất mát. Tôi tin rằng, đó là một thành kiến không lành mạnh.Hôn nhân gia đình không phải là một phạm trù mang tính tuyệt đối. Ai cũng mong cầu một gia đình toàn vẹn, nhưng điều đó vô thức cũng khiến chúng ta xa rời đi thực tế rằng: Ở trên đời, chẳng có gì là mãi mãi. Và thứ bất định nhất chính là tình yêu. Hai người có thể yêu và gắn bó với nhau tuyệt đối ở giây phút này, nhưng chẳng điều gì chắc chắn được rằng họ vẫn sẽ là mình của hiện tại trong 10 năm hoặc 20 năm nữa. Con người sẽ trưởng thành, thay đổi và dần có những góc nhìn khác với chính bản thân ngày xưa. Ai đó sẽ tìm được người ở cạnh có chung hành trình và tốc độ phát triển với mình, và họ có thể ở bên nhau dài lâu, thậm chí là mãi mãi. Nhưng nếu ai đó nhận ra người đồng hành đã đổi thay và có điểm nhìn không còn đồng điệu, thì việc đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ cũng đồng nghĩa với việc xuống dòng cho một chương mới tiếp theo.

Còn lại gì sau một cuộc chia tay, khi ta còn rất trẻ? - Ảnh 1.

Việc nhìn về những cuộc hôn nhân đổ vỡ như thất bại lớn trong cuộc đời - khiến chúng ta cứ bám vào những hình ảnh toàn vẹn, viên mãn và lung linh để biến chúng thành giấc mơ và một điều gì đấy để thần tượng. Những cặp đôi vàng - dù đã cưới hay chưa - khi tuyên bố chia tay, đều tạo ra một cơn thất vọng tập thể cho tất cả cư dân mạng, mạng xã hội trở thành một trường ca của sự nuối tiếc, bi quan và niềm tin bị đánh mất. Cư dân mạng trở thành một liên đoàn các bà hàng xóm, xới tung từng ngóc ngách mạng xã hội của các nhân vật chính liên quan để tìm ra một vài manh mối báo hiệu về cuộc đổ vỡ.

Không trách được việc người ta tôn sùng những hình mẫu bởi nó mang đến niềm vui, niềm cảm hứng và niềm tin vào tình yêu. Nhưng đôi khi, việc đặt kết thúc như một sự đối trọng với hạnh phúc lại là thứ khiến ta cảm thấy tiêu cực hơn và nặng nề hơn khi đối mặt với chia ly. Chúng ta chỉ nhìn về sự kết thúc với những khổ đau, tan vỡ, lừa dối, đổi thay… mà từ chối nhìn thấy ở đó những hạt mầm của cuộc sống mới. Tiếc nuối cho một tình yêu đẹp vừa kết thúc nhưng chúng ta không quên lao vào tìm kiếm những dấu vết để xem lỗi là của ai.

Còn lại gì sau một cuộc chia tay, khi ta còn rất trẻ? - Ảnh 2.

Chúng ta mổ xẻ một cuộc hôn nhân tan vỡ bằng những thành kiến và đánh giá trách nhiệm của mỗi cá nhân liên quan như thể họ vừa gây ra một tội ác. Không ai hiểu rằng, việc hai cá thể không còn ở cạnh nhau được nữa thì quyết định chấm dứt cũng là một kiểu tình yêu thương. Vì chỉ có yêu thương bản thân mình và cả đối phương, chúng ta mới can đảm chấp nhận trải qua tất cả những cơn đau của đổ vỡ để cho nhau một cơ hội nữa.

Một trong những điều mà tôi luôn nhắc bản thân mình sau khi chia tay với chồng cũ, đó là tôi tin, thời gian chúng tôi ở bên cạnh nhau là một khoảng thời gian thực sự ý nghĩa. Tôi đã có những năm vui vẻ và đầm ấm trong cuộc đời, và dù nó đã kết thúc, nhưng không nỗi buồn nào, không sai lầm nào của cả hai có thể tước đi rất nhiều những niềm vui trong từng đấy thời gian mà chúng tôi đã có với nhau. Tôi không hối tiếc bất cứ điều gì và tin rằng cuộc hôn nhân đó đã trọn vẹn theo cách của nó. Suy cho cùng, trên đời này, chẳng có gì là bất biến.Vậy liệu việc biết rằng tình yêu, hôn nhân, những mối quan hệ - không phải là những thứ tồn tại mãi mãi, thì ta có hối tiếc những gì mình đã và đang có trong tay hay không? Đôi khi, sự thành bại của một mối quan hệ không phải nằm ở thì tương lai - rằng liệu chúng ta có đi được với nhau đến cuối con đường hay không? Mà nằm ở hiện tại và quá khứ - rằng liệu chúng ta đã có với nhau một khoảng thời gian thật sự đẹp đẽ và ý nghĩa hay chưa?

Còn lại gì sau một cuộc chia tay, khi ta còn rất trẻ? - Ảnh 3.

Còn lại gì sau một cuộc chia tay? Chắc chắn, sẽ là rất nhiều những nỗi buồn và sự tiếc nuối. Nhưng chắc chắn, cũng sẽ là những cánh cửa và cơ hội mới đang mở ra để ta thay đổi bản thân mình, trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn, trở thành một con người tốt hơn và có một cuộc sống mới nhiều màu sắc hơn. Không ai lớn lên chỉ nhờ hạnh phúc, con người luôn tiến lên phía trước nhờ nỗi đau. Và nếu hôm nay bạn phải đối mặt với nỗi đau chia ly ấy, đừng để những nỗi sợ kìm chân và trói buộc bạn trong những cuộc hôn nhân, những mối quan hệ không có ngày mai. Đừng để những thành kiến và tiêu chuẩn cố hữu về hạnh phúc khiến bạn tự tước đi cơ hội để làm lại từ đầu. Kết thúc có thể rất buồn, nhưng chắc chắn, đó là một cơ hội để cả hai bên có thể tiếp tục một cuộc đời mới - rất có thể, sẽ tốt hơn.

Còn lại gì sau một cuộc chia tay, khi ta còn rất trẻ? - Ảnh 4.

5 năm sau khi chia tay, tôi đã học cách làm chủ cuộc sống và những cảm xúc hỗn độn của mình. Tôi cố gắng khiến cuộc sống của bản thân trở nên ổn định, độc lập, khỏe mạnh hơn và vui vẻ hơn. Tôi mừng vì nghe tin chồng cũ của mình đã tìm được một người vợ phù hợp với anh và chuẩn bị đón một em bé đầu lòng. Niềm tin của tôi ngày nào đã đi đúng hướng, cả hai chúng tôi đều đã sống với cơ hội thứ hai của mình một cách trọn vẹn. Cả hai đều đang sống hạnh phúc trên con đường riêng. Hai người lớn chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân và nỗ lực để sống đời mình phía trước thật tốt. Kết thúc một cuộc hôn nhân không đáng sợ đến thế. Đổ vỡ hoá ra cũng chẳng phải điều gì xấu xa.

Hãy nhớ: Một cánh cửa đóng lại, điều hòa sẽ mát hơn.

Còn lại gì sau một cuộc chia tay, khi ta còn rất trẻ? - Ảnh 5.
https://ahadep.com/con-lai-gi-sau-mot-cuoc-chia-tay-khi-ta-con-rat-tre-20240625140148349.chn