Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú

Trong khi Steve Wozniak thiết kế máy tính, Steve Jobs phụ trách marketing. Còn Ronald Wayne là người hoà giải.

Khi hai nhà sáng lập Steve Jobs và Steve Wozniak có cuộc thảo luận nảy lửa về thiết kế máy tính và tương lai của ngành, Ronald Wayne đã mời cả hai đến nhà để tạo điều kiện và tư vấn cho họ.

Cuộc trò chuyện kéo dài hai giờ về công nghệ và kinh doanh. Steve Jobs đề xuất thành lập công ty máy tính do ông và Steve Wozniak lãnh đạo. Hai người nắm giữ 45% cổ phần. 10% còn lại thuộc về Ronald Wayne. Wayne có vai trò là người hoà giải trong những lần thảo luận.

Ngày 1/4/1976, Apple Computer Company (tạm dịch: Công ty Máy tính Apple) ra đời. Jobs và Wozniak muốn tạo ra những chiếc máy tính đủ nhỏ để mọi người có thể đặt trong nhà hoặc văn phòng. Nói cách khác, họ muốn máy tính thân thiện với người dùng.

Tầm nhìn đó đã khơi mào cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân và biến Apple trở thành biểu tượng của doanh nghiệp Mỹ. Nhờ sự thành công của công ty, cuộc đời 3 nhà sáng lập có biến chuyển. Tuy nhiên, mỗi người một cuộc đời không ai giống ai.

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 1.

Từ trái sang: Steve Jobs, Ronald Wayne và Steve Wozniak. Ảnh: The Richest.

1. Bộ não kinh doanh - tỷ phú Steve Jobs

Năm 1976, khi Jobs mới 21 tuổi, ông và Wozniak bắt đầu thành lập Apple Computer trong nhà để xe của gia đình Jobs. Chiếc máy tính đầu tiên mà họ bán là Apple I có giá 666,66 USD, do Woz thích con số lặp lại. Mức giá này rẻ hơn đáng kể so với những chiếc máy tính cùng thời của IBM hay HP, với giá hàng nghìn USD.

Chiếc máy tính thứ 2 của Woz gọn gàng và đẹp đẽ hơn nhiều so với sản phẩm tiền nhiệm có giá chỉ 1.298 USD. Khoảng 50.000 chiếc Apple II được bán chỉ sau 2 năm chào sân. Đến năm 1982, con số được báo cáo là 750.000 máy được bán, giúp giá trị công ty tăng vọt vào năm 1983.

Nhưng đến năm 1980, sự tỏa sáng của công ty bắt đầu tàn lụi. Doanh số bán hàng không như dự đoán, Jobs đã giới thiệu Mac là máy tính dành cho doanh nghiệp. Nhưng với bộ nhớ nhỏ, không có ổ cứng và không có khả năng kết nối mạng, Mac hầu như không có các tính năng mà công ty Mỹ mong muốn.

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 2.

Steve Wozniak và Steve Jobs ngày trẻ. Ảnh: Britannica.

Đối với Jobs, sự kiện lần này gây ra rắc rối nghiêm trọng. Vào năm 1983, Jobs bị lật đổ khỏi hội đồng quản trị bởi Giám đốc điều hành John Sculley, người mà Jobs đã lựa chọn để giúp ông điều hành công ty. Bị tước bỏ mọi quyền lực và quyền kiểm soát, Jobs cuối cùng đã bán cổ phần Apple và từ chức năm 1985.

Sau đó, Jobs thành lập doanh nghiệp phần cứng và phần mềm mới có tên là NeXT, Inc. Năm 1997, Jobs trở lại vị trí CEO của Apple. Ông là người đã hồi sinh công ty trong thập niên 1990.

Với đội ngũ quản lý mới, các lựa chọn cổ phiếu được thay đổi và mức lương hàng năm tự đặt ra là 1 USD/năm, Jobs đã đưa công ty trở lại đúng hướng. Các sản phẩm khéo léo, chiến dịch xây dựng thương hiệu hiệu quả và thiết kế thời trang lại một lần nữa thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong những năm sau đó, công ty đã giới thiệu các sản phẩm mang tính cách mạng. Tất cả đều là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của công nghệ.

Năm 2011, Forbes ước tính phần lớn giá trị tài sản ròng của Jobs vào khoảng 6,5-7 tỷ USD, nhờ vào việc bán Pixar (Jobs mua năm 1986) cho Công ty Walt Disney vào năm 2006. Nếu không bán cổ phiếu Apple năm 1985, khi rời công ty, giá trị tài sản ròng của Jobs ở con số đáng kinh ngạc là 36 tỷ USD.

Ngày 5/10/2011 ở tuổi 56, Jobs qua đời vì ngừng hô hấp liên quan đến khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy.

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 3.

Cố tỷ phú Steve Jobs. Ảnh: Getty Images.

2. Nhà phát minh tài ba Steve Wozniak

Stephen Gary Wozniak (hay "Woz") được coi là một trong những người hướng nội nổi tiếng nhất thế giới. Ông được gọi là "bộ não đằng sau Apple", "cha đẻ của cuộc cách mạng máy tính cá nhân". Trang The Richest cho biết, giá trị tài sản ròng của Woz hiện ước tính là 140 triệu USD.

Năm 1975, Woz bắt đầu phát triển sản phẩm đầu tay Apple I - cỗ máy được mệnh danh là thiết bị tự chế tại nhà. Thiết kế của Apple I còn nguyên cả bảng mạch và người mua phải mua thêm thùng máy, nguồn, bàn phím và màn hình.

Sản phẩm đầu tiên không mấy thành công. Song Woz vẫn cần mẫn bắt tay vào làm dòng máy tính thứ 2, được giới thiệu ngày 16/4/1977. Apple II được chọn làm nền tảng máy tính để bàn cho "ứng dụng sát thủ" đầu tiên của thế giới kinh doanh: VisiCalc. Ứng dụng này đã tạo ra một thị trường kinh doanh cho Apple II và cung cấp thêm cho người dùng gia đình một lý do để mua máy tính: Khả năng tương thích với văn phòng.

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 4.

Ảnh: SPIDER-MAC.

Năm 1981, Woz đã trải qua cú sốc từ vụ tai nạn máy bay kinh hoàng. Woz bị chấn thương nặng ở mặt và đầu, mất trí nhớ trong 5 tuần sau đó. Ông không nhớ gì về vụ tai nạn hay tên tuổi... Woz nói rằng chính các trò chơi máy tính Apple II đã giúp ông hồi phục trí nhớ. Cuối năm đó, ông đã đăng ký trở lại UC Berkeley để hoàn thành chương trình học bị tạm dừng.

Đến năm 1985, Woz rời Apple. Ông nói rằng công ty "đã đi sai hướng trong 5 năm qua" và sau đó bán gần hết cổ phiếu. Dẫu vậy, ông chưa bao giờ chính thức bị loại khỏi công ty. Ông vẫn có tên trong danh sách nhân viên chính thức với mức lương thực nhận khoảng 120.000 USD/năm.

Dù nghỉ hưu ở Apple nhưng Woz vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp mới. Ông làm cố vấn hoặc thành viên hội đồng quản trị cho các công ty khác. Ngoài ra, ông cũng thành lập nhiều công ty. Bên cạnh kỹ thuật, mục tiêu cả đời thứ hai của Woz luôn là dạy tiểu học vì vai trò quan trọng của giáo viên đối với cuộc sống của học sinh. Cuối cùng, ông đã dạy máy tính cho trẻ em từ lớp 5-9, cho cả giáo viên.

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 5.

Nhà đồng sáng lập Apple - Steve Wozniak. Ảnh: The Richest.

3. Ronald Wayne: Lỡ cơ hội trở thành tỷ phú

Cùng là nhà đồng sáng lập, tên tuổi Ronald Wayne lại ít được biết đến hơn. Là người lớn nhất, Wayne đã viết thoả thuận ghi rõ trách nhiệm của mỗi người khi thành lập công ty. Ông còn là người thiết kế logo đầu tiên cho công ty và viết sách hướng dẫn sử dụng Apple I. Logo mô tả hình ảnh nhà vật lý học Isaac Newton ngồi dưới gốc cây với một trái táo trên đầu.

Chưa đầy một năm sau, công ty thay đổi logo sang quả táo cắn dở - hình ảnh mang tính biểu tượng mà người tiêu dùng thấy ngày nay.

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 6.

Thỏa thuận hợp tác sáng lập Apple Inc. được ký kết bởi Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne từ năm 1976. Ảnh: CNBC Make It.

Thái độ kinh doanh của Wayne vốn không thích rủi ro vì từng gặp thất bại "đau thương" trong lĩnh vực này. Khi thành lập công ty, Jobs đã phải bán chiếc xe Volkswagen với giá vài trăm USD, còn Woz bán chiếc máy tính HP-65 của mình với giá 500 USD. Ngoài ra, Jobs còn vay 15.000 USD để mua vật tư.

Khi ấy, cả hai Steve đều không có tiền. Mặt khác, Wayne đã xây dựng được tài sản, trong đó có căn nhà. Wayne lo sợ gánh nặng tài chính. Do vậy 12 ngày sau khi thành lập công ty, ông quyết định bán 10% cổ phần cho Jobs và Woz với giá 800 USD (tương đương 3.810 USD vào năm 2021). Theo Celebrity Net Worth, ngày nay, 10% cổ phần đó trị giá hơn 200 tỷ USD. Nếu vẫn sở hữu 10% cổ phần này, Wayne hiện có thể là tỷ phú.

Tuy nhiên, Wayne từng tuyên bố chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định này. Chủ yếu là vì ông biết rằng mình sẽ không phát triển mạnh ở công ty. Wayne cảm thấy lạc lõng, như đang "đứng trong bóng tối của những người khổng lồ trí tuệ".

Cùng xây dựng Apple nhưng 3 nhà sáng lập có cuộc đời khác biệt: Người thành huyền thoại làng công nghệ, người lỡ cơ hội làm tỷ phú - Ảnh 7.

Ronald Wayne không hối hận vì bán 10% cổ phần. Ảnh: Aljawad.

Wayne vẫn giữ hợp đồng ban đầu tại Apple của mình từ năm 1976 trong nhiều năm. Đầu thập niên 1990, ông bán với giá 500 USD.

"Bản hợp đồng từng được cất giữ trong tủ hồ sơ phủ đầy bụi và mạng nhện. Tôi nghĩ: 'Mình cần giữ nó để làm gì?'", ông chia sẻ. Theo The Filthy Rich Guide, vào năm 2011, hợp đồng tương tự đã được bán đấu giá với giá 1,59 triệu USD.

Tổng hợp

https://cafef.vn/cung-xay-dung-apple-nhung-3-nha-sang-lap-co-cuoc-doi-khac-nhau-hoan-toan-nguoi-thanh-huyen-thoai-trong-lang-cong-nghe-nguoi-lo-co-hoi-thanh-ty-phu-20220710194400785.chn