Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ": Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại

Đọc ChậmNhững bài viết hay, những suy nghĩ và quan điểm thú vị. Hãy đọc thật chậm để tìm cảm hứng cho chính mình.xem chi tiếtTin mới từ chủ đềShark Bình: Chiêu mộ không dưới 10.000 nhân viên trong suốt 20 năm khởi nghiệp, nhận ra nhiều thứ tàn nhẫn nhưng là sự thậtTim Cook - Steve Jobs, hai kẻ lão làng với bộ óc siêu hạng và cú bắt tay đưa Apple trở thành thương hiệu “vạn người mê” trên toàn cầuWon Bin 12 năm không có phim và chuyện nghệ sĩ làm giàu nhờ nghề tay trái Các idol giới trẻ xuất hiện nhiều như "nấm sau mưa" khiến nhiều người tin rằng nổi tiếng là điều dễ dàng. Nhưng hậu quả của niềm tin ấy không ai hình dung nổi.

“Fake Famous” (Danh tiếng giả) là một tựa phim tài liệu từng được phát sóng trên kênh HBO và HBO Max, sản xuất bởi cây viết chuyên về mảng công nghệ của tờ New York Times, Nick Bilton. Bilton là một trong những cây viết tiên phong bước chân vào địa hạt của thế giới công nghệ và danh tiếng. “Danh tiếng giả” ra đời từ một câu hỏi thôi thúc ông trong rất nhiều năm làm nghề: Làm sao để những người bình thường trở nên nổi tiếng?

Trong suốt bộ phim, Bilton đã gặp 3 người tại Los Angeles, Mỹ với một lời đề nghị trong mơ: Biến trang mạng xã hội của họ thành một tài khoản thu hút như những ngôi sao Instagram. Cả 3 người đều có mong ước trở nên nổi tiếng: Một người mơ mộng làm diễn viên, một trợ lý làm việc tại công ty bất động sản mong có cuộc sống đầy thú vị, một nhạc công/ nhà thiết kế thời trang rời bỏ thành phố nhỏ lên Los Angeles mong được nổi tiếng. 

Và tất nhiên, như sự kỳ vọng của người xem, cả 3 người đều trở nên nổi tiếng - chính xác hơn là sự “nổi tiếng” đo đếm bằng lượt like, lượt bình luận với những hình ảnh về cuộc sống xa hoa được dàn dựng, thêm nếm, bằng sức mạnh của nền tảng và tâm lý đám đông trên mạng xã hội chứ không phải bằng tài năng, thực lực của họ. 

Đó chính là sự “nổi tiếng giả” như tiêu đề của bộ phim muốn nhắc tới.

Cách đó hàng nghìn dặm tại Việt Nam, có những idol giới trẻ cũng đang nổi bồng bềnh trên mạng xã hội, mà gần đây là trên TikTok. Không giống 3 nhân vật trong bộ phim kia - đi lên nhờ sự mát tay của Nick Bilton, họ tự đi lên nhờ thành công trên mạng theo một cách nào đó người khác khó hoặc không lý giải được.

Tuy vậy, điểm chung nằm ở việc họ không đi lên bằng tài năng, thực lực, bằng những giá trị để khán giả có thể học theo hay truyền cảm hứng cho người trẻ - những “idol giới trẻ” kiểu vậy đi lên nhờ…  khả năng và tốc độ phủ sóng trên mạng; chính xác hơn bằng sự dễ dãi của một bộ phận người dùng cũng như những đặc điểm hành vi, tâm lý, thuật toán của mạng xã hội.

Không khó để bắt gặp clip hàng triệu view của một anh trai có ngoại hình kém sắc chuyên sắm vai soái ca nói những câu ngôn tình trên Tiktok, mà đọng lại chỉ là sự ngờ nghệch và tô vẽ quá lố của cả một ekip đứng sau. Hay những nhân vật đình đám có cả chục triệu người theo dõi nhưng xem qua một lượt tất cả các clip của họ trên TikTok bạn sẽ phải vò đầu bứt tai tự hỏi: 

Những chàng trai, cô gái này có gì đặc biệt hay tài năng gì để được hàng loạt thanh thiếu niên gọi là “idol giới trẻ?”

Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ: Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại - Ảnh 1.

Trước khi xem có vấn đề gì với những idol giới trẻ như vậy, hãy thử quan tâm, điều gì có thể khiến họ nhanh chóng trở nên nổi tiếng - dù là nổi tiếng ảo hay nổi thật, như vậy trên mạng xã hội?

Có rất nhiều lý do để một người nổi tiếng trên mạng xã hội với các nền tảng mới như Tik Tok. Trong tâm lý học có một khái niệm mang tên “sự công nhận xã hội”, được đặt tên bởi Robert Cialdini vào năm 1984.

Nói một cách ngắn gọn, nó miêu tả xu hướng của con người mong muốn bắt chước hành vi của người khác để hòa nhập với số đông. Càng thấy nhiều người làm gì, tâm trí của bạn càng thôi thúc bạn làm theo để hòa với đám đông. Đó chính là cơ chế cốt lõi đằng sau các thuật toán mạng xã hội. Khi chúng ta thấy một bài đăng với hàng nghìn lượt thích, bình luận, chúng ta cho rằng đó là nội dung quan trọng, thú vị và dành nhiều sự quan tâm. Nó giống như một quả bóng tuyết lăn xuống sườn dốc, càng lăn lại càng lớn và đôi khi rất khó để dừng lại.

Cứ như vậy các “idol giới trẻ” hiện nay không cần tài năng để “nổi tiếng” vì TikTok ưu tiên cho những “quả bóng tuyết”. Bài đăng càng nhiều lượng người quan tâm lại càng được xuất hiện nhiều để có thêm người thích, bình luận, chia sẻ. Nội dung không còn là “vua” - thuật toán mới là vua đưa các “ông hoàng”, “bà chúa" vô danh nơi nào đó chễm chệ bước lên vũ đài danh vọng.

Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ: Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại - Ảnh 2.

Khi khán giả liên tục phải tiếp nhận những nội dung như vậy trên truyền thông, tiêu chuẩn của họ về tài năng cũng thấp dần đi. Họ không xem những nội dung “chất lượng” - họ xem những nội dung được nhiều người khác xem. Điều này đặc biệt đúng với giới trẻ khi việc chạy theo số đông là điều các em luôn muốn làm để mình không lạc lõng. Mối quan hệ giữa nội dung và thị hiếu khán giả như một vòng luẩn quẩn: Nội dung không chất lượng nhưng vẫn được khán giả đón nhận, đón nhận nhiều những nội dung như vậy dẫn đến tiêu chuẩn về thị hiếu của khán giả đi xuống và khi các idol giới trẻ thấy những nội dung “không chất lượng” của mình vẫn được đón nhận, họ vẫn sẽ tiếp tục sản xuất.

Sẽ luôn bất công khi đem thế hệ sau ra so sánh với thế hệ trước và dành những phán xét thế hệ sau nhưng nhìn một cách khách quan, tiêu chuẩn của sự nổi tiếng, của những hình mẫu giới trẻ chỉ khoảng hơn một thập kỷ trước đây đã khác rất nhiều. Không có sự hỗ trợ của mạng xã hội khi ai cũng có thể chia sẻ nội dung, những người muốn nổi tiếng của 10-20 năm về trước phải chứng tỏ được năng lực của bản thân và lao động miệt mài để có được thành công.

Một ca sĩ mới vào nghề đôi khi phải mất vài năm với vài album bị từ chối trước khi có thể thành công chứ không phải như bây giờ khi một bản cover (khéo còn chưa xin phép bản quyền) có hàng triệu lượt xem trên TikTok và nhanh chóng đưa “nhà sáng tạo nội dung” sau một đêm bỗng thành người nổi tiếng. Một YouTuber muốn thành danh phải đổ rất nhiều tâm huyết, chất xám và kiến thức vào trong từng sản phẩm, không phải như một clip đập hộp những món đồ đắt tiền sau một lần mua sắm cũng thu về hàng triệu lượt xem.

Nếu nói những idol giới trẻ ngày nay đang viết lại “chuẩn mực” của sự nổi tiếng, đó chắc chắn là một sự thụt lùi. Với họ, không có “nổi tiếng thật” hay “nổi tiếng giả” - tất cả được quy đổi bằng những chỉ số mạng xã hội và số tiền họ có thể kiếm được từ đó.

Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ: Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại - Ảnh 3.

Sự dễ dãi của một bộ phấn khán giả không những làm tiêu chuẩn về idol - về người nổi tiếng đi xuống, nó còn tạo ra nhiều hệ lụy khác. Tốt hay xấu là quan điểm chủ quan nhưng chí ít, chúng ta đang thấy nhiều vấn đề với xã hội nói chung và đặc biệt với người trẻ. Có điều gì đáng bận tâm về sự nổi tiếng kiểu vậy?

Thứ nhất, nó khiến ai cũng tin rằng mình có thể trở thành người nổi tiếng. TikTok hay Facebook không chỉ cho chúng ta trở thành các nhà sáng tạo nội dung số, nó còn cho chúng ta cơ hội trở thành người nổi tiếng ở ngoài đời không có được. “Danh tiếng” là điều hầu như ai cũng khao khát vì không ai muốn bị lãng quên. Các idol giới trẻ xuất hiện nhiều như nấm sau mưa khiến nhiều người tin rằng nổi tiếng là điều dễ dàng, và nổi tiếng bằng con đường dễ dàng là điều khả thi chứ không cần phải cố gắng, nỗ lực gì cả.

Thứ hai, sự xuất hiện của các idol giới trẻ có thể đẩy chuẩn mực thẩm mỹ, nghệ thuật của đại chúng xuống thấp, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Bỏ qua câu chuyện lạm dụng công nghệ, quên đi những hoạt động có ý nghĩa khác như đọc sách, hoạt động thể thao; thứ công nghệ giải trí các bạn trẻ đang lạm dụng trên mạng xã hội cũng có vấn đề khi đa phần nội dung của các idol giới trẻ đều “nhảm, rác, không có giá trị”. Một thế hệ trẻ lớn lên từ những clip tầm phào, những trò đùa nhạt nhẽo đôi khi vô duyên và thô lỗ… là một thế hệ trẻ đáng để lo lắng.

Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ: Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại - Ảnh 4.

Thứ ba, không ai biết các idol giới trẻ có thể chi phối hành vi của các bạn trẻ nhiều như thế nào. Đã có không ít các trào lưu TikTok nguy hiểm được người xem thực hiện, gây nguy hiểm tới tính mạng và đáng buồn khi đa phần là trẻ em, trẻ vị thành niên. Không ai bắt các idol giới trẻ trở thành một hình mẫu để những người khác noi theo nhưng ít nhất, họ cần phải hiểu “sức mạnh ảo” mà họ đang tạo ra có thể dẫn đến nhiều hệ lụy thật để có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội.

Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ: Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại - Ảnh 5.

Các nền tảng mạng xã hội sẽ tiếp tục phổ biến, có thể chỉ chuyển từ mạng xã hội này sang mạng xã hội khác mà thôi. TikTok đang dần vượt lên Facebook, thu hút nhiều người trẻ gen Z và gen Alpha; rồi một ngày sẽ có những mạng xã hội khác vượt qua TikTok, Facebook. Kỷ nguyên mạng xã hội mở ra cũng kéo theo kỷ nguyên của các idol giới trẻ.

Nhưng đó là một cuộc đua không hồi kết. Những nội dung được xếp vào hàng xu hướng nổi lên chỉ sau vài giờ cũng sẽ ngụp lặn chỉ sau vài giờ tới vài ngày và những “idol giới trẻ” kia lại tiếp tục phải nghĩ ra những cái mới để cho khán giả “ăn" - thực chất là tiếp thêm sức cho cuộc chạy đua nổi tiếng của bản thân.

Nếu các idol giới trẻ kém chất không biến mất, nếu các mạng xã hội không kiểm soát nội dung chặt chẽ hơn, nếu sự nổi tiếng vẫn còn là điều mọi người quan tâm, có lẽ điều quan trọng phải thay đổi là chính khả năng tiếp nhận của khán giả. Idol không sống bằng nội dung, họ sống bằng sự quan tâm của khán giả. Sự tồn tại của các “idol giới trẻ” phản ánh thị hiếu của khán giả trẻ. Sự biến mất hay những thay đổi của “idol giới trẻ” kỳ thực không nằm ở Facebook, TikTok hay bất cứ cơ quan quản lý nào.

Nó nằm ở bạn, chính những khán giả vẫn đang dành nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày trên mạng xã hội.

Làm trò phản cảm, quay clip vô nghĩa cũng được gọi là “idol giới trẻ: Khi thuật toán và sự dễ dãi tạo nên một lứa thần tượng độc hại - Ảnh 6.

https://ahadep.com/lam-tro-phan-cam-quay-clip-vo-nghia-cung-duoc-goi-la-idol-gioi-tre-khi-thuat-toan-va-su-de-dai-tao-nen-mot-lua-than-tuong-doc-hai-20220717003238996.chn