Tiền trong tài khoản dễ quản lý hơn cầm tiền mặt
Hiền Đặng (24 tuổi, Sale Logistic, Hà Nội) từng là người không cầm ví thì không ra đường, thích cảm giác được cầm tiền mặt để an tâm. Nhưng thói quen chi tiêu của Hiền giờ đây đã thay đổi với cuộc sống gần như nói không với tiền mặt!
Hiền Đặng (24 tuổi, Sale Logistic, Hà Nội)
“Thời điểm mình chia sẻ câu chuyện này trong ví chỉ còn đúng 1 nghìn đồng. Giờ đây tất cả chi tiêu của mình đều chuyển khoản hoặc thanh toán bằng thẻ. Không chỉ riêng mình mà tất cả mọi người xung quanh đều vậy - không ai cầm quá nhiều tiền mặt trong người. Thay vào đó họ cầm thẻ hoặc 1 chiếc điện thoại.
Chị đồng nghiệp còn kể mua xôi 7 nghìn chị cũng chuyển khoản, đi đổ xăng thì phải tìm cây xăng có cho chuyển khoản mới đổ”, tiền mặt gần như “vô hình” trong cuộc sống của những anh chị em đồng nghiệp, thậm chí cả Hiền và người thân xung quanh.
Dù đi làm có rất nhiều khoản cần chi tiêu trong ngày, như ăn uống hoặc trà sữa, bánh trái bữa xế, liên hoan, mua sắm,... nhưng Hiền cho biết lần cuối cùng rút tiền mặt đã từ rất lâu.
Dù đi làm có rất nhiều khoản cần chi tiêu trong ngày, nhưng Hiền cho biết lần cuối cùng rút tiền mặt đã từ rất lâu
“Ăn uống tại văn phòng hay mua sắm thì cứ chuyển khoản cho nhanh, mọi người tạo mã QR rồi quét thì đến 500 lẻ cũng không lo sót. Giờ tiền mặt chỉ dùng để trả tiền vé gửi xe, mua mấy món đồ lắt nhắt vài chục. Như thế rất tiện, tiền trong tài khoản cũng dễ quản lý và thống kê hơn cầm tiền mặt”.
Việc quản lý tài chính theo đó cũng dễ dàng hơn vì các app thu chi thường có liên kết cùng ngân hàng hoặc phân mục thu - chi khá rõ. “Sử dụng tiền chuyển khoản giúp mình không bị quên các khoản chi, vì quên có thể mở ra để xem lại, còn nếu chi bằng tiền mặt chắc mình sẽ dễ nhớ nhầm nếu không ghi vào luôn, vì não mình nhớ các con số không được tốt lắm”, Hiền Đặng cho thấy sự thoải mái khi thay đổi thói quen chi tiêu không dùng tiền mặt.
Lần cuối rút tiền đã là 1 tuần trước, thích chuyển khoản vì quá tiện
Không khác Hiền Đặng là bao, Mai Thị Thanh Huyền (23 tuổi, Creative Specialist, TPHCM) cho biết chi tiêu 1 ngày kể từ khi chuyển việc tự do sang công sở dao động từ 150-200k - “Tất cả đều chuyển khoản!”.
Mai Thị Thanh Huyền (23 tuổi, Creative Specialist, TPHCM)
Những khoản cần thiết phải chi từ khi Thanh Huyền bắt đầu quay lại công việc văn phòng thường là: tiền ăn 3 bữa trong ngày, cafe hoặc trà sữa, các loại phí gửi xe, xăng xe,... đều không sử dụng tiền mặt để thanh toán.
“Từ khi phí chuyển khoản bằng 0, các ứng dụng thanh toán cũng trở nên phổ biến, ai ai cũng dùng thì mình thích lắm. Vì chẳng cần phải lạch cạch chạy ra cây ATM, thời điểm mình rút tiền cũng đã là 1 tuần trước. Chẳng đụng đến tiền mặt mấy nên vài trăm ngàn trong ví cũng chỉ phục vụ cho đổ xăng, gửi xe,... mãi không hết được”, Huyền chia sẻ.
Tuy vậy, Huyền cũng chia sẻ thêm việc tiêu tiền chuyển khoản, quét mã QR cũng cần hết sức lưu tâm vì khá khó kiểm soát cảm xúc thời gian đầu.
“Ví dụ như từ lúc ít tiêu tiền mặt mà thay bằng tiền thẻ, nếu đồng nghiệp rủ mua món này, ăn món kia thì mình thường không cần suy nghĩ mà tiêu luôn vì tiện. Vì khi đi ăn chung thì chỉ cần 1 người thanh toán, những người còn lại thì sẽ chủ động chuyển khoản luôn cho người trả tiền.
Kiểu thế nên cũng cần có phương pháp quản lý tài chính cá nhân để không bị thâm hụt chi”. Và Huyền buộc phải kiểm tra toàn bộ thu chi của mình trong ngày, trong tuần để kiểm soát số tiền tiêu ra cụ thể nhất.
Học chuyển khoản từ cấp 3, lúc đi làm tiêu gì cũng dùng điện thoại
Có thói quen chi tiêu chuyển khoản từ cấp 3, Nguyễn Nga Linh (20 tuổi, TTS Marketing, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi được mở tài khoản ngân hàng từ cấp 3, mình gần như ít tiêu tiền mặt. Đến bây giờ khi đã đi làm rồi, thứ giúp mình giải quyết việc mua sắm mỗi ngày là điện thoại thay vì ví”, Linh rất thích việc này, vì ra đường đã “gọn” hơn rất nhiều khi chỉ cần 1 chiếc smartphone.
Nguyễn Nga Linh (20 tuổi, TTS Marketing, Hà Nội)
Đa số hoạt động chi tiêu của Linh khi đi làm là mua sắm online, đặt đồ ăn. “Tiện lợi của chuyển khoản thì khỏi bàn cãi. Thường là nhanh và gọn. Như việc mua hàng online mình thanh toán trước rồi thì nhờ đồng nghiệp chẳng hạn.
Hay phòng ban có ăn uống, mua sắm chung khi trả tiền mặt khá mất thời gian, cũng dễ có kiểu chia bill nhưng tiền thừa rồi gộp với lần sau trả luôn 1 thể, mình không thích kiểu đó. Bây giờ thì tiện rồi, chỉ cần quét mã QR của người kia là xong luôn.
Thỉnh thoảng cũng có trường hợp đang đi làm mà muốn đặt đồ hộ người thân, gọi xe hay mua đồ ăn, thì chỉ cần chuyển khoản là thanh toán xong rồi, không lo người kia phải tự trả tiền nữa”, có thể nói, cuộc sống của Nga Linh giờ không có điện thoại và chuyển khoản là khó chịu lắm.
Cuộc sống của Nga Linh giờ không có điện thoại và chuyển khoản là khó chịu lắm!
Một điều nữa ắt sẽ đồng cảm cùng nhiều người đó là “khi tiêu tiền mặt mình hay có cảm giác "bị mất mát". Nếu mua gì với số tiền lớn thì thấy khá là xót ví. Đôi lúc thấy mình đang có tiền trong người sẽ nghĩ cứ tiêu đi, nên dễ mất kiểm soát lắm.
Khi tiêu tiền chuyển khoản thì cũng tiêu hạn chế, chỉ tiêu tiền trăm, quá lắm là 1 triệu thôi. Đó cũng là cách giúp mình giữ được tiền trong tài khoản và tính toán nhiều hơn mỗi khi xuống tiền mua gì đó”, Linh chia sẻ.
Đấy là cách các cô nàng công sở chi tiêu mỗi ngày. Cuộc sống công sở không tiền mặt quả là tiện lợi và dễ chịu hơn rất nhiều, phải không?