Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn "cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn"

Mỗi ngày, lò bánh mì của Minh và Tony bán ra gần 1.000 ổ. Đầu tư tiền tấn để thu về tiền lẻ, đôi bạn vẫn sung sướng vì có thể mang đến hương vị bánh mì Sài Gòn không lai tạp đến Mỹ.

Đầu tư tiền tỷ cho dàn máy làm bánh mì Việt Nam tại Mỹ

Mở một lò bánh mì nho nhỏ tại Mỹ, hết khoảng bao nhiêu tiền? Đôi bạn Tony và Minh, chủ thương hiệu bánh mì 135 nổi tiếng tại thành phố Duluth (bang Georgia, Mỹ) tiết lộ, con số đầu tư là vài tỷ đồng.

Tính riêng dàn máy làm bánh mì (gồm máy trộn bột, máy chia bột, máy cán bột, máy ủ, lò nướng...) đã tốn gần gần 100.000 đô (khoảng 2,5 tỷ đồng), chưa tính các chi phí về set up địa điểm, nhân công, nguyên liệu...

Tony tiết lộ: "Máy nướng là mắc tiền nhất, giá tương đương 1 chiếc xe Toyota, nhưng cũng xứng đáng. Mỗi mẻ nướng được 300 ổ lận. Mỗi ngày chúng mình nướng 3 mẻ, khoảng 900 bánh ra lò mỗi ngày, để bán bánh mì thịt và cả bánh mì không cho mọi người mua về nữa".

Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn - Ảnh 1.

Tony (trái) mà Minh (phải) - người sáng lập lò bánh mì Việt Nam tại Mỹ

Tony chia sẻ, việc làm bánh mì tại Mỹ có chút khác biệt về khí hậu, nên họ phải "dựa dẫm" vào một số loại máy móc để tạo được đổ ẩm, nhiệt độ tương tự như ở Việt Nam. Một số chi tiết trong công thức làm bánh mì cũng phải thay đổi chút đỉnh để ra được ổ bánh đúng chuẩn Việt Nam: Vỏ ngoài giòn tan, có vết nứt, bên trong ruột xốp, mềm, có chút dai dai.

Ví dụ, họ dùng bột mì loại gluten cao và protein cao, ngoài men nở thì có cho thêm bơ, nước dùng trộn cùng bột là đá viên (chứ không phải nước thông thường) với trọng lượng 65% so với bột.

Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn - Ảnh 2.

Những ổ bánh mì Việt Nam tại Mỹ với lớp vỏ giòn, vết nứt đặc trưng

"Làm bánh khó nhất là tìm ra đúng công thức phù hợp với môi trường, rồi phải căn thời gian trộn, ủ, ví dụ khi thấy bột trộn có tiếng lách tách do không khí bị ép vào nhau, hoặc kéo ra dễ dàng thấy có màng một mỏng, không rách, đó là lúc bột sắp "tới", sẵn sàng để đem chia thành viên.

Dù thành thạo việc ở Việt Nam rồi, khi bắt đầu tại Mỹ, chúng mình cũng bị hư nhiều mẻ, sai lầm rồi sai lầm tiếp mới ra được công thức và quy trình chuẩn. Vì tụi mình muốn làm ra bánh mì Việt Nam đúng kiểu Việt Nam, không phải sanwich hay bánh mì Pháp", Tony kể.

Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn - Ảnh 3.

Đầu tư tiền tỷ để thu về bạc lẻ, đôi bạn vẫn hạnh phúc

Cắn một miếng thấy mình như đang ở Sài Gòn, trải nghiệm đó vô cùng đáng giá

Ở nhiều thành phố tại Mỹ, bánh mì thịt kiểu Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc và được ưa thích cả đối với người bản xứ, không phải gốc Việt. Tại bang Georgia nơi Tony và Minh mở tiệm cũng vậy, không khó để tìm những nhà hàng bánh mì bán theo kiểu đồ ăn nhanh mang đi.

Nhưng có một sự thật là, nhiều người thuộc thế hệ trẻ đầu tư những nhà hàng đẹp hơn, phục vụ "đúng kiểu Mỹ" hơn, nhưng món ăn thì không phải chính gốc, do hầu hết chủ quán đều được sinh ra và lớn lên bên ngoài Việt Nam.

Đó cũng là điều khiến Tony và Minh quyết tâm mở lò bánh mì của riêng họ.

Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn - Ảnh 4.

Đôi bạn cố gắng mang đến hương vị "bữa sáng ở Sài Gòn" cho thực khách

Lò bánh mì mới mở được 4 năm này đang là ngôi sao sáng, được ưa chuộng nhất nhì trong danh sách các nhà hàng Việt Nam tại Georgia, dù chỉ trung thành với một món.

Đương nhiên, thực đơn của họ có vài phiên bản như bánh mì đặc biệt (nhân chả lụa, thịt nguội, giò thủ), bánh mì thịt nướng, bánh mì xíu mại, bánh mì gà xé, bánh mì ốp la, bánh mì chay... kèm cafe sữa, trà sữa và nước mía.

Minh gọi đó là trải nghiệm "bữa sáng ở Sài Gòn" (dù không phải họ chỉ bán buổi sáng và khách chỉ ăn sáng).

Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn - Ảnh 5.

Nhà hàng chỉ phục vụ 3 loại thức uống là cafe sữa, trà sữa và nước mía

"Khi bạn cắn một ổ bánh giòn rụm, bên trong là lớp pate mềm mịn, bơ thơm, thịt nguội hòa quyện, vài lát ớt, dưa leo, đồ chua, rau ngò cùng nước xốt, nhâm nhi một chút cafe đậm thật nhiều đá, bạn thấy mình như đang ngồi ngay ở Việt Nam, ngay trên một đường phố thân quen Sài Gòn.

Chúng mình đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu hương vị thịt, sao cho giống như hương vị ở nhà nhất. Khi tụi mình ăn, cảm tưởng như mọi ấn tượng thời thơ ấu liên quan đến bánh mì Sài Gòn quay trở lại, làm cho mình bị rung động, lúc đó mới đem bán cho người ta", đầy tự hào, Minh cho biết.

Đôi bạn đổ 2,5 tỷ mua máy móc, mở lò bánh mì tại Mỹ vì muốn cắn một miếng ra ngay hương vị Sài Gòn - Ảnh 6.

Bánh mì Việt Nam tại tiệm 135 có kích cỡ lớn, đẫm nhân

Có lẽ, chính nhờ sự "bảo thủ" kiên quyết giữ hương vị ấy của hai người chủ mà tiệm này rất được lòng khách hàng người Việt. Hồi đầu, để đảm bảo độ tươi ngon và trải nghiệm tốt nhất, họ còn không chịu giao hàng xuyên bang.

"Mình thường xẻ một đường chéo 45 độ trên thân bánh, một bên phết pate, một bên phết bơ, rồi rưới nước xốt trước khi xếp các loại thịt, chả so le nhau.

Cần nướng lại 7 giây để thịt có độ ấm, rồi mới cho rau củ. Bánh mì ăn ngon nhất là trong khoảng 10 phút đầu sau khi làm, sau đó thì có thể bị nguội và hơi ỉu", Tony giải thích

Vài tháng trở lại đây, chủ tiệm mới "cởi mở" hơn một chút, chịu gửi ship đi xa, và xếp rau củ riêng để khách hàng tự bỏ sau khi làm nóng lại bánh. Nhưng hai anh chàng vẫn khẳng định, tốt hơn là khách tới ăn tại tiệm, để có 100% trải nghiệm mà họ bỏ nhiều công sức để tạo ra.

Nguồn tham khảo: Hello Atlanta Cuộc sống Mỹ, Bánh mì 135