Gặp tác giả của loạt câu "thả thính" đáo để được giới trẻ yêu thích

Đó là Trần Duy Phương, sinh năm 2000 và là chủ nhân trang Chữ nghĩa là gì với 362,5 nghìn người theo dõi.

3 lần đòi thay đổi ngành học để theo đuổi thứ mình thích

"18 tuổi, mình có việc làm thêm đầu tiên, là phục vụ trong quán trà. Xong nửa tháng thử việc, người ta cho nghỉ với lý do mình còn 'non' quá. Mình biết mình 'non' chứ! Lúc đó mình chưa được va đập nhiều với cuộc sống, hơi công tử bột hoặc như các bạn hay gọi là 'con trai cưng của mẹ'. Nhưng lúc bị cho nghỉ việc mình mới thực sự thấm thía được bản thân đang ở mức độ nào, thiếu trải nghiệm sống ra sao,...

Thế nên trong thời gian đại học mình làm nhiều việc lắm. Từ bưng bê, gia sư đến marketing (tiếp thị) rồi khi trang Facebook được nhiều người biết đến hơn thì mình làm nội dung. Trong đó marketing giúp mình biết cách sử dụng hiệu ứng tâm lý để thu hút, điều khiển người tiêu dùng. Mình tìm hiểu thêm về Tâm lý học và nhận ra mình thực sự thích lĩnh vực này nên quyết định... nghỉ học để thi lại đại học. Lúc đó mình đang học năm 4 ngành Cơ kỹ thuật của trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN.

Thật ra mình từng có 3 lần đòi bỏ học để đi theo những thứ mình nghĩ là mình thích. Lần đầu tiên là ngành giáo dục, lần thứ 2 là marketing và lần thứ 3 là âm nhạc nhưng phải đến lần này mới biết mình thực sự thích tâm lý. Mình đã nghỉ việc, ở nhà khoảng 2 tháng nay và tập trung chuẩn bị thi lại đại học. Để duy trì cuộc sống, mình có thu nhập đến từ các trang MXH".

Đó là tóm tắt cuộc đời Phương cho đến năm 22 tuổi mà cậu kể với tôi, trước khi bắt đầu buổi trò chuyện.

Phương cao, gầy và nhỏ nhẹ. Ngay từ dáng vẻ này đã phần nào giải thích phong cách của Chữ nghĩa là gì (viết tắt là CNLG): đơn giản và không kém phần lãng mạn. Nhưng phải trò chuyện với anh chàng thêm nữa tôi mới hiểu được nguồn gốc của những câu chơi chữ, tán tỉnh thú vị của CNLG và tại sao nó lại hấp dẫn với giới trẻ như vậy!

0:00
/
03:01
Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích.

00:03:01

Gặp tác giả của loạt câu "thả thính" đáo để được giới trẻ yêu thích

Chào Phương,

Quá trình hình thành CNLG diễn ra thế nào?

Năm 2017 - 2018, mình có tìm hiểu về rap và biết đến battle rap. Đây là bộ môn đối kháng, 2 người công kích nhau bằng câu từ. Mình rất thích vì người ta chơi chữ, dùng câu từ cực đỉnh nhưng đến lúc mình viết ra 1 đoạn để đem đi chinh chiến thì lại thấy không thoải mái. Thế không công kích nữa, mình khen đi? Tuy nhiên không có trận đấu rap nào như thế cả, người ta không thích khen mà chỉ thích chê, công kích nhau nên mình muốn tạo ra một sân chơi có câu từ nhẹ nhàng, lãng mạn. Ban đầu mình viết ra những câu chơi chữ nghĩ trong đầu, cốt để lưu lại. Về sau những bài đăng càng ngày nhận được càng nhiều tương tác nên mình quyết định chia sẻ nhiều hơn. Chữ nghĩa là gì (CNLG) ra đời như vậy.

Từ khi nào Phương biết mình cũng có chút tiếng tăm trên MXH?

Hơi buồn cười nhưng mình biết CNLG cũng là gì đó khi thấy bài đăng bị bê đi 1 trang khác và lượng tương tác cao hơn rất nhiều. Thế nên có lẽ là mình không nổi tiếng mà các con chữ của mình nổi tiếng.

Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích - Ảnh 2.

Bạn có ấm ức khi bị "ăn cắp" nội dung không?

Ngay từ đầu mục đích của CNLG đã không phải là để nổi tiếng, để nhiều người biết đến mà chỉ là để lưu giữ những gì mình nghĩ. Dĩ nhiên đứa con tinh thần của mình làm ra mà người khác "tự ý sở hữu" thì không ai vui cả.

Nhưng mặt khác, chắc là chữ của mình cũng thú vị đủ để người ta để ý và đăng lại nên mình thấy vui vui, chấp nhận thực tế như vậy. Bây giờ CNLG không lẫn vào các nội dung trào lưu khác nên có nhiều người dùng lại cũng tốt, biết đâu truyền cảm hứng thêm cho những bạn yêu thích sự lãng mạn như mình.

Nếu một buổi sáng thức dậy thấy CNLG biến mất, Phương sẽ làm gì?

Xét về hành động, đương nhiên là tìm hiểu lý do, tìm cách giải quyết còn xét về cảm xúc thì bất ngờ. Nếu lấy lại được sẽ vui vẻ, nhẹ nhõm như chưa có gì xảy ra còn nếu mất rồi thì cũng tiếc đấy! Nhưng mà bảo mình làm lại thì… thôi. Nghỉ! Làm cái khác!

Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích - Ảnh 3.

Mỗi câu nói ra đều khiến nhiều người tò mò là cảm giác thế nào?

Tò mò về thứ mình làm được thì chắc chắn là vui rồi. Mỗi bài đăng lại có một mục đích. Nếu muốn để người ta tò mò thì vui còn nếu muốn để bản thân được thỏa mãn thì cứ coi họ như là 1 người xa lạ mới gặp mình và không hiểu mình đang nghĩ gì. Nhưng cũng có những câu rất dễ hiểu kiểu: "Ban ngày anh kể em nghe về bầu trời/ Ban đêm anh kể bầu trời nghe về em". Nghĩa là ban ngày anh hẹn hò với em và nói em nghe về cả thế giới còn ban đêm anh nằm nhớ em và nói với bầu trời (hoặc trần nhà) là anh nhớ em, nói về tình cảm với em. Đơn giản thế thôi!

Mỗi câu như vậy cần đầu tư nhiều thời gian và chất xám không nhỉ?

Có lúc ngồi nói chuyện với nhau thế này, từ ngữ cứ tuôn ra mà không cần đầu tư gì cả.

Có lúc mọi thứ không đến tự nhiên, lâu lâu không có bài đăng thì mình bắt buộc phải viết vì vẫn có mấy trăm nghìn người theo dõi. Đó vừa là động lực để mình duy trì vừa là áp lực vô hình với mình. Những lúc như thế mình nhìn lại xem gần đây đã trải qua những gì, có cảm xúc ra sao, người đọc muốn gì và sử dụng kiến thức marketing như thế nào để tiếp cận họ. Tóm lại là đôi khi mình thỏa mãn bản thân, đôi khi mình đi phục vụ người khác nên tốn nhiều chất xám hay không cũng khó nói.

Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích - Ảnh 4.

Có 1 triệu người theo dõi mà không có giá trị tích cực thì cũng chẳng là ai cả!

Cũng là 1 TikToker với gần 55k người theo dõi, Phương có phải là người lướt TikTok quá 180 phút không?

Thật ra từ lúc làm TikTok thì mình không lướt nữa và tập trung làm nội dung, nếu có thì cũng chỉ để tìm ý tưởng thôi. Mọi người cũng biết trên TikTok có cả nội dung tích cực và chưa tích cực, lướt 180 phút tức là mình đã mất 90 phút xem những thứ chưa tốt rồi?

Mình có một cách là follow những người/ kênh mình thấy thú vị và tích cực như nội dung về kiến thức, âm nhạc hay hài hước. Sau đó lúc lướt mình chỉ xem ở phần "Đang theo dõi", không xem phần "Dành cho bạn". Như vậy sẽ tránh những thứ tiêu cực tiếp cận đến mình còn mình có góc nhìn tích cực về TikTok vì dù gì mình cũng đang hoạt động trên nền tảng này.

Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích - Ảnh 5.

Vậy Phương nghĩ gì về những trào lưu gây tranh cãi của các TikToker gần đây? Nói TikToker ảo tưởng quyền lực có đúng không?

Mỗi nền tảng có có cách vận hành riêng và người sáng tạo nội dung có cách làm của riêng mình, phù hợp với nền tảng mà người đó mạnh nhất. "Trào lưu" như thế nào là do cách người làm sáng tạo nắm bắt xúc cảm khán giả một cách nhạy bén và cộng hưởng rộng ra bên ngoài. Nếu cộng hưởng tích cực thì quá tuyệt vời, còn nếu tiêu cực thì cần cân nhắc lại. Vì thế mình nghĩ là người làm nội dung có trách nhiệm thì cần phát huy nhiều hơn những trào lưu tích cực cho khán giả.

Về chuyện ảo tưởng quyền lực, khi đạt 100k người theo dõi trên Facebook, mình cũng có cảm giác bản thân là 1 cái gì đó rất quan trọng, lời nói có sức ảnh hưởng đến cả trăm nghìn người. Mình nghĩ là có một số người làm sáng tạo nội dung cũng mắc phải xúc cảm như này khi đạt đến một độ "nổi" nhất định. Nhưng thực tế thì không! Sau một thời gian ảo tưởng và đọc comment của khán giả nhiều hơn, đọc ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng CNLG, mình nhận ra giá trị bản thân được xác định bằng giá trị mình có thể đem đến cho người khác. Vậy nên cho dù có 1 triệu người theo dõi đi chăng nữa mà không đem đến được cho người ta cái gì hay ho, tích cực thì mình cũng chẳng là ai cả.

Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích - Ảnh 6.

Với một người làm sáng tạo nội dung, làm sao để duy trì được độ "mặn"?

Mỗi sản phẩm của mình gồm có 1 số thứ khán giả muốn, 1 số thứ mà mình biết nó sẽ hay và 1 số thứ thuộc về bản ngã. Mình kết hợp tất cả những thứ này giống như xào nấu thức ăn, chế biến thành 1 món ngon cho nó cân bằng, hài hòa là được.

Tuy nhiên mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một số món mình thấy ngon nhưng nhiều người không thấy ngon, một số món thật sự ngon nhưng hôm đó quán lại vắng khách, một số món không ngon nhưng lại có nhiều người khen làm mình bị ảo tưởng,... Muốn giữ được độ ngon cho món ăn, mỗi người phải tự cảm nhận được mình đang ở đâu, đang như thế nào.

Để làm được điều này mình phải theo dõi cả quá trình, xem mình tốt ở đâu - không tốt ở đâu và giải thích được tại sao có kết quả như vậy. Điều này không chắc sẽ giúp mình "mặn" lên nhưng sẽ duy trì sự ổn định hoặc ít nhất là biết được khi nào mình kém đi và lý do là gì. Nhìn chung để giữ được độ "mặn" hay sự sáng tạo thì phải luôn quan sát, từ phía mình và từ phía khán giả của mình.

Gặp tác giả của loạt câu thả thính đáo để được giới trẻ yêu thích - Ảnh 7.

Cảm ơn Phương vì những chia sẻ!