Gen Z: Ai mà ngồi trên văn phòng thâu đêm suốt sáng rồi nhận lương 7 - 8 triệu, nỗ lực cũng cần phải có chiến lược!

Lứa nhân sự trẻ trung, được đặt nhiều kỳ vọng khi đứng trước tấm gương “con nhà người ta" sờ sờ ở nước bạn. Họ đang nghĩ gì?

Những ngày nay, từ TikTok lan tỏa đến Facebook tràn ngập hình ảnh những cao ốc văn phòng sáng đèn bất kể ngày đêm tại Trung Quốc. 

Thực chất, loạt ảnh này đã cũ, mới được dân mạng chia sẻ lại gần đây và viral khủng khiếp. Lý do chính là vì nó khơi gợi nhiều suy nghĩ cho người xem.

Ở phía các chủ doanh nghiệp Việt. Có người lo lắng cho tương lai thị trường Việt  không thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập vì họ có nguồn nhân lực đã giỏi lại còn chăm; Có người thở dài thất vọng vì người trẻ hiện tại ham “chữa lành" hơn làm việc cật lực để kiếm tiền, đưa doanh nghiệp phát triển. Tìm ra những nhân sự cống hiến hết mình tới mức lý tưởng như nước bạn, là bài toán khó.

Tuy không gọi thẳng mặt Gen Z ra để “gửi gắm tâm tư"; song, nhân sự trẻ bây giờ hầu hết là thuộc lứa Gen Z. Follow những tranh cãi xoay quanh câu chuyện trên, lứa 2k cũng cảm thấy bị “động chạm" và không chịu đứng ngoài luồng để bị nhận xét tiêu cực hay chê bai.

Gen Z - lứa nhân sự trẻ trung, được đặt nhiều kỳ vọng khi đứng trước tấm gương “con nhà người ta" sờ sờ ở nước bạn. Họ đang nghĩ gì?

Tan làm sớm nhưng việc phát sinh có thể "rơi" xuống bất cứ lúc nào

Nhiều bạn trẻ cho biết, dù văn phòng không sáng đèn nhưng màn hình laptop thì luôn sáng, sẵn sàng bật “mode” làm việc 14-16 tiếng/ngày.

Thu Minh (23 tuổi, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) cảm thấy như bị rút cạn năng lượng khi phải đọc những lời “trách” trên mạng xã hội. Khi vừa “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường lao động với tấm bằng Cử nhân loại Giỏi, lựa chọn vị trí Hành chính - Văn thư để trau dồi kỹ năng thực tế. 

Khối lượng đầu việc nặng kèm theo những nhiệm vụ phát sinh bất kể giờ giấc mà không có chế độ đãi ngộ phù hợp, song Thu Minh vẫn hoàn thành tốt: "Có những ngày phải bố trí xếp xe đón đối tác từ sân bay, mình là cầu nối giữa tài xế và đối tác. Một giờ sáng nhận được tin trễ chuyến bay thì phải nhanh chóng liên lạc với tài xế để thông báo đổi giờ đón".

Gen Z: Ai mà ngồi trên văn phòng thâu đêm suốt sáng rồi nhận lương 7 - 8 triệu, nỗ lực cũng cần phải có chiến lược! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Minh cho biết những đầu việc phát sinh đó có thể “rơi” xuống bất cứ lúc nào, khi cô ở nhà hay đi gặp mặt bạn bè. Dù trên giấy tờ, Minh chỉ được trả lương cho 8 tiếng làm việc tại văn phòng nhưng tan ca không có nghĩa là công việc chấm dứt, có rất nhiều việc không tên phát sinh và cô vẫn phải nỗ lực giải quyết nhanh chóng.

Hiện Thu Minh đang đi tìm cho mình một cơ hội mới. Lướt trên các diễn đàn tuyển dụng, cô thấy hình thức làm việc ca đêm cho nhân viên văn phòng ngày càng phổ biến. "Xung quanh khu vực mình sống là các công ty công nghệ. Họ thường xuyên tuyển các vị trí chăm sóc khách hàng, kiểm duyệt nội dung làm ca đêm. Buổi sáng, một dòng người ùa ra khỏi khu công viên phần mềm để về nghỉ ngơi, được thay thế bằng một dòng người khác bắt đầu ca làm buổi sáng của họ. Chứ ai mà có thể ngồi yên một chỗ trên văn phòng thâu đêm suốt sáng với mức lương chỉ vỏn vẹn 7-8 triệu đồng?".

Bạn Thảo Uyên (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự. Bạn luôn mang theo laptop kể cả khi đi cà phê vào những ngày cuối tuần để tiện xử lý nhanh các công việc phát sinh nếu có. 

"Thực chất, những hội nhóm vẫn nhận được tin nhắn và yêu cầu mới vào độ 12 giờ đêm là chuyện khá hay xảy ra" - Uyên khẳng định. Ngay sau khi tan sở, vừa về nhà là cô sẽ nhanh chóng mở laptop và làm tiếp các công việc còn tồn đọng thay vì ngồi lại công ty. Bạn trẻ cho biết làm việc tại nhà có cảm giác thoải mái hơn, chứ không phải vì lười nhác, ham đi “chữa lành” sau giờ làm nên mới không tăng ca tại văn phòng.

Gen Z: Ai mà ngồi trên văn phòng thâu đêm suốt sáng rồi nhận lương 7 - 8 triệu, nỗ lực cũng cần phải có chiến lược! - Ảnh 2.

Sau khi tan sở, thay vì đi chơi nhiều bạn trẻ sẽ phải mở laptop làm việc tiếp (Ảnh minh họa)

Lên tiếng bảo vệ cho “phong trào chữa lành” đang dần trở nên tiêu cực hơn trong mắt thế hệ trước, Anh Khôi (25 tuổi, nhân sự ngành Truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh) mong mọi người có cái nhìn ít khắt khe hơn về những gì Gen Z chia sẻ trên mạng xã hội. 

"Đúng là chúng mình thường hay than thở, nhưng đó vốn cũng chỉ là những lời nói vu vơ, những story tâm sự bình thường với bạn bè. Chúng mình không hề chểnh mảng trước các trách nhiệm". Cậu bạn nhấn mạnh thêm, Gen Z hiện tại đang rất nỗ lực, và việc tận hưởng thành quả lao động bằng những chuyến đi cuối tuần để “sạc” đầy năng lượng cho một tuần làm việc mới là điều đáng khích lệ thay vì phê phán.

Nỗ lực cũng cần phải có chiến lược, biết cách “đầu tư” với sức người và thời gian

Từ những chia sẻ thực tế trên, có thể thấy rõ Gen Z có cách làm việc linh hoạt, không chỉ ở công ty, họ có thể nhanh chóng hoàn thành yêu cầu từ bất cứ đâu, thậm chí trong cả lúc… xin nghỉ phép để “chữa lành".

Tuy nhiên, họ cũng là thế hệ có ý thức cao độ về giá trị công sức bỏ ra: Không nhắm mắt “cày” bất kể thời gian, nỗ lực của họ phải luôn đi kèm với những mục đích, mục tiêu cụ thể.

Bảo Trân (26 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) là lứa Gen Z đầu tiên, vừa mới có cho mình một gia đình nhỏ và hiện đang công tác ở mảng Nhân sự. Tại cơ quan của cô, OT dù phổ biến nhưng luôn được áp dụng chọn lọc. Cô nhấn mạnh, làm tăng ca phải có mục tiêu mong muốn đạt được cụ thể, phải tạo ra những tiến độ cần thiết, thỏa đáng cho công việc. OT lâu dài mà không có kế hoạch chỉ khiến nhân sự thêm kiệt sức.

Anh Khôi đồng quan điểm về nỗ lực có chiến lược: "Cứ xem các trang cung cấp trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ quản lý đầu việc như Notion, Google Calendar,…ngày càng được ra mắt nhiều hơn là biết thế giới đang hướng đến việc tối ưu thời gian và hiệu quả của nhân sự".

Cậu chia sẻ thêm những hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ trên thị trường: "Nếu nhân sự ngày càng biết nỗ lực có chiến lược, không cào bằng thời gian làm việc với mức độ cống hiến, thì mình nghĩ sẽ có thêm nhiều các giải pháp công nghệ giúp người lao động xử lý công việc “khôn” hơn. Chính những dịch vụ đó cũng có thể được “xuất khẩu” xuyên biên giới".

Gen Z: Ai mà ngồi trên văn phòng thâu đêm suốt sáng rồi nhận lương 7 - 8 triệu, nỗ lực cũng cần phải có chiến lược! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Thảo Uyên thừa nhận cô cũng cảm thấy áp lực đồng trang lứa khi nhìn ra xung quanh. Tại lớp ngoại ngữ, cô được nghe chia sẻ về tình hình thị trường lao động của Trung Quốc, điển hình như tin tức những thực tập sinh đã sở hữu tấm bằng Thạc sĩ ngay từ khi mới “chập chững” tham gia vào các công việc tri thức.

Quyết tâm thua ai thì sẽ học hỏi người đó. Thảo Uyên kiêm nhiệm thêm các công việc tự do (freelance) sau giờ hành chính cho các công ty nước ngoài, xem đây là thời cơ tăng thu nhập và đa dạng hóa chuyên môn. 

Đó cũng là khi cô nhận ra Gen Z đang vô cùng năng động và đã toàn cầu hóa về mặt công việc hơn bao giờ hết. “Luôn có các hội nhóm tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài dành cho người Việt với hàng chục thành viên thảo luận tích cực, trải dài từ Malaysia đến Mỹ. Nếu không phải là vị trí chính thức thì họ cũng rất sẵn sàng tham gia các dự án ngắn hạn để học hỏi kinh nghiệm, mình thấy Gen Z chúng mình rất cầu tiến!”.

Nói thêm về những tranh cãi xoay quanh quan điểm “nhân sự Việt nên cố gắng hơn thì mới cạnh tranh được” đang được thảo luận sôi nổi những ngày gần đây, cô bạn có góc nhìn tích cực: "Mình thấy các anh chị lo lắng là có cơ sở. Phải luôn nhìn nhận được năng lực và nỗ lực đến đâu thì mới có thể phấn đấu, điều này áp dụng cho cá nhân đúng, mà áp dụng cho các doanh nghiệp cũng đúng.

Song, mình mong mọi người luôn nỗ lực đúng, nỗ lực đủ chứ đừng nỗ lực cực đoan. Chúng ta sẽ còn làm việc trong hàng chục năm tới, hãy “đầu tư” thật giỏi với số vốn ít ỏi của bạn - là sức người, là thời gian".

https://ahadep.com/gen-z-ai-ma-ngoi-tren-van-phong-thau-dem-suot-sang-roi-nhan-luong-7-8-trieu-no-luc-cung-can-phai-co-chien-luoc-20240509090730837.chn