Hầu hết chúng ta đều vô cùng bận rộn trong mỗi ngày làm việc, luôn phải cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ như hội họp, trả lời email, giải quyết các deadline đã cận kề.
Tất cả những điều này gần như đã chiếm hết thời gian trong ngày. Ta hầu như không có thời gian để khai phá những ý tưởng thú vị của chính mình hay học những kỹ năng mới. Trong khi đó, phát triển các lĩnh vực kiến thức mới có thể mang lại cho ta lợi thế cạnh tranh bền vững, trong bối cảnh các ngành nghề sẽ thay đổi khó lường trong tương lai.
Vậy làm thế nào ta có thể quản lý thời gian để đảm bảo rằng mình luôn dẫn đầu?
Quy tắc 20% - bí quyết của Google
Một giải pháp được đưa ra là quy tắc "20%" của Google, một chiến lược do những người sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page nghĩ ra vào năm 2004.
“Chúng tôi khuyến khích nhân viên đầu tư 20% thời gian của họ vào bất cứ điều gì mà họ tin rằng sẽ hỗ trợ tốt nhất cho Google, bên cạnh các công việc hàng ngày”, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin viết trong thư IPO, “Điều này cho phép họ tự do sáng tạo và phát minh. Đây chính là cách mà nhiều phát kiến mới của chúng tôi như AdSense và Google Maps - đã ra đời".
Xét tổng quan, quy tắc này như một thông điệp rõ ràng tới nhân viên: chúng tôi tin tưởng vào bạn và coi bạn là một phần thiết yếu trong văn hóa làm việc của chúng tôi, chúng tôi muốn bạn phát triển và theo đuổi ước mơ của mình.
Mỗi người có thể thực hiện quy tắc 20% như thế nào?
Mỗi chúng ta đều có thể áp dụng thành công quy tắc này để mang lại lợi ích cho chính bản thân mình, chỉ cần thực hiện đúng những yêu cầu sau đây:
Xác định những gì muốn học
Đầu tiên, ta phải xác định cụ thể kỹ năng muốn học. Hãy tập trung làm chủ một lĩnh vực hơn là tham gia 10 khóa học về mười lĩnh vực khác nhau. "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề", như ông bà ta vẫn dạy.
Theo thời gian, ta sẽ thấy sự cải thiện nhanh hơn, càng khích lệ ta tiếp tục cố gắng. Khi đó, ta đã có thể làm chủ những kỹ năng thực sự - chẳng hạn như lập trình bằng một ngôn ngữ máy tính mới hoặc đưa ra chiến lược bán hàng hiệu quả, giúp tăng giá trị của chính ta trong mắt nhà tuyển dụng, hoặc giúp ta có thêm một nguồn thu nhập phụ…
Để bắt đầu, hãy ngồi lại từ 5-10 phút và viết ra những gì bạn muốn học được. Viết rõ ràng nhất có thể. Mục tiêu càng cụ thể, ta càng dễ hình dung những gì cần làm để đạt được nó.
Giành chiến thắng - ngay cả khi thua cuộc
Đây là cách tốt nhất để đảm bảo rằng quãng 20% thời gian không bị lãng phí. Ta phải đảm bảo rằng mình vẫn sẽ nhận được một lợi ích tối thiểu từ một tình huống hoặc cơ hội nhất định, ngay cả khi kết quả không đi theo đúng ý định.
Chẳng hạn, thông qua nỗ lực thực hiện một ý định nào đó, ta có thể gián tiếp trau dồi các kỹ năng có giá trị như thuyết trình trước đám đông hay giao tiếp hiệu quả.
Hãy linh hoạt và kiên định
Tiết kiệm 20% thời gian để học một kỹ năng mới cũng giống như duy trì một chế độ ăn kiêng. Nó có nghĩa là ta phải có kỷ luật, nhưng đôi khi cũng cần phải biết linh hoạt để “bẻ cong” các quy tắc.
Những công việc đột xuất có thể khiến ta không tuân thủ thời gian đúng như đã lên lịch, nhưng đó không phải là vấn đề, miễn là ta cố gắng sắp xếp lại và giữ lời hứa với chính mình.
Tìm cách để làm cho công việc thú vị
Đặt ra được 20% thời gian đã khó, duy trì ý chí để làm việc đó còn khó hơn nhiều nếu ta phải làm việc không ngừng, tham gia các buổi đào tạo chuyên sâu...
Rõ ràng đôi lúc ta sẽ cần đến ý chí mạnh mẽ để đối diện với những khó khăn mà bất kỳ lĩnh vực nào cũng có. Nhưng nếu chỉ làm những việc khó khăn, ta sớm muộn cũng sẽ cảm thấy thất vọng, chán nản và muốn bỏ việc.
Vì vậy, có rất nhiều cách để làm cho quãng 20% thời gian đó trở nên thú vị. Ta có thể nghe sách nói trong khi đi dạo, phỏng vấn lấy thông tin với đồng nghiệp ngay trong bữa ăn hoặc đăng ký một khóa học với bạn bè.
Suy nghĩ kĩ càng
Khi ta đầu tư vào quy tắc 20% thời gian, sức mạnh của lãi kép rất đáng kể, tương tự như khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Những gì thoạt trông nhỏ bé và không đáng kể lúc đầu có thể giúp tạo ra cách biệt lớn giữa một cá nhân và các đối thủ cạnh tranh.
Đặc biệt khi lên kế hoạch cho một điều gì đó lâu dài, ta nên suy nghĩ kĩ càng, với tầm nhìn xa. Lợi ích của quy tắc 20% thời gian chính là ngay cả khi ta thay đổi ý định hoặc chọn một con đường khác, những nỗ lực nhỏ mà ta thực hiện từ trước sẽ cộng dồn lại theo thời gian và mở ra nhiều lựa chọn khác trong tương lai.
Tóm lại, khi đọc bài viết này, bạn giống như cậu bé Google của 20 năm trước, hơn là gã khổng lồ công nghệ Google ngày nay. Và giờ là lúc bạn có thể áp dụng quy tắc 20% như Google để làm nên những điều khác biệt.
Theo Levelup