Sau một kỳ nghỉ lễ dài ngày như nghỉ Tết nguyên đán cũng là lúc dân tình phải bỏ lại bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành và các thú vui khác để bắt đầu quay trở lại với cuộc sống thường nhật, lập kế hoạch cho một năm mới bùng nổ hơn. Tuy nhiên, dù đa số công ty đã bắt đầu làm việc từ Mùng 6 âm lịch, nhiều nhân viên văn phòng vẫn đang ở trong trạng thái mơ màng, loay hoay hậu nghỉ Tết. Thậm chí, nhiều người chỉ đến công ty cho có mặt chứ không thực sự làm việc hoặc làm trong tâm thế uể oải và dễ bị xao lãng, công việc không đạt hiệu suất cao như trước.
Nếu bạn thấy bản thân ở trong tình trạng trên, rất có thể, bạn đang mắc hội chứng "căng thẳng sau mùa lễ hội" (Post-holiday blue).
Ảnh minh họa
Post-holiday blue là gì và nguyên nhân do đâu?
Post-holiday blue có thể hiểu nôm na là trạng thái căng thẳng sau mùa lễ hội. Cụm từ này dùng để chỉ những cảm xúc ngắn hạn mà các cá nhân trải qua sau kì nghỉ bao gồm buồn bã, cô đơn, mệt mỏi, thất vọng, uể oải, suy sụp tinh thần hoặc thậm chí là sợ hãi những tháng ngày sắp tới. Thông thường, hội chứng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sau đó biến mất nhưng rất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của bạn.
Căng thẳng, trầm cảm, sụt giảm tinh thần là những dấu hiệu thường thấy của hội chứng căng thẳng mùa lễ hội. Cảm giác này đến từ việc luyến tiếc những giây phút nghỉ ngơi thoải mái, vô tư tận hưởng cuộc sống. Và rồi kỳ nghỉ kết thúc, bạn bất chợt phải quay lại với guồng quay công việc với đầy áp lực.
"Tuần đầu tiên của năm giống như giai đoạn khởi động", Laith Masarweh, CEO và người sáng lập Assistantly, một công ty cung cấp nhân sự trợ lý ảo, nói với CNBC Make It. "Đừng đặt quá nhiều áp lực lên bản thân để bắt kịp tốc độ 100%. Bạn chỉ cần cố gắng hết sức để trở nên tích cực và để bản thân hào hứng cho năm mới phía trước".
Cách giúp bạn vượt qua hội chứng căng thẳng mùa lễ hội
Hãy xem xét những lời khuyên này từ các chuyên gia để trở lại làm việc suôn sẻ sau kỳ nghỉ lễ:
Ngủ đủ giấc và thức dậy sớm
Những ngày nghỉ lễ thường là cơ hội tốt để bạn thức khuya và ngủ nướng vào ngày hôm sau. Sau khi trở lại với công việc, bạn dễ bị rối loạn đồng hồ sinh học dẫn đến thức dậy muộn, đi làm trễ. Ngủ đủ giấc và thức dậy sớm vào ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kì nghỉ sẽ có thể giúp bạn dễ dàng quay trở lại với lịch trình và giảm bớt nhiều lo lắng trong thời gian đầu trở lại với công việc.
Ra ngoài nhiều hơn
Bạn có thể giải tỏa cảm giác bí bách vì ở lâu và ít vận động trong không gian kín, ngột ngạt như nhà ở, văn phòng công ty bằng cách ra ngoài nhiều hơn. Ngay cả khi ở bên ngoài bầu trời âm u và không có nhiều nắng, việc để bản thân có thời gian bên ngoài sẽ giúp bạn tăng cường năng lượng. Bạn thậm chí có thể kết hợp điều này bằng việc tương tác với mọi người xung quanh.
Ảnh minh họa
Trò chuyện trực tiếp với mọi người
Bạn cần phải trò chuyện với ai đó một cách trực tiếp mà không phải qua tin nhắn. Hãy nghĩ về một người mà bạn thích ở bên cạnh, gọi điện thoại hỏi thăm hoặc hẹn gặp trực tiếp đều được. Bạn hãy hỏi người ấy về kỳ nghỉ của họ, những khoảnh khắc vui vẻ mà họ có.
Tập luyện thể dục thể thao
Sự căng thẳng sau kì nghỉ lễ có thể khiến vài người quên đi thói quen vận động của họ. Nhưng tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng. Chuyên gia khuyên rằng bạn nên bắt đầu ngày mới bằng việc đi bộ nhanh hoặc chạy bộ bên ngoài, hoặc khởi động bằng một bài tập ngắn. Điều này sẽ "thực sự khiến tâm trí bạn hoạt động và chuẩn bị cho thành công".
Nếu bạn không thích tập thể dục vào buổi sáng, hãy thử thiền trong 5 phút hoặc tập hít thở sâu để làm dịu tâm trí và kích hoạt giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu.
Để duy trì động lực khi bắt đầu tập luyện trở lại, hãy rủ các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè cùng tập thể dục, chọn các hoạt động bạn thích làm để luôn bận rộn.
Lập kế hoạch cho những hoạt động sau kì nghỉ
Theo Hollingshead, mọi người có thể có nguy cơ mắc hội chứng căng thẳng mùa lễ hội cao hơn nếu họ không có điều gì đó để mong đợi sau kỳ nghỉ lễ.
Hollingshead nói: "Nếu vài tháng qua bạn tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ, thì lý tưởng nhất là bạn nên có một thứ gì đó khác, chẳng hạn như một chuyến du lịch hoặc hoạt động, mà bạn mong chờ sau kỳ nghỉ lễ".
Lên kế hoạch trước cho một việc gì đó, dù lớn hay nhỏ, có thể giúp bạn duy trì động lực vui vẻ sau kỳ nghỉ lễ.
Đặt kỳ vọng thấp hơn
Phần lớn những nỗi sợ hãi sau khi quay trở lại làm việc sau kì nghỉ lễ đến từ công việc tồn đọng sau thời gian nghỉ dài. Bạn có hàng núi email chưa đọc, nhiều đầu việc chưa giải quyết. Áp lực phải "bắt đầu chạy" khiến bạn dễ trở nên căng thẳng.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên trở lại làm việc, bạn hãy giảm đi những kỳ vọng dành cho công việc và dành ra một khoảng thời gian ngắn để giải quyết những việc đã tồn đọng trước đó. Hãy trao đổi rõ ràng với người quản lý và đồng nghiệp của mình về những trách nhiệm mà bạn đang ưu tiên và số lượng cuộc họp mà bạn có thể tham gia trên thực tế để không bị kiệt sức.
Thử những trải nghiệm mới
Thông thường, nếu lập kế hoạch cho các hoạt động trong tương lai, mọi người thường có xu hướng gắn bó với những điều quen thuộc. Chẳng hạn như ăn ở nhà hàng yêu thích hoặc lên lịch cho một cuộc hẹn với những người bạn thân. Nhưng bạn cũng có thể thử một hoạt động mới chưa từng làm trước đó, chẳng hạn như thử một công thức nấu ăn mới tại nhà, hoặc tham gia một lớp học nhảy mà bạn đã tìm hiểu từ lâu.