Niềm yêu thích lạ kì
Chú bọ cánh cứng đen mun vươn càng, chú bọ xòe cánh vàng óng, chú bọ có lớp vỏ vân hoa đẹp mắt… Tất cả đều được Kiệt gìn giữ cẩn thận như "báu vật". Chàng trai 21 tuổi bắt đầu đam mê sưu tập bọ từ khi còn bé. Những quyển truyện tranh, bộ phim hoạt hình mà Kiệt xem lúc nhỏ thường hay đề cập đến văn hóa sưu tầm và nuôi bọ. Lòng hiếu kì, niềm yêu thích bắt đầu nhen nhóm trong Kiệt.
Năm 2015, Kiệt được người anh cho chú bọ kẹp kìm đầu tiên. Mang về nhà, Kiệt không rời mắt trước chú bọ có lớp vỏ óng ánh. Anh bắt đầu lên mạng đọc tài liệu tìm hiểu về loài bọ, vòng đời, đặc tính của từng loài. Căn phòng của Kiệt bắt đầu có thêm tủ lạnh, lồng ấp chuyên dụng để hỗ trợ cho việc sinh sản của bọ. Khi bọ sống hết vòng đời của mình, anh mới đem làm tiêu bản.
Sau 7 năm, bộ sưu tập bọ của Kiệt đã có gần 200 tiêu bản, gồm 3 dòng chính là bọ kẹp kìm, bọ sừng và bọ hoa. "Khi thấy tôi hí hoáy với những chú bọ, nhiều người ngạc nhiên và tò mò lắm. Ban đầu, gia đình cũng có phần lo lắng, sợ những chú bọ có độc, gây nguy hiểm. Sau thời gian dài, mọi người mới yên tâm về việc tôi làm, đồng thời hiểu thêm về ý nghĩa sinh học của bộ sưu tập", Kiệt nói thêm.
Hành trình sưu tầm bọ của Kiệt cũng đầy ắp những câu chuyện thú vị. Có những lần anh phải đi lên vùng núi cao, nơi phân bố đặc trưng để sưu tầm bọ. Hay thi thoảng, Kiệt vẫn nhờ những người dân đi rừng nhặt xác bọ mang về. Những chú bọ không nguyên vẹn mất đầu, mất chân, mất cánh… được Kiệt tháo rời ra, sắp xếp lại thành mẫu vật hoàn chỉnh. Muốn làm được điều này, anh phải dày công nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu nước ngoài để có thêm kiến thức.
Khi bọ chết đi, anh sẽ ngâm chúng vào trong dung dịch, phơi nắng ở nhiệt độ thích hợp. Quá trình này đòi hỏi kĩ thuật khá cao, bởi nếu thời gian quá dài, bọ sẽ bị khô cứng, hay khi đặt bọ trong nhiệt độ chưa đủ, chúng sẽ dễ bị mốc.
Vui buồn cùng bọ
Để đảm bảo yếu tố không gây hại đến loài bọ, Kiệt tự đặt ra nguyên tắc cho chính mình. Chỉ khi bọ kết thúc vòng đời, anh mới lấy làm tiêu bản. Đối với bọ mang về nuôi để sinh sản, anh chỉ lấy tiêu bản cặp bố mẹ, còn ấu trùng anh sẽ chia lại hoặc tái thả trong tự nhiên. "Có những mẫu mình rất thích nhưng chẳng dám mang về, bởi nếu không thể cho chúng sinh sản sẽ ảnh hưởng đến vòng đời sau của bọ", anh giải thích.
Nhiều người lần đầu nhìn thấy bộ sưu tập bọ của Kiệt đều có cảm giác thích thú. Để giữ được tiêu bản, Kiệt dùng 2 kim ghim ấn vào đoạn giữa phần khớp đầu và thân của bọ. Mỗi lần đem bộ sưu tập đi trưng bày tại triển lãm, Kiệt phải cẩn thận, tháo kim thật nhẹ nhàng, tỉ mỉ để không làm hỏng tiêu bản.
Anh chàng cho biết, bộ sưu tập này là "vô giá", bởi nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì thế, khi nhiều người hỏi mua lại Kiệt đều từ chối. Theo Kiệt, việc sưu tầm bọ đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức về sinh học, về tự nhiên, mở rộng mối quan hệ bạn bè.
Thời gian qua, Kiệt đã nhận được lời mời trưng bày bộ sưu tập của mình tại một quán cà phê. Sau khi suy nghĩ, anh gật đầu đồng ý. "Tôi muốn giới thiệu với mọi người vẻ đẹp của loài bọ cánh cứng. Chúng là loài sinh vật bé nhỏ nhưng cũng cần được bảo tồn, gìn giữ", anh tâm sự.
Hiện tại, Kiệt đang là sinh viên ngành Thiết kế. Kiệt cho biết, những chú bọ là nguồn cảm hứng của anh trong thiết kế. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục lưu giữ, sưu tầm thêm nhiều tiêu bản bọ.