Theo nghiên cứu mới nhất của David Blanchflower, giáo sư kinh tế 67 tuổi đến từ Đại học Dartmouth, cảm giác khủng hoảng tuổi trung niên đặc biệt nghiêm trọng vào độ tuổi sau 47.
Blanchflower gần đây đã thực hiện nghiên cứu để xem xét mức độ hạnh phúc và bất hạnh trong suốt cuộc đời của một người. Sau khi xem xét dữ liệu từ khoảng 500.000 người ở 132 quốc gia, ông nhận thấy mức độ hạnh phúc của một người thường giảm mạnh nhất khi họ ở độ tuổi 47. Ở các nước đang phát triển thì là 48 tuổi.
Những phát hiện này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của Blanchflower. Ông nhớ lại bản thân cũng đã trải qua cảm giác cực kỳ tồi tệ vào năm ông 50 tuổi, nhưng may mắn là cũng có bằng chứng chỉ ra sau khoảng thời gian cảm xúc chạm đáy thì tâm trạng của mọi người sẽ bình thường trở lại, thậm chí còn tốt hơn lúc trước.
Độ tuổi trung niên thường gặp phải rất nhiều áp lực
Tại sao hạnh phúc chạm đáy ở độ tuổi 47?
Nghiên cứu của Blanchflower cân nhắc nhiều yếu tố như giới tính, trình độ giáo dục, tình trạng hôn nhân, công việc, ông nhận ra mức độ hạnh phúc của con người giảm trong những thập kỷ đầu tiên của tuổi trưởng thành, sau đó chạm đáy vào cuối những năm 40 hoặc 50 tuổi, rồi sau đó mới dần “tươi tốt” trở lại.
Điều này khá hợp lý vì nhiều người ở độ tuổi 40, 50 thường được gọi là “thế hệ bánh mì kẹp”, tức là những người vừa phải chăm sóc mẹ già vừa phải chăm lo cho gia đình riêng. Johnny Taylor, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, nhận định: “Về mặt tài chính, họ hỗ trợ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cha mẹ, đồng thời chi trả cho việc học của con cái. Áp lực tăng lên và ảnh hưởng đến năng suất làm việc”.
Hơn nữa, nhóm người 40-50 tuổi có khả năng đang đảm nhận các vị trí quản lý cấp trung hoặc cấp cao. Tess Brigham, một nhà trị liệu ở San Francisco, cho rằng việc chuyển từ một nhân viên cấp thấp sang một vị trí cao hơn, đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn cũng có tác động tiêu cực đến mức độ hạnh phúc.
Ở nhà áp lực mà đi làm cũng mệt mỏi, không khó hiểu khi nhóm người ở độ tuổi này dễ mất đi cảm giác hạnh phúc nhất.
Ở nhà áp lực mà đi làm cũng mệt mỏi, không khó hiểu khi nhóm người ở độ tuổi này dễ mất đi cảm giác hạnh phúc nhất.
Theo Neda Gould, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc Chương trình Chánh niệm (mindfulness) tại Johns Hopkins, thì đưa thêm một lý do nữa ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc: sự hối tiếc và cảm giác không chắc chắn. Theo Neda, người ở độ tuổi “lưng chừng” thường nuối tiếc nhiều trải nghiệm trong quá khứ, họ cảm giác đã đi qua một nửa đời người và không biết nửa còn lại sẽ mông lung, vô định đến nhường nào, suy nghĩ này góp phần thúc đẩy cảm giác bất an.
Cuối cùng, Blanchflower kết luận bằng một nguyên nhân lớn hơn, đó chính là sự tác động của kinh tế và chính trị. Theo ông, người ở độ tuổi trung niên từng trải qua cuộc Đại suy thoái năm 2008, 2009, họ chật vật thích nghi với sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp vào những năm sau đó. Cuộc suy thoái này gây ra hậu quả lâu dài lên tình hình xã hội, chính trị và cả sức khỏe của người đi làm.
Tìm lại hạnh phúc tuổi trung niên
Tin tốt về nghiên cứu của Blanchflower là mức độ hạnh phúc của một người sẽ tăng trở lại. Rút ra từ nghiên cứu trước đây, ông giải thích có ba lý do giúp một người “vực lại” tinh thần sau giai đoạn khó khăn: Học cách điều chỉnh những kỳ vọng của bản thân, học cách trân trọng những thành công mình đã gặt hái được trong đời và cuối cùng là học cách trở nên vui vẻ hơn.
Taylor, Gould và Brigham cũng đều đồng ý rằng chánh niệm và thái độ biết ơn cuộc sống giúp một người cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhìn chung, điều quan trọng là nhóm người này cần học cách trân trọng, hiện tại và biết ơn điều mình đang có. “Bạn có thể không đủ khả năng đi chu du khắp thế giới, nhưng bạn có thể thực hiện những thay đổi nhỏ để tạo ra thay đổi lớn trong cuộc sống”, Brigham nói
Các chuyên gia cũng khuyên rằng khi còn trẻ thì nên tập trung cải thiện điều kiện tài chính, bởi tiền bạc dư dả thì cũng giảm bớt áp lực nuôi con, chăm sóc mẹ già.
Nguồn: CNBC