Với vai trò giám đốc tiếp thị của công ty dầu khí BP, Tony Beaumont nhận được mức lương 200.000 USD/năm, nhận cổ phiếu và đi xe hơi của công ty. Ngoài ra, ông còn có 45 nhân viên dưới quyền. Song Beaumont vẫn quyết định bỏ tất cả để trở thành người dọn vệ sinh.
Công việc của Beaumont ở BP đòi hỏi ông phải dành thời gian ở Melbourne (Australia) mỗi tháng, bỏ lại vợ và hai con nhỏ ở thành phố Sydney. Khi còn là giám đốc, Beaumont từng nhận 150 email mỗi ngày và luôn trong trạng thái online 24/7. Ông cho rằng đã đến lúc phải thay đổi.
Chia sẻ với The Sydney Morning Herald, Beaumont cho biết: "Các bạn cùng lứa của tôi đều tập trung vào sự nghiệp và tôi không muốn đến Melbourne vì văn hóa doanh nghiệp, xã giao đến nửa đêm, không thể nói chuyện với vợ con tôi".
Quay trở lại thời niên thiếu, Beaumont từng dọn dẹp các nhà hàng McDonald's. Vì vậy ông nghĩ tại sao không thử làm công việc đó lần nữa? "Tôi muốn trở thành ông chủ của chính mình. Tôi không muốn quản lý người khác nữa. Tôi đã có 10 người trực tiếp và 35 người gián tiếp báo cáo cho mình".
Beaumont cho biết ông thích dọn dẹp vì thích nhìn khuôn mặt hạnh phúc của khách hàng khi họ trở lại cửa hàng, thấy mọi thứ sạch sẽ và có mùi thơm.
Beaumont hiện điều hành Jim's Cleaning Bayview, công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh ở vùng ngoại ô phía Bắc Sydney. Ông thừa nhận rằng từng gặp khó khăn trong tài chính. Dẫu vậy, Beaumont vẫn khẳng định: "Thù lao không phải tất cả". Mong muốn của ông là có cuộc sống gia đình hạnh phúc, ngắm nhìn những đứa con của ông ngày một trưởng thành.
Trong thời gian đại dịch, không ít người lao động ở Australia nhanh chóng quyết định đổi việc. Dữ liệu từ Cục Thống kê Australia tính đến tháng 2 cho thấy 1,3 triệu người đã thay đổi công việc. Đây là tỷ lệ dịch chuyển việc làm hàng năm cao nhất kể từ năm 2012.
Gần 40% các nhà quản lý rời bỏ công việc của họ đã chuyển sang lĩnh vực khác. Trong khi đó, hơn 50% người lao động ở lĩnh vực bán hàng đã "nhảy" sang công việc khác, tìm kiếm thứ gì đó mới lạ.
Mặc dù tiền bạc là ưu tiên hàng đầu, khoảng 1/2 số người lao động thực hiện khảo sát cho biết họ quan tâm hơn về phúc lợi.
Theo The Sydney Morning Herald