Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Nói là bản năng của con người, cũng giống như ăn uống. Tuy nhiên, việc học nói cũng gần giống như chuyện học ăn, nếu chỉ dựa vào bản năng thì người ta phải thường xuyên đối diện với 3 vấn đề sau: Tại sao nói, nói điều gì và nói như thế nào?
Vấn đề "Tại sao nói" không chỉ có trong tiềm thức mà luôn tồn tại trong lý trí, tình cảm. Trong đời sống thường ngày, trong công việc, nói vì mình, vì người khác, vì cộng đồng xã hội là điều bình thường. Nếu vì tình người, vì trách nhiệm xã hội, vì cái đẹp, người ta sẽ tìm được và giải mã vấn đề khi "Nói điều gì". Kẻ ích kỷ, vụ lợi, gian xảo sẽ nói những gì có lợi cho mình, bất chấp sự tổn hại hay tổn thương đến cho người khác.
Nội dung đã khác nhau, cách nói cũng khác nhau sẽ đem tới những hiệu quả "một trời một vực". Đó chính là vấn đề "Nói như thế nào", thuộc về tri thức, kỹ năng và cái tâm của mỗi người.
Mục đích chính của việc nói là thuyết phục. Cái "tâm" của người nói luôn là một nền tảng, cơ sở cho sức thuyết phục. Cái "tâm" ấy cũng rất cần đến sự hỗ trợ của tri thức, kỹ năng. Tri thức cần phải được chọn lọc theo yêu cầu phù hợp, hiệu quả. Kỹ năng truyền tải cần phải sinh động, phong phú.
Thực tế cho thấy, kỹ năng nói luôn có được những ưu thế trong các cuộc tranh luận, trong giao tiếp và công việc hàng ngày. Những người EQ cao, giỏi nói chuyện, giao tiếp khôn khéo luôn là người có nhiều ưu thế để cạnh tranh và phát triển hơn trong bất cứ môi trường nào. Ngược lại, những người EQ thấp lại dễ làm mất lòng người mà không hề hay biết.
Do đó, khi nói chuyện với bất cứ ai, nên tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và thấu hiểu. Đặc biệt là cần chú ý các đặc điểm sau đây kẻo thực sự trở thành người EQ thấp, đánh mất thiện cảm của mọi người.
1. Lời nói quá thẳng
Một thí nghiệm tâm lý cho thấy, cách bạn ăn mặc ra sao và cư xử đôi khi không gây ấn tượng mạnh cho người khác bằng cách bạn nói chuyện.
Một người luôn đánh giá người khác bất kể trường hợp, dùng những từ ngữ quá "mạnh" về mặt cảm xúc, hoặc hơi mang tính áp đặt, thường khiến người xung quanh khó chịu. Mặc dù họ có thể giao tiếp trực tiếp bằng cách dùng lời nói thẳng, nhưng "tính thẳng" cũng có mặt tốt hoặc xấu, và khi sử dụng không đúng thời điểm, đó trở thành biểu hiện của trí tuệ cảm xúc thấp.
Một mặt, nói thẳng có thể là đặc điểm của người chân thật, không biết lòng vòng. Nhưng mặt khác, nói thẳng cũng thể hiện bạn không lưu tâm đến cảm xúc của người khác. Cùng là nhận xét về một sự việc, người chỉ biết nói thẳng sẽ “thẳng toẹt” mọi điểm yếu của đối phương trước mặt bao người, khiến họ cảm thấy tự ái hoặc xấu hổ. Trong khi đó, người biết cách sẽ khiến đối phương nhìn nhận được thiếu sót của bản thân, mà vẫn cảm thấy được ghi nhận và động viên để thay đổi.
Trong cuộc sống có rất nhiều người hay nói như vậy, chính vì nói quá thẳng nên mới làm mất lòng nhiều người. Bạn phải biết rằng người biết ăn nói có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác, dù không có vẻ ngoài đẹp trai, nhưng nhờ tài ăn nói của mình, anh ấy vẫn sẽ có được sự nghiệp tốt.
2. Không kiểm soát được cảm xúc
Các nhà tâm lý học xã hội chỉ ra rằng, cách nói chuyện của một người trong quá trình trò chuyện giống như một chiếc mỏ neo, sẽ cắm sâu vào trái tim người kia. Lời nói thiện có thể được ghi nhớ nhưng lời nói xấu lại càng khiến người ta ám ảnh hơn.
Dù biết là như vậy, nhiều người vẫn không thể tránh được những lúc “cả giận mất khôn”, để cảm xúc lấn át lý trí rồi buông những lời cay nghiệt. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn nghĩ rằng ngoại cảnh đã làm cho cảm xúc của mình bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta sẽ làm một số hành vi không tốt, lời nói bất thiện khi không làm chủ được cảm xúc của mình, thậm chí đó là lý do của bản thân mà đổ lỗi cho người khác. Có thể sau rồi sẽ hối hận, nhưng lúc đó đã làm tổn thương người khác rồi.
Muốn thay đổi được điều này thì chỉ cần tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng cách là có thể chữa khỏi. Điều đầu tiên chính là học cách kiểm soát những cảm xúc thái quá. Khi nhận thấy dấu hiệu ban đầu, bạn phải bình tĩnh ngay lập tức; học cách tự điều chỉnh và duy trì trạng thái tâm lý vui vẻ sau khoảng thời gian hòa hoãn, để không còn hành vi xấu gây xúc phạm người khác vì cảm xúc tiêu cực của mình.
3. Thích hơn thua
Những người thích hơn thua thường hay so bì, toan tính. Xét về góc độ tâm lý thì những người như vậy là người ích kỷ, tham lam, dù có kết thân với người nào thì cũng sẽ nảy sinh mâu thuẫn.
Thực ra, người giỏi tranh luận không hẳn là xấu, nhưng cũng nên sử dụng một cách hợp lý. Những cuộc tranh luận của một số người có vẻ là nói hay, nhưng thực tế, đây là một kiểu ngụy biện, và nó cũng là một trò đùa trong mắt người khác. Suy cho cùng, những người “giỏi ăn nói” sẽ luôn cố gắng để giành chiến thắng. Chiến thắng cuối cùng cho chính họ, và những người như vậy dễ làm mất lòng người khác nhất.
Muốn thay đổi được điều này thì bạn cần tự kiểm tra lại bản thân. Trước khi nói bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về đối phương, sau đó mới bày tỏ quan điểm của bản thân. Nếu không có những điều kiện tiên quyết này, tốt nhất bạn nên dừng lại ở đó.
Nguồn: Sohu