“Chỉ vài tháng nữa là sang năm mới, nhưng tôi vừa đưa ra một quyết định khiến nhiều người cảm thấy điên rồ. Tôi nghỉ việc và chưa hề có kế hoạch chắc chắn cho công việc tiếp theo. Một số người xung quanh nói tôi quá liều lĩnh, nhưng tôi không hối tiếc”, đó là nội dung chia sẻ trên mạng xã hội của một nhân viên tên Lý Hạo đang nhận sự quan tâm lớn của mọi người.
Vấn đề chung khi làm ở công ty startup và quan điểm khi là người "đặt nền móng"
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels
Câu chuyện được kể lại theo lời của nhân vật chính:
Tôi từng là một nhân viên kỳ cựu làm việc trong công ty startup. Ban đầu, công ty này chỉ có giám đốc và 7 nhân viên nhưng dưới sự nỗ lực và chăm chỉ, một thời gian ngắn, chúng tôi đã đưa công ty đi lên, mở rộng quy mô và tuyển thêm nhiều nhân viên.
Mặc dù công việc rất vất vả nhưng tôi luôn tự an ủi bản thân đây là điểm chung của các công ty khởi nghiệp. Với vị trí là một trong những người đầu tiên góp phần đặt nền móng, tôi chắc chắn sẽ nhận được những đãi ngộ xứng đáng khi công ty phát triển ổn định.
Ngoài vai trò chính là lập trình viên, tôi còn đảm nhiệm luôn việc chăm sóc khách hàng. Tôi cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với khách hàng bởi dù tôi không phải người lanh miệng và cũng không phải thế mạnh chính của tôi. Có thể nói, sự nghiệp của tôi gắn liền với những thách thức, khó khăn của công ty này. Tôi vừa tự cải thiện kỹ năng lập trình, vừa học cách làm sao để giao tiếp hiệu quả với khách hàng. Đôi khi gặp những vị khách khó tính, khó ưa, tôi phải kiềm chế, bình tĩnh xử lý từng chút một.
Làm hai việc cùng lúc, tôi liên tục rơi vào tình trạng stress, căng thẳng tột độ, thậm chí còn gặp vấn đề sức khỏe. Giám đốc biết điều đó, nhưng anh ta lại cho rằng phân chia công việc cho tôi như vậy là hợp lý, bởi công ty vừa cần tiết kiệm chi phí mà cũng cần người có kinh nghiệm về kỹ thuật để xử lý các vấn đề. Còn tôi vẫn cố gắng mỗi ngày, tìm đến những hoạt động “chữa lành” để làm sao cân đối được lịch trình rất bận này.
Cãi nhau và đánh cả sếp vì không nhận được câu trả lời mong muốn
Thời gian trôi qua, tiền lương của tôi vẫn giữ ở mức cơ bản nhất, thậm chí còn tệ hơn cả những nhân viên mới vào. Đỉnh điểm, tôi phát hiện ra một người mới được tuyển vào công ty lại nhận mức lương cao gấp 3 lần tôi. Mặc dù anh này mới chỉ có kinh nghiệm làm việc 1 năm và hoàn toàn không phải kiêm thêm việc gì khác. Biết được điều này, cảm xúc đầu tiên của tôi là sốc, sau đó thất vọng và không khỏi nghi ngờ năng lực của bản thân.
Tôi đã mang những bất bình của mình tìm tới gặp giám đốc, hy vọng nhận được một lời giải thích và sự điều chỉnh lương hợp lý.
Nhưng điều làm tôi tức giận hơn cả là phản ứng của giám đốc khi ấy. Anh ta chẳng những chỉ trích tôi vi phạm quy định vì hỏi lương của người khác mà còn nói rằng nhân sự mới nhận mức lương đó là hoàn toàn hợp lý bởi lương được định mức theo thị trường việc làm hiện tại.
Sau cuộc tranh luận không đi đến đâu, chúng tôi to tiếng và xô xát với sếp, mọi người đổ dồn ra xem rồi bàn tán nên cả công ty đều biết lý do tôi xin từ chức.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels
Quyết định nghỉ việc trong phút mốt, tôi đối mặt với thử thách mới. Trước tiên là phải tìm cho mình một công việc giữa lúc thị trường việc làm cho lập trình viên đang bão hòa. Nhưng tôi dặn lòng lần này sẽ không thể dung thứ cho sự đối xử bất công nữa. Tôi bắt đầu chủ động tìm kiếm cơ hội và tiếp tục học hỏi, nâng cao kỹ năng lập trình.
Cái kết cho những người có EQ thấp
Câu chuyện trên thật ra không hề hiếm gặp. Vào năm 2018 tại Nha Trang đã có một trường hợp tương tự khi nam nhân viên cùng một người bạn đánh sếp trọng thương vì bị hạ mức lương và chèn ép trong công việc. Hậu quả khiến sếp - nam giám đốc thương tật 10%, còn nam nhân viên và người bạn nhận mức án ít nhất là 1 năm tù, đồng thời bồi thường 20 triệu đồng cho sếp bởi hành động của mình.
Quay lại trường hợp câu chuyện đầu tiên, mặc dù không rõ mức độ xô xát với sếp ra sao nhưng khi đã lựa chọn hành động trên thì dù nhân viên có lý đến mấy cũng sẽ thành sai. Đồng thời, nam nhân viên cũng đã vi phạm một điều hết sức cơ bản đó là tìm hiểu mức lương của nhân sự khác trong công ty và còn tệ hơn là cho sếp biết bản thân đã làm việc đó. Bởi nó chỉ cho sếp thấy bạn là người không tôn trọng quyền riêng tư của người khác để đạt lợi ích cho bản thân và cũng không phải là người khéo léo khi giải quyết vấn đề.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels
Thay vì tìm sếp để chất vấn bằng cách so sánh bản thân với người khác, tranh cãi thì cần đưa ra các dẫn chứng thuyết phục để chứng minh năng lực của bản thân. Đồng thời, nhu cầu tăng lương hoặc thay đổi mức lương vốn dĩ là quyền mà bất cứ nhân sự nào cũng được chủ động đề xuất. Nhưng để nhận được sự đồng ý thì lý do và thái độ là hai thứ vô cùng quan trọng để có thể nhận được kết quả như mong muốn. Nếu không, bạn cũng hoàn toàn được phép yêu cầu công ty cho biết lý do vì sao không được chấp thuận và cần khéo léo xử lý để đưa ra các quyết định phù hợp sau đó như: Từ chối nhận các đầu việc không thuộc vị trí đang làm để tập trung phát triển chuyên môn, đưa ra câu hỏi chính xác để được tăng lương thì cần sẽ phải đáp ứng các tiêu chí nào, thời gian trong bao lâu. Bởi có một vấn đề mà nhiều nhân sự hay gặp phải là cho rằng thâm niên càng lâu thì mặc định công ty sẽ phải tăng lương dựa trên "mức độ trung thành" thay vì làm tốt và thậm chí vượt cả mức cần thiết.
Trong trường hợp xấu hơn là bạn vẫn không hài lòng với bất cứ câu trả lời nào từ sếp hoặc công ty, thì hoàn toàn có thể chủ động tìm một công việc khác trước khi quyết định rời khỏi vị trí hiện tại. Và tránh gây nên những xung đột khiến người khác đánh giá về thái độ, cũng như sự chuyên nghiệp của bản thân bởi nó có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội tìm việc sau này hoặc tệ hơn là với những người trong ngành.
Nguồn: Toutiao