Sau khi được công chiếu, phim tài liệu về cố nghệ sĩ Sulli - Dear Jinri trở thành đề tài quan tâm của cộng đồng mạng. Những góc khuất trong cuộc đời ngắn ngủi của “bông hoa tuyết lê” được vén màn, để lại rất nhiều suy ngẫm trong lòng người xem. Trong đó có câu chuyện về một đứa trẻ phải trưởng thành sớm, gần như không có trải nghiệm tuổi thơ.
Sulli - “quả đào” chín ép
Năm 7 tuổi, bố mẹ ly hôn, Sulli ở với mẹ. Vết thương lòng của cô gái nhỏ cũng bắt đầu xuất hiện từ lúc đó. “Tôi sợ nếu mình làm sai điều gì đó, ngay cả mẹ tôi cũng sẽ bỏ đi” - cô từng viết.
Năm 11 tuổi, Sulli trở thành thực tập sinh của SM Entertainment - công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Sulli rời xa gia đình, đến Seoul sống một mình. Ở độ tuổi mà bạn bè đồng trang lứa còn vô tư, Sulli luôn cô đơn và sợ hãi. Cô mắc chứng rối loạn lo âu, trải qua những đêm dài thức trắng và khóc ướt gối.
Sulli tham gia đóng phim từ khi còn bé
Với vóc dáng phổng phao, cao tới 1m7 khi mới 13 tuổi, Sulli không thể làm sao nhí được nữa nhưng nếu vào vai diễn trưởng thành hơn, gương mặt cô lại quá non nớt. Vì vậy Sulli gia nhập f(x) khi mới 15 tuổi, bắt đầu sự nghiệp ca hát. Ở thời điểm đó, nhóm nhạc này càn quét các giải thưởng và BXH ở châu Á, sức hút cực kỳ khủng khiếp.
Sulli chỉ mới 15 tuổi khi chính thức ra mắt với vai trò ca sĩ
Có điều đằng sau ánh đèn sân khấu rực rỡ là một Sulli với muôn vàn nỗi đau đớn. Tập luyện khắc nghiệt, đơn độc giữa Seoul, không có bạn bè hay người thân, phải vùng vẫy như một người trưởng thành,... mọi thứ phải đối mặt, chỉ có một mình Sulli bé nhỏ chịu đựng. Cứ như thế, Sulli lớn lên như một quả đào chín ép.
“Tôi bắt đầu đi làm từ khi còn nhỏ với rất nhiều áp lực trên vai và luôn cảm thấy sợ hãi. Tôi làm những gì người khác yêu cầu nhưng không biết tại sao”.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết được, liệu Sulli có thực sự yêu thích ca hát, nhảy múa và diễn xuất hay chỉ vì mẹ đã gửi cô đến SM và cô muốn thấy mẹ hài lòng? Phải chăng Sulli trở thành một cô con gái hoàn hảo, đa tài như vậy chỉ vì không muốn mẹ sẽ rời xa mình sau khi bố bỏ đi?
Càng trưởng thành sớm càng đau đớn nhiều
Bạn có biết tại sao chúng ta khi lớn lên lại ghen tị với trẻ con và mong muốn được bé lại không? Vì trẻ con không cần phải gánh vác trách nhiệm mà ngược lại, chúng được người lớn quan tâm và chăm sóc.
Khi một người lớn lên, mọi chuyện sẽ khác, anh ta cần phải chịu trách nhiệm. Dù đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình hay với xã hội thì vẫn phải gánh vác một cách nghiêm túc. Và đương nhiên, mang gánh nặng và tiến lên phía trước sẽ rất vất vả, mệt mỏi.
Với một người lớn đã như vậy thì một đứa trẻ bị ép trưởng thành sớm, phải gánh vác trách nhiệm trên đôi vai bé bỏng sẽ phải làm sao đây?
Tiền Chung Thư - nhà văn Trung Quốc - từng viết: “Cái giá của sự trưởng thành sớm là lão hoá sớm”.
Những đứa trẻ trưởng thành sớm cũng phải chịu đựng và chấp nhận một số nỗi đau rất sớm, vượt xa ngưỡng chịu đựng về mặt tinh thần của đứa trẻ bình thường. Nhưng đó là con đường duy nhất mà chúng có thể đi, chẳng còn con đường lui nào khác.
Trong nhiều tình huống, chúng ta không thể chỉ nhìn bên ngoài mà đánh giá sự việc. Có người bề ngoài tỏ ra khỏe mạnh nhưng khi về nhà lại lén lút uống vô số loại thuốc. Có đứa trẻ tỏ ra rất thoải mái với việc trưởng thành sớm nhưng bên trong lại luôn khao khát được vui vẻ, vô tư như bạn bè xung quanh. Có lẽ đó là điều xót xa nhất!
Bạn biết không? Mỗi người đều có một quá trình phát triển riêng. Giống như hoa nở quanh năm, có loại nở vào mùa xuân và lụi tàn vào mùa hè, có loại nở vào mùa hạ và cho trái ngọt vào mùa thu, có loại rực rỡ khi đông đến,... Đối với con người và mọi việc trong cuộc sống này cũng vậy, hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, để chúng nở hoa đúng lúc và có quả chín khi đã đủ tháng đủ ngày.
Sau cùng, hy vọng tất cả chúng ta đều được phát triển một cách bình thường, được trưởng thành khi đã sẵn sàng; có gia đình, tình yêu và một cuộc sống bình yên, không phải chịu đựng bất cứ sự ép uổng nào.