Chúng ta đều biết thường thì phải yêu nhau, người ta mới lựa chọn tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, có một sự thật khó lòng phủ nhận: Dù kết hôn vì bất cứ lý do nào đi nữa, dường như ai cũng phải trải qua một giai đoạn mà một trong hai, hoặc cả hai cảm thấy tình cảm vợ chồng không còn được mặn nồng như xưa.
Alfred Adler - Nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo từng nói: "Hôn nhân chính là sự hợp tác" . Để có được "sự hợp tác" thành công, các cặp vợ chồng đều phải vượt qua được 5 giai đoạn đầy thử thách dưới đây, theo quan điểm của các nhà tâm lý học.
Giai đoạn 1: Khủng hoảng nhận thức
Theo Rita DeMaria - Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, giai đoạn khủng hoảng nhận thức thường xảy ra trong vòng 1 năm đầu tiên sau khi hai người về chung 1 nhà. Lúc này, những mường tượng về đối phương giống như trái bong bóng bắt đầu xịt hơi, lăng kính màu hồng dần biến mất và cả hai bắt đầu nhận ra nửa kia có những thói quen/hành vi gây khó chịu vô cùng.
Beverly Hayman - Nhà tâm lý học người Mỹ đưa ra lời khuyên: "Nếu bạn chưa thảo luận về những chủ đề quan trọng như tài chính, các khoản nợ, trách nhiệm chăm sóc con cái và bố mẹ hai bên, những sở thích cá nhân,... trước khi kết hôn, hãy làm điều đó càng sớm càng tốt" .
Tranh minh họa
Beverly khẳng định việc chia sẻ thành thật và cởi mở lắng nghe nhau là yếu tố vô cùng quan trọng để các cặp vợ chồng vượt qua được giai đoạn khủng hoảng nhận thức trong 1 năm đầu của hôn nhân.
Giai đoạn 2: Vùng an toàn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Một nghiên cứu được thực hiện với 2000 cặp vợ chồng ở Anh cho thấy: Sau khoảng 3-5 năm kết hôn, các cặp vợ chồng bắt đầu coi sự hiện diện của đối phương trong cuộc sống của mình là điều hiển nhiên. Hệ quả của suy nghĩ này chính là họ dần không còn bày tỏ cảm xúc với nhau, việc tâm sự, lắng nghe nhau cũng dần đi vào dĩ vãng.
Các nhà tâm lý học gọi đây là vùng an toàn cần phải vượt qua trong giai đoạn 3-5 năm sau khi về chung một nhà bởi nếu cứ để tình trạng trên tiếp diễn, chẳng mấy chốc vợ chồng sẽ trở thành "những người lạ sống chung nhà".
Giai đoạn 3: Ham "của lạ"
Tâm lý học phương Tây dùng thuật ngữ "The seven-year itch" (Tạm dịch: 7 năm ngứa ngáy) để ám chỉ giai đoạn vợ chồng bắt đầu cảm thấy chán nhau và một trong hai người, hoặc cả hai, đều có ham muốn hoặc hành vi ngoại tình.
Giai đoạn ham "của lạ" thường xảy ra khi hai người đã chung sống được khoảng 5 - 7 năm.
Beverly Hayman giải thích rằng ở giai đoạn này, các cặp vợ chồng đã có cuộc sống ổn định, đã dần quen hoặc thích nghi/chấp nhận được những tật xấu hoặc những điều gây khó chịu của đối phương. Nói cách khác, sau khi sống chung 5-7 năm, chẳng còn điều gì ở người bạn đời mà chúng ta chưa biết. Cảm giác nhàm chán xuất hiện kèm theo ham muốn có những mối quan hệ ngoài luồng để cuộc sống thi vị hơn gần như là hệ quả hiển nhiên, dù không ai mong muốn.
Tranh minh họa
Để vượt qua giai đoạn này, nhà trị liệu các mối quan hệ gia đình - Robert Taibbi chỉ ra 2 điều quan trọng:
1. Hãy giải quyết vấn đề của bạn ngay lập tức khi chúng phát sinh, đừng để chúng chồng chất lên nhau.
2. Hãy lắng nghe chính mình. Thỉnh thoảng hãy tự đánh giá mức độ cảm xúc mà bạn dành cho đối phương, tự làm mới danh sách những điều mà cả hai cần thực hiện trong tương lai gần và đừng quên chia sẻ điều đó với người bạn đời.
Giai đoạn 4: Hôn nhân "lão hóa"
Một cuộc khảo sát đã được tiến hành với sự tham gia của 2000 phụ nữ đã kết hôn ở Mỹ. 98% người tham gia đều cho rằng năm thứ 11 của hôn nhân là giai đoạn khó khăn và chán nản nhất.
Tâm lý học gọi đây là giai đoạn hôn nhân bước vào thời kỳ "lão hóa". Trong giai đoạn này, phụ nữ phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm: Chăm sóc con cái, đối mặt với sự khó chiều khó bảo khi con bước vào tuổi dậy thì, đồng thời vẫn phải duy trì công việc cá nhân.
Hệ quả, những bà vợ trong giai đoạn này gần như không có cả thời gian lẫn tâm trí để chăm sóc bản thân hoặc nghỉ ngơi. Người chồng cũng có thể sẽ cảm thấy vợ mình không còn hấp dẫn trong giai đoạn này. Dữ liệu thống kê cho thấy "tuổi thọ" trung bình của những cuộc hôn nhân ở Mỹ là 11 năm, nghĩa là phần lớn các cặp vợ chồng đều dễ rơi vào cảnh đường ai nấy đi sau 10 - 11 năm chung sống.
Tranh minh họa
Đây cũng chính là giai đoạn khó vượt qua nhất trong hôn nhân. Tuy nhiên, tin vui là nếu bạn vượt qua được khoảng thời gian này, mức độ hài lòng với cuộc hôn nhân của mình sẽ không ngừng tăng lên trong suốt 20 năm tiếp theo.
Các nhà trị liệu gia đình Dana Fillmore và Amy Barnhart khuyên bạn nên đối xử với các thành viên trong gia đình - bao gồm cả chính bạn, bằng sự hài hước và thả lỏng. Không nên quá kiểm soát chồng, quá thường xuyên mắng con.
Giai đoạn 5: Khủng hoảng tuổi trung niên
Khủng hoảng tuổi trung niên của mỗi người cũng tạo nên những tác động không mấy tích cực cho hôn nhân, khi cả hai đã sống chung được 20 - 30 năm.
Các nhà tâm lý học lý giải cơn khủng hoảng trung niên này là cảm giác trống rống và cảm giác bản thân gần như vô nghĩa khi con cái lớn lên và có cuộc sống riêng của chúng mà không cần dựa vào bố mẹ.
Lúc này, các cặp vợ chồng quay trở lại cuộc sống hệt như thời mới cưới - chưa có con, chỉ có nhau. Điều khác biệt duy nhất là cảm giác "vợ chồng son" không còn nữa.
Các nhà tâm lý học khuyên rằng trong giai đoạn này, các cặp vợ chồng ở độ tuổi trung niên nên nghĩ về những điều mà cả hai đều muốn nhưng chưa thể làm cùng nhau, hoặc thậm chí là cùng nhau làm những điều mà trước đây cả hai chưa từng thử. Đây là cách tốt nhất để bạn không phải trải qua tuổi trung niên trong cảm giác cô độc.