Những ngày vừa qua, lướt đâu cũng thấy vô số cuộc thảo luận về Labubu - nhân vật art toy (đồ chơi nghệ thuật) đang làm hội tín đồ si mê bằng vẻ ngoài tinh nghịch khác thường: Tai nhọn, răng sắc, chân mày cau có nhưng tổng thể lại khiến người ta có cảm giác muốn sở hữu!
Món đồ chơi bông mềm mang hình tượng quái vật thỏ được phân phối chủ yếu bởi POP MART - "gã khổng lồ" của địa hạt đồ chơi nghệ thuật, từng lan tỏa cơn sốt mô hình Skullpanda, Dimoo…Và dòng sản phẩm "viral" mới nhất là Labubu cùng "đồng bọn" Zimomo, Tycoco, Spooky và Pato thuộc series The Monsters, hợp tác với nghệ nhân Kasing Lung mang đến sức sống và nguồn năng lượng mới cho "thế giới nhân vật thần thoại Bắc Âu" mà ông tạo ra vào năm 2015.
Item nổi bật nhất trên thị trường hiện tại là dòng búp bê (plush doll) làm từ vải, bông. Ngoài ra, Labubu còn rất nhiều biến thể thú vị khác như mô hình nhựa, ly chén, quả cầu tuyết,...
Labubu là món art toy đang gây sốt thời gian dạo gần đây.
Labubu đang có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới, đỉnh điểm cơn sốt nằm ở Đông Nam Á: "Lấy lòng" được siêu sao Lisa (BLACKPINK) để đồng hành cùng cô trên những bản phối thường ngày, hợp tác trở thành phiên bản mini của tài tử Thái Mario Maurer.
Ở Việt Nam, món art toy là hiện tượng của các kênh bán hàng offline lẫn online. Cụ thể, mới nhen nhóm độ nhiệt từ hồi tháng 4/2024, cho đến nay, Labubu có hội nhóm riêng với tổng lượng thành viên tham gia lên đến gần 40k, trong đó có một hội nhóm thu nạp thêm 2k thành viên mỗi tuần. Chưa tính đến lượng thảo luận từ các group art toy nói chung.
Vào thế giới của hội tín đồ "quái vật thỏ", xem họ thảo luận và trao đổi, ta nhận ra đây đâu chỉ là sở thích sưu tầm thông thường. Những người yêu mến món art toy ngộ nghĩnh đang có cách chơi điệu nghệ vô cùng: Chi nhiều, nhưng cũng kiếm thật nhiều, không bất chấp sưu tầm đơn thuần vì sở thích, mà còn biết biến sở thích thành thời cơ.
Sưu tầm thôi chưa đủ, còn phải mang đồ chơi đi spa, makeup
"Săn tìm" Labubu khó, nhiều khi hàng có sẵn khan hiếm, phải chờ đợi 2 tuần đến cả tháng để em "quái vật thỏ" về tay. Đã vất vả mới có được một món đồ chơi nghệ thuật, rất nhiều người có nhu cầu tút tát, tạo điểm nhấn cá nhân cho người bạn đồng hành mới để "flex" Labubu của riêng mình.
Trúc Đào (Lily Đào, 28 tuổi, TP.HCM) không chỉ là một tay sưu tầm "cộm cán" với các dòng art toy đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, bạn còn là cô chủ của dịch vụ tân trang đồ chơi đắt khách trong các hội nhóm.
Trong không gian riêng của mình, Trúc Đào có tủ trưng bày hoành tráng các dòng sản phẩm Dimoo, Hirono, Skullpanda của POP MART; Dora, Zora của nhà TNT Space; một số mô hình Disney. Cạnh đó, là nơi làm việc lấp kín bởi các dự án make-up, custom cho art-toy theo yêu cầu. Tệp khách hàng chủ yếu tìm đến dịch vụ của Trúc Đào là các bạn trẻ từ 18-30 tuổi, mong muốn thêm "chất riêng" vào món đồ hot hit.
Tủ sưu tầm và không gian custom của Trúc Đào.
Cũng là một người sưu tầm, Trúc Đào hiểu được tâm lý của hội tín đồ và khởi phát dịch vụ kinh doanh riêng: "Những bé art toy được sản xuất hàng loạt, khi mới mua thì bé nào cũng giống bé nào, sẽ không có những điểm riêng nổi bật. Vốn thích sáng tạo và làm đẹp, mình có ý định dùng khả năng đó để make up cho art toy, giúp người chơi mang dấu ấn cá nhân cho món đồ của họ.
Cạnh dịch vụ make up, mình có "spa" riêng cho art toy nữa. Sau một buổi spa các bé art toy sẽ "biến hình" trở về trạng thái hoàn hảo như mới, vì mình sẽ khắc phục các vết trầy xước, dơ. Những người chơi không cần phải quá lo lắng trong việc bảo quản art toy."
Trang trí bằng icon hoạt hình, đắp thêm mí mắt, nối mi…là một trong những dịch vụ custom theo nhu cầu mà Trúc Đào có thể mang đến cho món đồ chơi thêm mới lạ. Mức giá cho mỗi dịch vụ là từ 300.000 đồng trở lên, tuỳ vào độ chịu chi của khách hàng.
Quá trình "biến hoá" trước và sau của món art-toy, được trang trí thêm những icon sinh động trên mặt, gắn nơ...
Lý giải cho nhu cầu "làm đẹp" đồ chơi không khác gì làm đẹp cho chính bản thân mình của hội tín đồ, Trúc Đào cho biết: "Làm đẹp" luôn là dịch vụ hot từ xưa đến nay dù là giới tính hay độ tuổi nào. Khi mình nhận thấy điều đó, mình đã nghĩ vậy tại sao mình lại không làm đẹp cho art toy? Mọi người quan tâm yêu thích những dịch vụ này vì họ muốn có những dấu ấn cá nhân riêng khi họ chơi art toy, hoặc trong quá trình sưu tầm art toy, họ có thể an tâm hơn khi có những người giúp họ phục hồi, làm đẹp lại art toy nếu bị dơ, trầy xước."
Một dự án làm thêm phụ kiện cho art-toy của Trúc Đào.
Cô cũng quan sát được những xu hướng khác đang "làm mưa làm gió" với những người mê art toy: Đầu tư vào áo quần, phụ kiện cho Labubu, làm tiểu cảnh để trưng bày hoặc custom những bé art toy theo một phong cách khác hoặc một nhân vật hoạt hình yêu thích khác.
Để chơi sành cũng cần có chiến lược
Labubu đang được săn tìm trên mọi mặt trận, trở thành một cuộc chiến giữa những người mua để có được sản phẩm mong muốn trước khi bán hết. Nếu bỏ lỡ, họ lại phải tiếp tục theo dõi các hội nhóm để chớp thời cơ món đồ chơi được nhượng lại. Con đường sưu tầm nhìn chung là gian nan, trong giai đoạn các món art toy đang "viral" và thường bán hết trong phút mốt.
Song, câu chuyện sưu tầm của A. (tên nhân vật được thay đổi, 33 tuổi, TP.HCM) lại suôn sẻ vì cô có "chiến lược" riêng. A. sưu tầm nhiều art-toy bên cạnh Labubu như Mokoko, Zimomo, Teddy Lulu, Crybaby…Trong đó, cô sở hữu một món Secret - thuật ngữ để chỉ một trong những sản phẩm hiếm nhất, với tỉ lệ trúng thấp khi chơi hộp mù (blind box), được mua với mức giá 3 triệu đồng.
Có được bộ sưu tập riêng một cách dễ dàng, cứ tìm là có, bởi "chiến lược" mua qua người bán quen. Cô cho biết giá cả khi mua qua hình thức này không được "mềm" như cửa hàng, nhưng đổi lại sự uy tín, tin tưởng và được giải đáp những thắc mắc tận tình khiến trải nghiệm mua sắm với mức giá cao hơn vẫn chấp nhận được.
Phải lòng giao diện dễ thương, cá tính khác lạ của món Art-toy, nhưng dòng sản phẩm được cô ưu ái vì không chỉ dễ trưng bày mà còn phối được với nhiều phụ kiện như túi xách, móc khoá,...Với A., sự khác biệt của art toy so với các đồ chơi khác, và cũng là yếu tố khiến món đồ trở nên bùng nổ, nằm ở chất lượng tốt.
Khi một sản phẩm trở nên rầm rộ, xuất hiện những hiện tượng tiêu cực ăn theo: Lợi dụng mong muốn sở hữu để độn giá, lừa đảo hoặc bán hàng nhái, hàng giả vi phạm bản quyền. Nhiều người yêu thích art toy khi không sở hữu được món đồ do bỏ lỡ thời cơ hoặc không đủ tài chính dễ rơi vào "bẫy" và mất tiền oan.
Trước hiện tượng hàng giả, hàng ăn theo không bản quyền đang dần lan rộng trong các hội nhóm, A. nêu quan điểm: "Hàng giả thì mãi mãi không đẹp bằng hàng thật. Mục đích của việc bán hàng nhái là lừa đảo chứ không phải lan tỏa hình ảnh để tiếp cận đến tệp khách hàng rộng hơn hay gì cả, làm cho những người chơi chưa đủ kinh nghiệm bị lừa tiền thôi."