"Sa thải" có lẽ là cụm từ phổ biến nhất khi nhắc đến thị trường việc làm năm 2022 và đầu năm nay, khi mà một cơn bão lớn hoành hành trên toàn cầu do những biến động bất ngờ của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm công ty công nghệ. Hashtag #LAYOFF (sa thải) trở nên "viral" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, trở thành chủ đề xuyên suốt trong mọi cuộc trò chuyện về vấn đề việc làm.
Sang nửa cuối năm nay, khi bão sa thải có dấu hiệu chậm lại và dự đoán cho năm 2024 trở nên khả quan hơn ở một số thị trường như Mỹ, thì một loạt các xu hướng khác bắt đầu nổi lên rõ rệt hơn (dù đã nhen nhóm từ đại dịch), đó là khủng hoảng sức khỏe tinh thần của người lao động, nhất là lao động trẻ; cán cân quyền lực dần mất cân bằng giữa các sếp và người lao động; và cuối cùng là nỗi lo sợ bị thay thế bởi A.I.
"Bão sa thải" vẫn còn dư âm nhưng tương lai khá khả quan
Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã duy trì ở mức dưới 4% trong gần 2 năm, và giảm xuống còn 3,7% trong tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đã chững lại từ đầu năm và việc làm trong ngành bán lẻ đã giảm gần 40.000 trong báo cáo gần đây nhất, làm dấy lên câu hỏi: Thị trường lao động sẽ ra sao vào năm 2024?
Mike Konczal, giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại Viện Roosevelt, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York, cho biết mặc dù tỷ lệ tuyển dụng có chậm lại nhưng không có nhiều người bị sa thải, đây là tín hiệu tốt cho năm tới.
"Hãy tưởng tượng số người thất nghiệp như một vũng nước. Thay vì đầy lên vì có thêm nhiều người thất nghiệp, nó chỉ cạn đi chậm hơn", ông nói.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, cho biết ông nghĩ thị trường lao động đến năm 2024 sẽ vẫn ổn định và tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ khả quan nhưng chậm.
Ông nói: "Tôi nghĩ năm 2024 sẽ là một năm ổn định đối với người lao động - vẫn còn nhiều việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thấp và mặc dù mức tăng trưởng tiền lương sẽ ở mức vừa phải nhưng nó vẫn đủ mạnh để vượt qua lạm phát".
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tiền lương tháng 11 đã tăng 4% trong năm qua, so với lạm phát đã giảm bớt với báo cáo tháng 11 cho thấy giá chung tăng 3,1% trong 12 tháng và giảm từ mức 3,2% trong tháng 10.
Trong khi đó tại Châu Á - Thái Bình Dương, nếu xem xét dữ liệu cấp vĩ mô, thị trường lao động đang tiếp tục đối mặt với những cơn gió ngược. Theo báo cáo Tình trạng thị trường của LinkedIn vào tháng 6, việc tuyển dụng đang giảm ở tất cả các thị trường lớn ở khu vực này.
Bị tác động cao nhất là Ấn Độ và Singapore, với mức giảm lượt tuyển dụng tổng thể lần lượt là 36% và 26%, còn thị trường Úc và Indonesia giảm lần lượt 23% và 15%. Dữ liệu liên quan đến hành vi của ứng viên chỉ ra rằng thị trường lao động đang hạ nhiệt, khiến nhà tuyển dụng đang là bên nắm lợi thế trong đàm phán.
Úc và Singapore có tỷ lệ nộp đơn ứng tuyển trên mỗi ứng viên cao nhất, dao động từ 25% đến 28% và Ấn Độ là 13%. Xu hướng này dự kiến sẽ làm giảm mức lương chung xuống mức trước đại dịch. Trong khi lĩnh vực CNTT và dịch vụ tài chính vẫn chưa phục hồi, Horizontal nhận định những xu hướng tích cực trong lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật nặng và ô tô.
Khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở lao động trẻ
Hiện tượng "permacrisis" (vốn được coi là từ đại diện cho sức khỏe tinh thần của năm 2022) đang tiếp tục gây thiệt hại cho người lao động, đặc biệt là Gen Z, những người đang gia nhập lực lượng lao động trong bối cảnh kinh tế bất ổn và các cán cân quyền lực trong thị trường lao động đang thay đổi.
Thuật ngữ "permacrisis" ở đây là sự kết hợp giữa "permanent" (lâu dài, vĩnh viễn) và "crisis" (khủng hoảng). Trong ngữ cảnh này, "permacrisis" được sử dụng để mô tả tình trạng khủng hoảng kéo dài và liên tục mà người lao động đang phải đối mặt, đe dọa sức khỏe tinh thần của họ.
Theo khảo sát năm 2023 của Cigna International Health, 91% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi cho biết bị stress, so với mức trung bình là 84% ở tất cả các nhóm. Những thách thức tại nơi làm việc, bao gồm bất ổn kinh tế và tình trạng sa thải, đang làm tăng thêm căng thẳng cho những người lao động trẻ.
Eliza Filby, một nhà nghiên cứu thế hệ, lưu ý: "Về bản chất, công việc đang ở tình hình bất ổn định hơn bao giờ hết và mọi người đều căng thẳng khủng khiếp về việc sa thải". Những khó khăn về kinh tế, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đang gây căng thẳng cho 84% người lao động ở Anh, làm tăng thêm những thách thức mà Gen Z phải đối mặt.
Trong khi khi những lo ngại này lan rộng ở mọi nhóm dân số, Gen Z dường như đang gặp khó khăn sâu sắc nhất. Dữ liệu gần đây từ McKinsey cho thấy rằng Gen Z có việc làm có nhiều khả năng hơn những người được hỏi khác (26% so với 20%) cho biết mức lương của họ không giúp họ có được "chất lượng cuộc sống tốt" trong nền kinh tế hiện tại.
Những tác động này có lý do rõ ràng: Gen Z đang tiết kiệm ít tiền hơn đáng kể và nhiều người đang phải sống lay lắt bằng đồng lương. Họ cũng đang phải vật lộn nhiều hơn các thế hệ khác để đạt được các cột mốc quan trọng, như quyền sở hữu nhà; chẳng hạn ở Mỹ, khoảng 34% người Mỹ không - và không hề mong đợi - sở hữu một ngôi nhà. Nhưng quan điểm này phổ biến hơn ở giới trẻ (59% ở độ tuổi từ 18 đến 24, so với 29% ở độ tuổi từ 29 đến 34).
Những khó khăn của Gen Z được cho là do hoàn cảnh đặc biệt khi họ gia nhập lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch. Tính chất làm việc tại nhà và quá trình quay trở lại văn phòng đã cản trở khả năng hình thành các kết nối có ý nghĩa của họ, ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp.
Sự căng thẳng do khách quan cũng đang ảnh hưởng đến sự gắn kết của họ trong công việc, dữ liệu của Gallup cho thấy họ là nhóm thiếu gắn kết nhất.
Mong muốn rời bỏ công việc cũng rất phổ biến ở Gen Z, với 72% cân nhắc rời đi vào năm 2023, so với 61% của tất cả người lao động Hoa Kỳ. Trên toàn cầu, nghiên cứu của McKinsey cho thấy 77% Gen Z đang tích cực tìm kiếm công việc mới, gần gấp đôi tỷ lệ của những người được hỏi khác.
Santor Nishizaki, một chuyên gia về lãnh đạo tổ chức, lưu ý: "Gen Z đang phải đối mặt với những gì thế hệ Millennials phải đối mặt khi họ tốt nghiệp đại học trong thời kỳ Đại suy thoái. Điều này rất căng thẳng và sẽ làm tăng thêm sự lo lắng vốn đã tăng cao của họ".
Người sử dụng lao động cần tích cực việc ghi nhận sự đóng góp của họ vào sự căng thẳng của người lao động và hỗ trợ sức khỏe tâm thần của họ. Tuy nhiên hiện nay, việc giải quyết các bất công tại nơi làm việc và trao quyền cho người lao động trẻ lên tiếng vẫn là những thách thức đang diễn ra.
Cán cân quyền lực bất lợi cho người lao động
Theo BBC Worklife, cán cân quyền lực giữa người sử dụng lao động và người lao động đang diễn ra đã chuyển hướng đáng chú ý về phía có lợi cho người sử dụng lao động, đánh dấu sự rời bỏ môi trường lấy người lao động làm trung tâm được thấy trong những năm gần đây.
Cuộc tranh luận về việc quay trở lại văn phòng đang trở thành tâm điểm tại các nước phát triển trong năm vừa qua, khi nhiều nhân viên ủng hộ việc tiếp tục mô hình làm việc linh hoạt trong khi người sử dụng lao động nhấn mạnh việc quay trở lại mô hình làm việc cố định.
Thị trường lao động nghiêng về phía mình trong thời kỳ đại dịch đã mang lại cho nhân viên đòn bẩy đáng kể, cho phép họ đàm phán để làm việc từ xa. Tuy nhiên, năm 2023 mang đến một bước ngoặt khi nền kinh tế "ngấm đòn" và thị trường lao động hạ nhiệt khiến cán cân nghiêng về phía người sử dụng lao động.
Tình thế bắt đầu thay đổi vào mùa thu năm 2022 khi bão sa thải ập đến. Nền kinh tế suy yếu và lãi suất tăng dẫn đến việc cắt giảm việc làm trên diện rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Khi thế giới dần bước vào cuộc sống hậu đại dịch, suy thoái kinh tế diễn ra cùng lúc với việc một số công ty lớn nhất đang thúc đẩy việc quay trở lại văn phòng với sức sống mới.
Khi mà nhu cầu tìm kiếm ứng viên giảm dần, người sử dụng lao động lại là bên nắm lợi thế đàm phán - người lao động bắt đầu có ít quyền tự quyết hơn trong một thị trường việc làm đang hạ nhiệt.
Đến tháng 1 năm nay, trong bối cảnh bão sa thải, một số doanh nghiệp đã hạn chế tính linh hoạt của người lao động. Các tập đoàn lớn, chẳng hạn như Disney và KPMG, bắt đầu yêu cầu nhiều ngày làm việc trực tiếp hơn và giám sát việc có mặt tại văn hpòng.
Grace Lordan, phó giáo sư về khoa học hành vi tại Trường Kinh tế London, cho biết: "Trước đây, các sếp chủ yếu khuyến khích nhân viên quay trở lại văn phòng thông qua các đặc quyền như đồ ăn miễn phí và tập yoga. Nhưng vì nhân viên vẫn không chịu đến văn phòng – nên các nhà lãnh đạo bắt đầu đổi củ cà rốt lấy cây gậy".
Tuy nhiên, quyền lực của người lao động vẫn chưa bị tước đoạt hoàn toàn, đặc biệt là ở Mỹ.
Trong bối cảnh cảm thấy quyền lợi bị đe dọa, nhiều người lao động đã đứng lên, đáng chú ý nhất là với các cuộc biểu tình của nhân viên công ty tại Amazon phản đối kế hoạch quay trở lại văn phòng của công ty.
Nhiều nhân viên cũng vẫn từ chối tuân theo các yêu cầu về mô hình làm việc hybrid nghiêm ngặt – dữ liệu từ Kastle Systems, đo lường số lần ra vào tại các tòa nhà văn phòng, cho thấy công suất sử dụng trung bình tại nơi làm việc trong số 41.000 doanh nghiệp ở Mỹ đã dao động dưới 50% trong suốt năm 2023.
Ở Anh, lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người lao động sẵn sàng nghỉ việc và tìm việc làm mới - nếu có thể. Đây là sự khác biệt rõ rệt so với các giai đoạn suy thoái tài chính trước đây, khi nhân viên có xu hướng giữ nguyên vai trò hiện tại của mình. Lordan nói: "Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã khiến mọi người nghĩ, 'nếu sếp không tăng lương cho tôi đủ để đáp ứng lạm phát, thì đã đến lúc tôi phải rời đi'".
Dù vậy, thực tế là dù các nhân viên vẫn mạnh dạn bày tỏ sự không đồng tình với các ông chủ, thì thị trường việc làm chậm lại sẽ khiến họ có ít lợi thế hơn nhiều so với chỉ 1 năm trước. Tình trạng sa thải vẫn tiếp tục và tỷ lệ bỏ việc quay trở lại mức trước đại dịch. Đến mùa hè năm nay, cuộc Đại từ chức từ năm 2022 được các chuyên gia tuyên bố là đã "kết thúc".
Lordan nói: "Phần lớn sự cân bằng quyền lực được quyết định bởi thị trường lao động. Khi việc ra ngoài và kiếm một công việc khác trở nên khó khăn hơn, quyền lực thuộc về người sử dụng lao động".
Số liệu rõ ràng đứng về phía nhà tuyển dụng. Tại Vương quốc Anh, dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng ước tính đã giảm 257.000 trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023 so với năm trước. Tại Mỹ, số lượng việc làm mới tăng đột biến trong tháng 9 đã phải đối mặt với sự sụt giảm đột ngột về mức tăng trưởng trong tháng 10.
Sự chậm lại trong tuyển dụng này tiếp tục làm suy yếu sức mạnh của người lao động. Dữ liệu LinkedIn mà BBC dẫn cho thấy việc tuyển dụng của Hoa Kỳ trên nền tảng này đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10 năm 2023, trong đó việc tuyển dụng ở Vương quốc Anh không chỉ giảm 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái mà còn giảm mạnh 7,2% so với trước đại dịch. Ngược lại, hành vi của người tìm việc lại tăng lên - số đơn đăng ký trung bình cho mỗi người nộp đơn ở cả Mỹ và Anh đều tăng hơn 21% trong cùng thời kỳ.
Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý nhân sự ADP, ở New York, cho biết mô hình cung cầu này đồng nghĩa với việc có ít cơ hội hơn cho người lao động - và những người tìm việc cần phải sẵn sàng nhường quyền cho người sử dụng lao động hơn.
"Điều này dẫn đến việc tìm kiếm việc làm mất nhiều thời gian hơn, có ít vai trò làm việc từ xa hơn và cần có sự đánh đổi rõ ràng hơn đối với người lao động: cho dù đó là chuyển sang một vai trò kết hợp, nhìn chung kém linh hoạt hơn hay mức tăng lương nhỏ hơn dự kiến".
Nỗi lo bị A.I. thay thế ngày càng lớn
Một trong những điểm trọng tâm chính trong cuộc đình công của các nhà biên kịch Mỹ, diễn ra từ tháng 5 tới tháng 9 năm nay, là việc họ muốn các công cụ trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như ChatGPT, chỉ được sử dụng như một thứ có thể giúp nghiên cứu hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng kịch bản chứ không phải là một công cụ thay thế họ.
Chuyên trang Worklife của BBC dẫn câu chuyện về Claire, một nhân viên PR tại công ty tư vấn lớn có trụ sở tại London đã làm việc được 6 năm. Người phụ nữ 34 tuổi yêu thích công việc của mình và kiếm được mức lương khá thoải mái, nhưng từ mấy tháng đầu năm 2023, cô bắt đầu cảm thấy lo lắng về tương lai sự nghiệp của mình. Lý do: trí tuệ nhân tạo.
Claire cho biết: "Tôi không nghĩ rằng chất lượng công việc mà tôi đang tạo ra lại có thể đem so với một chiếc máy. Nhưng đồng thời, tôi cũng ngạc nhiên khi thấy ChatGPT đã trở nên thông minh đến thế. Hãy chờ thêm vài năm nữa và tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một thế giới trong đó robot thực hiện công việc của tôi tốt nhất có thể. Tôi ghét phải nghĩ điều đó mang lại kết quả nào đối với khả năng được tuyển dụng của tôi".
Trong những năm gần đây, khi các tiêu đề về "robot cướp việc làm của con người" ngày càng phổ biến – và khi các công cụ A.I. sáng tạo như ChatGPT nhanh chóng trở nên dễ tiếp cận hơn – một số nhân viên cho biết họ bắt đầu cảm thấy lo lắng về tương lai của mình và liệu những kỹ năng họ có còn phù hợp với thị trường lao động trong những năm tới hay không.
Vào tháng 3, Goldman Sachs đã công bố một báo cáo cho thấy A.I. có thể thay thế tương đương 300 triệu việc làm toàn thời gian trong thập kỷ tới. Năm ngoái, cuộc khảo sát lực lượng lao động toàn cầu hàng năm của PwC cho thấy gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ lo lắng về viễn cảnh vai trò của họ sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong 3 năm tới.
Alys Marshall, một copywriter 29 tuổi sống ở Bristol, Vương quốc Anh, cho biết: "Tôi nghĩ rất nhiều nhà sáng tạo đang lo ngại. Tất cả chúng tôi chỉ hy vọng rằng khách hàng của chúng tôi sẽ nhận ra giá trị của chúng tôi và chọn tính xác thực của con người thay vì giá cả và sự tiện lợi của các công cụ A.I.".
Viện toàn cầu McKinsey cho biết đến năm 2030, dữ liệu mô phỏng trung bình cho thấy khoảng 70% công ty sẽ đón nhận cuộc cách mạng A.I. và áp dụng ít nhất một loại công nghệ A.I. nhưng chưa đến một nửa trong số đó sẽ hấp thụ hoàn toàn 5 loại công nghệ đó.
Forbes cũng thông tin rằng Theo báo cáo của MIT và Đại học Boston, A.I. sẽ thay thế tới 2 triệu công nhân sản xuất vào năm 2025.
Cùng nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey báo cáo rằng đến năm 2030, ít nhất 14% nhân viên trên toàn cầu có thể cần phải thay đổi nghề nghiệp do những tiến bộ về số hóa, robot và A.I.