Trong một cuộc phỏng vấn, Đổng Minh Châu, CEO của Gree Electric Appliances Inc, nhà sản xuất điều hòa không khí dân dụng lớn nhất thế giới, đã chia sẻ về một nam giám đốc ngoài 30 tuổi bị cô khiển trách, điều này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng.
Vì sao quản lý đó lại bị mắng? Vì thành quả làm ra không đem lại hiệu quả tốt nhất.
Nhưng anh lại cảm thấy khá tủi thân, bởi trong suốt quá trình làm dự án, anh cùng nhóm của mình đã liên tục tăng ca nhiều ngày liền, không về nhà.
Rất nhiều người có lẽ cũng giống như người quản lý này, không biết lãnh đạo thực sự muốn gì.
Tăng ca và tạo ra thành quả, trước giờ luôn là hai chuyện khác nhau.
Cũng giống như Đổng Minh Châu nói: "Bạn chăm chỉ nhưng chưa chắc đã có thu hoạch, không thể vì bạn vất vả, vì bạn ngày ngày đi làm nhưng lại tạo ra thành quả không tốt mà tôi vẫn phải dùng bạn được."
Xem chăm chỉ lao động là công lao, là ảo tưởng lớn nhất của mọi người ở nơi làm việc.
Trong bộ phim truyền hình có tên "Swan Dive for Love", có một nhân vật làm việc chăm chỉ trong suốt 12 năm nhưng anh vẫn chỉ là một chủ quản nhỏ.
Trong một cuộc bầu chọn người quản lý, anh đã ứng tuyển thất bại. Không can tâm tình nguyện, anh đi tìm lãnh đạo đòi công bằng:
"Tôi làm việc ở đây đã 12 năm, làm việc chăm chỉ không kể ngày đêm, ngày nào cũng làm thêm giờ, cuối tuần đi gặp khách hàng, không có công lao cũng phải có khổ lao chứ phải không? Tôi nỗ lực như vậy, lẽ nào công ty không nhìn thấy ư?"
Lãnh đạo chỉ lạnh lùng nói với anh: "Lương của anh không được tính theo 'nỗ lực', 'nỗ lực' của anh càng không phải là lý do để công ty thăng chức cho anh."
Nơi làm việc rất tàn khốc, nhưng cũng khá công bằng, những nỗ lực không thể đổi lấy kết quả có thể khiến bạn cảm động, nhưng sếp của bạn thì không.
Trong bộ phim truyền hình Nhật Bản có tên "Legal High", có một lời thoại như này: "Càng là những người không thể hoàn thành tốt công việc của mình, càng khẳng định bản thân đã làm việc chăm chỉ ra sao."
Công ty nào cũng vậy, họ sẽ không trả lương vì những "nỗ lực" của bạn. Những người chín chắn, dùng kết quả để chứng minh.
Quy tắc bất thành văn về lương: Quan trọng hơn lương tháng là lương giờ
Tôi có một người bạn là một một lập trình viên, mới vào nghề này được 2 năm, sinh năm 95, tóc rụng rất nhiều, ra ngoài hầu như đều phải đội mũ.
Cậu ấy làm việc từ 10h sáng tới 10h tối, 1 tuần bảy ngày dường như đã trở thành thường thái.
Cuối tuần trước tôi tới khu vực gần công ty ăn trưa với cậu ấy. Lúc nói về chuyện công việc, tôi nói "những hôm không tăng ca, về nhà còn có thể đọc sách một lúc."
Cậu ấy nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, nhưng cũng rất bất lực nói: "Sướng quá, bọn tôi đều 10h tối mới tan làm, về nhà là lao đầu vào ngủ."
Đừng thấy lương cậu ấy 50 triệu, tính theo thời gian làm việc (một ngày làm việc 12 tiếng, tháng không ngày nghỉ), đại khái lương theo giờ của cậu ấy là 140 ngàn.
Mỗi ngày công việc lặp đi lặp lại, cậu ấy không có thời gian học thêm kỹ thuật mới, không có thời gian tư duy những vấn đề khó hơn, không có thời gian để giải quyết những việc quan trọng hơn, sức khỏe cũng ngày một không như trước.
Một huấn luyện viên về kế hoạch nghề nghiệp cho biết:
"Là một huấn luyện viên lập kế hoạch nghề nghiệp, tôi muốn nói với bạn một bí mật về lương. Lương hàng năm và lương hàng tháng là những thứ khá lừa dối. Thứ thực sự hiệu quả là lương theo giờ.
Bạn phải xem xem đơn vị thời gian của bạn có giá trị hơn không. Lương không đồng nghĩa với lương tháng, cũng không phải lương năm, mà là lương theo giờ. "
Hầu hết chúng ta vẫn đang mắc kẹt trong giai đoạn đánh đổi thời gian để đổi lấy lương. Tại thời điểm này, làm việc chăm chỉ để tăng mức lương theo giờ là điều quan trọng nhất.
Có một câu nói nghe có vẻ phũ phàng, nhưng nó thật: "Giá trị của bạn là con số trên thẻ lương của bạn".
Lương tháng, lương năm, đều là "lương giả", thứ thực sự có thể đo lường giá trị của một người chính là "tiền lương theo giờ".
3 gợi ý nâng cao hiệu quả công việc
Thông thường, làm thêm giờ, có 4 kiểu:
Thứ nhất là khối lượng công việc không hợp lý.
Thứ hai là hiệu quả làm việc của bản thân nhân viên thấp.
Thứ ba là tích cực làm thêm giờ để giải quyết các vấn đề.
Còn một kiểu nữa gọi là "văn hóa tăng ca". Lãnh đạo chưa về, nhân viên cũng không dám về, đồng nghiệp chưa về, bản thân cũng ngại khi về sớm.
Làm thêm giờ kém hiệu quả không những không mang lại lợi ích mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong một thời gian ngắn, rất khó để thay đổi hiện trạng.
Vậy có cách nào để nâng cao hiệu quả công việc và thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn "càng tăng ca càng nghèo"?
Dưới đây là 3 gợi ý, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn:
1. Định hướng kết quả, tư duy mục tiêu
Sử dụng phương pháp làm việc OKR (objective and key results), để dành sức lực và thời gian cho những công việc liên quan nhiều đến mục tiêu, phân công công việc có sự ưu tiên rõ ràng, không dành nhiều sức lực cho những công việc không giúp ích nhiều cho việc hoàn thành mục tiêu.
Sử dụng các kết quả then chốt để đo lường hiệu quả công việc. Ví dụ như doanh thu bán hàng hay lượng đọc của một bài viết nào đó.
Những công việc liên quan đến việc hoàn thành mục tiêu thường có độ khó nhất định.
Bản chất thích vùng thoải mái sẽ khiến chúng ta lấp đầy thời gian của mình bằng những công việc đơn giản. Công việc quan trọng sẽ bị trì hoãn cho đến khi không thể trì hoãn được nữa, rồi mới bắt tay vào làm.
Trên thực tế, công việc quan trọng nhất thực sự không nhiều, đừng tìm kiếm cảm giác thành tựu trong "sự bận rộn".
2. Phương pháp làm việc "tan làm đúng giờ"
Nhân vật Higashiyama trong bộ phim truyền hình Nhật Bản có tên "Tôi, đúng giờ tan làm" có thể tan làm đúng giờ vì cô ấy có một bộ phương pháp làm việc hiệu quả:
Viết các nhiệm vụ trong ngày lên giấy ghi chú theo mức độ ưu tiên, dán chúng lên cạnh máy tính và xé ra sau khi hoàn thành một nhiệm vụ.
Các văn kiện được sắp xếp theo danh mục, không mất thời gian tìm kiếm mọi thứ.
Đặt thời hạn cho từng nhiệm vụ và đặt báo thức để tăng mức độ khẩn cấp.
Hầu hết mọi người đều có tính trì hoãn. Chúng ta luôn nghĩ rằng trong giai đoạn này chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị và nâng cao chất lượng công việc.
Nhưng trên thực tế, càng có nhiều thời gian, bạn càng dễ bị phân tâm. Rõ ràng là muốn kiểm tra một số thông tin, nhưng lại bị một một thông báo thu hút, rồi "vô tình" lướt điện thoại một lúc lâu.
Vì vậy, hãy đặt thời gian hoàn thành cho từng công việc để tối đa hóa hiệu quả công việc và không trở thành người trì hoãn.
3. Tạo ra "tính không thể thay thế"
Ở công ty cũ, có một đồng nghiệp đã nghỉ việc và hiện là giám đốc điều hành. Anh ấy làm điều đó như thế nào?
Sau khi tan làm về nhà, anh ấy không chơi game hay xem phim truyền hình mà đăng ký tham gia các lớp học để học kiến thức vận hành và áp dụng những gì học được vào công việc.
Ban đêm sạc kiến thức, ban ngày luyện tập. Trong khoảng thời gian mà những người khác không thể nhìn thấy, anh ấy luôn không ngừng cố gắng cải thiện năng lực cốt lõi của bản thân. Hiện tại, hoạt động của tất cả các nền tảng của công ty đều nằm trong tầm kiểm soát của anh ấy.
Bất kể có làm công việc gì, hãy dành ra một khoảng thời gian để nạp lại năng lượng.
Thay vì làm thêm giờ mỗi ngày để làm những công việc lặp đi lặp lại, tốt hơn hết bạn nên dành thời gian sau khi tan làm cho những việc có giá trị lâu dài.
"Tính không thể thay thế" càng cao, khả năng tạo ra lợi nhuận của bạn càng cao. Trong thị trường việc làm, bạn sẽ không sợ không có cơ hội.
Tìm cách nâng cao chất lượng của sự nỗ lực của bạn, bởi trong thế giới của những người đi làm, người ta không hỏi quá trình, chỉ nhìn kết quả. Những nỗ lực không cho ra thành quả, chỉ có thể nói là lao động máy móc.