Vết thương lòng của người lớn tuổi: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái?

Nhân ngày gia đình, hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng không hề giản đơn.

Ngày gia đình Việt Nam mỗi năm chỉ đến 1 lần nhưng đâu phải chỉ có bằng đó thời gian ít ỏi chúng ta mới nghĩ về hai chữ: Gia đình, người thân… 

"Gia tài của ngoại" - bộ phim Thái Lan đã thành công khi chọn cách nhìn thẳng vào vết thương lòng của những người lớn tuổi: Khi đã già và không còn là "điểm tựa" của con cái, chúng chỉ quay về vì "của để dành".

Những hỗn hoạn xảy ra để dạy những đứa con 1 điều quan trọng mà chúng lãng quên: Gia tài lớn nhất là thứ mà chúng không cần phải tìm kiếm hay tranh giành với ai. Đó là: Gia đình, là những người yêu thương đang còn sống!

Những nút thắt chân thật của bộ phim  khiến người xem vấn khi quay về với tình cảm gia đình trong đời thực: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái?

"Người già phiền nhiễu" là ý nghĩ xuất phát từ sự vô tâm

Trong "Gia tài của ngoại", mối quan hệ của bà cụ Amah và gia đình được khai thác nhiều nhất, nhưng còn 2 hình tượng khác, chính là ông Agong và người bạn già của Amah.

Điểm chung của họ là gì? Tuổi già không có con cái kề cận. Hoặc là họ tự chăm sóc cho bản thân mình như cụ bà Amah trước khi cháu trai M đến sống cùng, hoặc là chỉ có một người duy nhất nhận trách nhiệm chăm sóc, như cô bé Mui và ông Agong.

Dễ thấy tình tiết đó được phát triển từ chất liệu thực tế. Chuyện người già, dù minh mẫn hay cần sự hỗ trợ, phải sống một mình, ít tiếp xúc với con cái vốn là một vấn đề phổ biến. Nhìn vào cuộc sống thật bên ngoài màn ảnh, khi dân số già hóa, mối quan tâm đầu tiên được đăng tải rộng khắp trên báo chí và mạng xã hội là liệu những viện dưỡng lão có đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng chỗ ở. Cực đoan hơn là những "người già mồ côi" (elderly orphan), phải già đi khi không có con cái đồng hành, hoặc con cái từ chối chăm sóc.

Thực trạng ấy cho thấy, chăm sóc cho cha mẹ có lẽ không phải là một nghĩa vụ được đảm nhận trọn vẹn bởi tất cả người con, theo cách lý tưởng là dành hàng ngày bên họ, lo lắng từ những thứ nhỏ nhất. Con cái hóa ra lại có rất nhiều giải pháp khác ít "phiền nhiễu" hơn: Phó thác cho một người, cho viện dưỡng lão và bản thân mình thì chỉ như một người "khách" ghé thăm vài tuần, thậm chí vài tháng một lần.

Chuyện của cụ ông Agong, thật sự đáng buồn khi chỉ có một người duy nhất đảm nhận công việc chăm sóc khi liệt giường, trong khi rõ ràng nhất là ông cần sự đồng hành từ con cháu.

Còn với những cụ bà độc lập như Amah, ở tuổi cận kề 80, bà vẫn có sạp hàng riêng để tạo thu nhập cho bản thân, vẫn minh mẫn để có thể tự chăm sóc mình. Nhưng như thế đâu có nghĩa là bà không cần con cái quan tâm. Cụ bà vẫn rất muốn được hỏi han, và khoảnh khắc hạnh phúc, đáng mong chờ nhất trong tuần chính là ngày Chủ Nhật khi được gặp con. Nhìn cách bà ăn vận thật tươm tất ngồi trước cửa nhà là biết. Một hình ảnh nhẹ nhàng, nhưng lại chứng minh rằng mẹ già luôn luôn cần con, không phải để lo toan hay gì cả, mà là bà mong được thấy ruột thịt của mình, và muốn được ở bên con cháu, chỉ vậy thôi.

Cậu Kiang giàu có, đủ tiền cho con gái học trường quốc tế, sống dư dả, nhưng lúc cần xây mộ cho mình, bà cụ già cũng chẳng nhờ đến tài sản của con. Rõ ràng, cha mẹ nuôi con thành tài đâu phải để mong "thu hoạch" những miếng lời như một khoản đầu tư? Thủ thỉ dặn con học giỏi, dặn con phải kiếm được công việc tốt, đâu cũng là để sau này đứa trẻ ấy có thể tự lo cho mình một cuộc sống sung túc.

Vết thương lòng của người lớn tuổi: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái? - Ảnh 1.

Trong câu chuyện từ những người già của "Gia tài của ngoại", những đứa trẻ mà họ đã tận lòng nuôi lớn, hiện lên qua những khoảnh khắc xa rời với cha mẹ. Là cậu con trai cả Kiang với gia đình riêng mà xem mẹ mình như người dưng; là cô thứ Chew "phải" thăm non mẹ vì nhiều trách nhiệm, ít tình cảm; là cậu út Soei hễ cần gì mới tìm căn nhà khiêm tốn của cụ bà. Mỗi tuần chỉ dành cho mẹ, cho bà một bữa cơm nhưng hiếm hoi có dịp tề tựu đủ.

Con cái khi đã trưởng thành, nhận ra mình có chỗ "tựa lưng" mới ngoài cha mẹ, đã xếp việc dành thời gian yêu thương đấng sinh thành xuống thứ tự ưu tiên thấp.

Vết thương lòng của người lớn tuổi: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái? - Ảnh 2.

Chỉ ăn bữa cơm nhanh nhanh chóng chóng rồi lại về, đi cầu bình an thì nhắc đến gia đình của mình mà không hề mong chúc gì cho mẹ, cúng kính tổ tiên không cẩn thận, bị rầy la thì cau có. "Người già phiền nhiễu" - từng câu nói, cử chỉ của những người con dường như đều xuất phát từ một ý nghĩ. Song, nguồn cơn cho cảm giác "phiền nhiễu" đó âu cũng là từ chính sự vô tâm của những đứa con cái gì cũng coi trọng trừ những giá trị máu thịt.

Bạn có bao giờ chia sẻ chung ý nghĩ cùng Kiang, Chew hay Soei?

Vết thương lòng của người lớn tuổi: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái? - Ảnh 3.

Khi mẹ còn sống thì con cần có điều kiện mới đến thăm, khi mẹ đã mất thì lại nuối tiếc

Con cái cần cha mẹ để "trao đổi" và sự thật đáng buồn về bản chất mối quan hệ ruột thịt bị quên lãng là thông điệp được gửi gắm xuyên suốt "Gia tài của ngoại."

Khi bà cụ bị chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối, cả 3 anh chị em quyết tâm dành nhiều thời gian cho mẹ hơn. Nhưng có thật sự là vì lo lắng và trân quý bà cụ? Không, sự quan tâm của họ giống như những vận động viên chạy nước rút đang thi nhau tranh giành ngôi vị "được mẹ yêu nhất" và sau cùng là "thừa kế nhiều nhất".

Cậu cả Kiang vì giàu có, muốn lập công trở thành người gồng gánh tài chính cho tuổi già của mẹ. Dùng tiền để các em làm hộ một vài việc vặt lúc chăm sóc mẹ, muốn đưa mẹ về căn nhà đồ sộ để an hưởng ngày cuối. Cậu quảng cáo dõng dạc: Ở đây mẹ có câu lạc bộ dành cho người già, ở đây được ăn ngon mặc đẹp… Nhưng bà cụ đâu cần những thứ đó. Chỉ có cháu trai M, người đã dành thời gian chăm sóc cho bà suốt một thời gian, mới nhận thấy sự bất tiện đằng sau những đãi ngộ hào nhoáng. Nếu chuyển về sống với cậu hai, bà cụ phải thức dậy từ 2 giờ sáng để đi khám bệnh.

Chân dung của cậu Kiang là chân dung của những người con thành đạt, những người con mong mẹ sống sung sướng, mà hoàn toàn bỏ qua những chi tiết nho nhỏ trong nếp sống hàng ngày của mẹ.

Út Soei thì đến lắp tay vịn cho mẹ khỏi trượt chân, nhưng lại là "vỏ bọc" để cậu tiện tay ăn cắp tiền của mẹ để trả nợ. Khi bà cụ để cho cậu căn nhà, Soei bán đi và đưa mẹ về viện dưỡng lão. Bà cụ có lẽ sẽ ra đi đơn độc ở nơi xa lạ, vì bà đã không còn vốn liếng nào để cho Soei một cuộc "trao đổi" nữa.

Chỉ có Chew thật sự chăm chút cho mẹ, nhưng qua lời nói, vẫn là mong đợi được chia tài sản. Cô trách nhẹ bà Amah khi bà dặn cô phải ăn uống đàng hoàng kẻo bị mắc bệnh giống bà: "Con trai thì hưởng tài sản, con gái thì hưởng ung thư". Nhưng chẳng phải cô Chew đã có gia tài quý giá nhất của mẹ, chính là những ngày tháng cuối cùng?

Vết thương lòng của người lớn tuổi: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái? - Ảnh 4.

Cũng như bao câu chuyện đau lòng trên thực tế, ngay khi biết bà Amah đã không chiến thắng căn bệnh ung thư, Kiang lập tức đòi sổ đỏ và hối thúc bà cụ mau tiết lộ di nguyện. Đến khi cái chết bao trùm, thứ đầu tiên mà những đứa con quan tâm, vẫn là của ăn của để từ cha mẹ, thứ gia tài hiện lên trong những đồng tiền quyết định ý thức.

Rõ ràng, trước kia khi bà cụ chưa lâm bệnh, thời gian bên con là điều xa xỉ nhất. Kể cả khi biết thời gian của mình có giới hạn, Amah vẫn phải làm những cuộc "trao đổi" với con cái nếu muốn nhận được sự yêu thương của họ. Những đứa con dường như chỉ quan tâm đến cơ ngơi của cha mẹ, dù ít hay nhiều, họ vẫn muốn có một phần của miếng bánh béo bở.

Vậy là, điều kiện để cha mẹ được ở bên con cái nhiều hơn, phải chăng là khi họ nhìn thấy cái kết của chính mình?

Khi Amah nằm trên giường bệnh vào những giây phút cuối cùng của đời mình, lần đầu tiên khán giả thấy Kiang thực sự nuối tiếc hình bóng người mẹ. Chính người mẹ đã không ăn thịt bò suốt hàng năm trời, vì nghe theo tín ngưỡng để cầu cho cậu con cả khỏi ốm đau. Một điều mà cậu chẳng bao giờ buồn hỏi mẹ vì sao. Song, vào giây phút ấy, cậu đã không còn thời gian để bù đắp cho những hy sinh thầm lặng của mẹ.

Nếu vẫn chưa muộn, hãy trám lấy những thứ còn thiếu sót

Tình cảm của cha mẹ là cơ ngơi màu mỡ nhất mà con cái lúc nào cũng sở hữu, nhưng luôn cất gọn một chỗ và chẳng muốn đoái hoài. Họ chạy theo những tiêu chuẩn vật chất khác, hoặc bận tâm riêng đôi khi biến cha mẹ thành người dưng.

Trong tất cả con cháu của bà Amah, chỉ có đứa cháu trai M, đã kịp tìm ra những điều bà thật sự cần từ máu thịt của mình, và là một câu hỏi để khán giả soi chiếu lại mối quan hệ với người thân của chính mình: Những gì thực sự làm ông bà, cha mẹ vui?

Đó đơn giản là thời gian và sự quan tâm không thể mua chuộc bằng tiền của cậu Kiang, bằng sự giả dối của Soei, và trách nhiệm làm con của Chew. Mối liên kết đứt gãy từ ngày M còn bé, hàn gắn lại khi bà Amah lâm bệnh mới thực sự là câu trả lời.

"Gia tài của ngoại" đích xác là một tấm gương dành cho tất cả mọi người. Để họ nhìn vào bản thân mình, người thân của mình và trám lấy những thứ còn thiếu sót trong gia đình - thứ đáng ra luôn là sự ưu tiên trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

Vết thương lòng của người lớn tuổi: Khi nào con cái cần cha mẹ, khi nào cha mẹ cần con cái? - Ảnh 5.

Ai thấy mình "vồn vã" mới công việc mà không còn cùng mẹ, cùng bà dùng những bữa cơm hàng ngày thì hãy sắp xếp lại ưu tiên. Ai đã mất kết nối với mẹ, với bà quá lâu thì hãy xem những điều gì ngày bé từng làm bậc sinh thành hạnh phúc, và hãy sẵn sàng để mang lại những hạnh phúc đó một lần nữa.

Còn cha mẹ, ông bà là con cơ hội để con cái tỏ lòng yêu thương, kính trọng chân thật nhất, đừng đáp lại mong cầu của bậc tiền bối quá muộn màng như những đứa trẻ trong "Gia tài của ngoại."

https://ahadep.com/vet-thuong-long-cua-nguoi-lon-tuoi-khi-nao-con-cai-can-cha-me-va-khi-nao-cha-me-can-con-cai-20240627223241116.chn