Vô tình gặp nhóm đồng nghiệp cũ ở quán ăn, tôi chào hỏi rồi nhanh chóng quay đi vì chẳng khác nào người thừa

Mọi mối quan hệ trong xã hội đều có thể phai nhạt dần theo thời gian, điều quan trọng là bạn đối diện với điều đó như thế nào cho đúng.

Tôi 30 tuổi, là nhân viên văn phòng tại một công ty khá lớn. Phòng của tôi gồm có 10 người cả nam lẫn nữ. Do tính chất công việc thường xuyên phải làm việc nhóm nên chúng tôi rất thân với nhau, đến mức còn đặt cho đối phương biệt danh, hay gọi nhau một tiếng mẹ nuôi – con gái nuôi vô cùng thân mật.

Làm việc ở đây được 3 năm thì tôi phải chuyển đi nơi khác do một vài lý do cá nhân. Ngày chia tay mọi người tôi thực sự rất buồn. Cả phòng rủ tôi đi ăn lẩu, rồi cùng nhau đi dạo phố, uống café, chụp thật nhiều ảnh để giữ làm kỷ niệm. Tôi tưởng rằng tình cảm này sẽ bền chặt mãi mãi.

Vô tình gặp nhóm đồng nghiệp cũ ở quán ăn, tôi chào hỏi rồi nhanh chóng quay đi vì chẳng khác nào người thừa - Ảnh 1.

Gặp lại đồng nghiệp cũ khiến tôi ngượng ngùng

Thế nhưng, chẳng phải tự nhiên mà người ta lại có câu "xa mặt cách lòng". Thời gian sau đó, tôi và những đồng nghiệp cũ không gặp mặt, chỉ thỉnh thoảng tương tác trên mạng xã hội. Người tôi gọi là mẹ nuôi cũng ít quan tâm, đôi khi có việc cần nhờ mới nhắn tin vài câu. Thậm chí, một năm chắc có lẽ nói chuyện được đôi ba lần.

Hơn hai năm sau khi tôi nghỉ việc, mới đây tôi cùng chồng và vài người bạn đi ăn tại quán của người bạn thân mới khai trương thì bất ngờ gặp lại cả phòng đồng nghiệp cũ ngồi ngay gần cạnh. Tôi vui mừng chạy đến chào hỏi mọi người, ai cũng tươi cười đáp lại nhưng thật sự không giống với thái độ muốn giữ tôi lại để tâm sự lâu hơn một chút.

Tôi nhận thấy cả nhóm đã đông hơn, có nhiều người mới chưa quen mặt chứ không phải chỉ có những bạn bè xưa. Sau khi nói với nhau vài câu hỏi thăm xã giao, tôi nhận thấy có sự ngượng ngùng bắt đầu chen ngang, vài người khác đã chẳng thèm quan tâm mà ngồi ăn như không có sự tồn tại của tôi.

Tôi tự hiểu, đã đến lúc mình phải rời đi. Bởi suy cho cùng, tôi cũng chỉ là người thừa đang phá tan không khí riêng tư vốn có của họ.

Tôi từng đọc nhiều câu chuyện về tình đồng nghiệp, rằng khi làm cùng nhau đừng thân quá, đừng chuyện gì cũng to nhỏ thật lòng và cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào khả năng duy trì mối quan hệ khi đã nghỉ việc. Song có lẽ đó cũng là điều tất yếu trong cuộc sống, điều quan trọng là bạn không để lại ác cảm hay hình tượng xấu trong mắt đồng nghiệp cũ thì đó đã là thành công.

Vô tình gặp nhóm đồng nghiệp cũ ở quán ăn, tôi chào hỏi rồi nhanh chóng quay đi vì chẳng khác nào người thừa - Ảnh 2.

Dù đồng nghiệp cũ có tốt hay xấu, có thân thiết hay nhạt nhòa thì bạn cũng cần ứng xử đúng mực

3 điều nên làm sau khi nghỉ việc

Nghỉ việc không có nghĩa là bạn có thể bỏ qua mọi quy tắc ứng xử lịch sự đối với đồng nghiệp và công ty cũ. Để lại ấn tượng tốt sau khi bạn nghỉ việc là điều rất cần thiết nhưng cũng cần xác định ranh giới của các mối quan hệ. Dưới đây là một vài lời khuyên bạn có thể tham khảo.

Hãy thân thiện, chuyên nghiệp đến phút chót

Dù ra đi vì bất cứ lý do gì, bạn cũng nên để lại ấn tượng tốt với công ty cũ. Nếu lý do bạn xin thôi việc ở công ty vì bất bình hay cáu giận một chuyện gì đó bạn cũng không nên bộc lộ ra bên ngoài. Luôn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện, tôn trọng cấp trên và đồng nghiệp.

Bạn không nên tỏ thái độ bất bình hay nổi giận khi nhận quyền lợi thôi việc, nếu phần nào chưa rõ bạn nên trao đổi với bộ phận nhân sự để được giải thích thỏa đáng. Bạn nên chủ động thực hiện hết nghĩa vụ công nợ với công ty (nếu có).

Đừng nói xấu về công ty cũ

Có thể họ không khiến bạn hài lòng nhưng không có nghĩa bạn cần phải nói xấu về họ. Chẳng có công ty nào là hoàn hảo và cũng chẳng có nơi đâu có thể đáp ứng 1 cách trọn vẹn những tiêu chuẩn làm việc lý tưởng cho mỗi người. Sẽ có những bất đồng, quan điểm trái chiều trong lối suy nghĩ của nhau, dẫn đến những xích mích và rạn nứt trong mối quan hệ công việc. Song, bạn cũng đừng lấy những điều đó làm cớ để "hạ bệ" công ty ở ngoài xã hội, hoặc tuồn ra những thông tin nội bộ từ tổ chức mình đã từng làm việc. Đặc biệt, đây cũng là điều đại kỵ khi đi phỏng vấn ở một môi trường mới.

Vô tình gặp nhóm đồng nghiệp cũ ở quán ăn, tôi chào hỏi rồi nhanh chóng quay đi vì chẳng khác nào người thừa - Ảnh 3.

Hãy tương tác với đồng nghiệp cũ ở mức vừa đủ

Vậy nên, điều gì đã qua, tốt nhất hãy cho qua và xem như 1 bài học để chúng ta lớn lên và tiếp tục bước đi 1 cách dạn dĩ, trưởng thành hơn trên hành trình sự nghiệp.

Đồng nghiệp cũ có thể thân thiết hoặc không

Bạn nên xác định, khi đã nghỉ việc thì đồng nghiệp ngồi cạnh bạn hôm qua đã trở thành người cũ chứ không phải hiện tại. Bởi vậy nếu một ngày họ có lạnh nhạt và quay mặt đi khi bạn cần giúp đỡ thì cũng không hề đáng trách.

Song, họ cư xử thiếu xót không đồng nghĩa là bạn cũng áp dụng. Không phải ai cũng xấu tính và ác cảm với bạn. Hãy luôn mở lòng ra và kết bạn bằng cách thỉnh thoảng gửi vài tin nhắn hỏi thăm, mời họ đi ăn hoặc đi uống café vào một buổi chiều tan làm.

Biết đâu một ngày nào đó, họ sẽ trở thành vị cứu tinh giúp đỡ bạn trong cuộc sống và công việc. Hoặc họ sẽ lại là đồng nghiệp của bạn lần thứ 2.