Xu hướng làm việc tự do: Khi người trẻ bước ra vùng an toàn

Người làm việc tự do (freelancer) được ví như một “nhà thầu độc lập” tự kết nối và tìm điểm chung với hệ sinh thái doanh nghiệp. Trong và sau đại dịch COVID-19, xu hướng làm việc này được nhiều bạn trẻ thích thú trải nghiệm.

Tự do nhưng phải… tự lo

Từ một sĩ quan quân đội, đầu năm 2021, Đào Minh Tiến (SN 1995, nickname là Dế mèn du ký) quyết định nghỉ việc để làm người sáng tạo nội dung tự do về du lịch (travel content creator). “Vì làm tự do nên mình đã chọn Đà Lạt làm nơi sinh sống, nơi có khí hậu, thời tiết dễ chịu, tốt cho sức khỏe. Đây là một trong những “cái được” khi mình quyết định chuyển việc, được tự chủ hoàn toàn về thời gian và không gian làm việc”, Tiến kể.

Xu hướng làm việc tự do: Khi người trẻ bước ra vùng an toàn - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ bước ra "vùng an toàn” để làm sáng tạo nội dung tự do

Sau gần 2 năm phiêu du khắp mọi miền Tổ quốc để ghi lại những thước phim về phong cảnh, con người Việt, Tiến có kho dữ liệu số với hơn 3 triệu lượt tương tác (trên TikTok) để tạo thu nhập thụ động.

Từ những chuyến đi ngẫu hứng, chàng trai trẻ thay đổi cách nhìn, mở rộng nhân sinh quan về con người, thế giới xung quanh, tự do sáng tạo những nội dung có giá trị mang bản sắc riêng. Nhưng, cái khó ở đây là anh phải thiết lập được quy chuẩn nội dung, kỷ luật… như một “nhà thầu độc lập” để bán sản phẩm chất xám của mình.

“Làm việc tự do đi liền với… tự lo là bởi, một cá nhân tách ra làm việc độc lập, sẽ không được hưởng các phúc lợi của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đôi khi, phải tự chịu trách nhiệm thiệt hại cho những dự án, giao dịch, hợp đồng không thành công”, Tiến chia sẻ.

Người làm việc tự do còn bị hạn chế kết nối với đồng nghiệp, môi trường làm việc chuyên nghiệp và “đơn phương độc mã” trong hành trình phát triển bản thân. “Với những lao động trẻ chịu áp lực kém, họ rất dễ quay đầu, nhảy việc thường xuyên và không rõ sẽ bước tiếp như thế nào trong thế giới tự do ấy”, Tiến nói thêm.

Những rủi ro

Theo TS. Bùi Nguyệt Quỳnh (Phó Giám đốc vận hành Công ty TNHH Gami Lab), những freelancers sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý như: việc hợp tác đôi khi chỉ qua tin nhắn, cuộc gọi điện, email, và hiếm khi ký hợp đồng dịch vụ. Điều này dẫn đến các freelancers có thể bị bùng tiền, không có những điều khoản bảo vệ khi làm việc và thực hiện dịch vụ.

Việc kiếm các công việc cũng khá cạnh tranh. Khách hàng thường không ổn định, được giới thiệu hoặc tìm kiếm trên mạng, qua các trang mạng xã hội. Đôi khi gặp phải rủi ro về việc tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, và bị lừa bởi các khách hàng "ma".

Cần chuyên môn sâu một lĩnh vực

Trong cộng đồng người làm việc tự do, bạn Nguyễn Thùy Trang (SN 1995, biệt danh Trangchoreview) là một cái tên quen thuộc và có gần 50 nghìn bạn trẻ Việt mến mộ. Trang làm nhiều nghề khác nhau như viết content PR , chế nhạc, làm diễn viên nghiệp dư, viết kịch bản, làm cộng tác viên cho nhiều trang tin điện tử, viết sách, đào tạo viết nội dung, xây dựng chiến lược quản trị thương hiệu cho KOLs (người có sức ảnh hưởng trên mạng)…

Xu hướng làm việc tự do: Khi người trẻ bước ra vùng an toàn - Ảnh 3.

Đào Minh Tiến (SN 1995, nickname là Dế mèn du ký) làm tự do nên có cơ hội trải nghiệm nhiều công việc khác nhau để tìm ra thứ mình thật sự yêu thích.

“Việc gì trong tầm với và kiếm được ra tiền thì mình đều làm. Mỗi ngày mình làm việc gần 20 tiếng với 5, 6 đầu việc khác nhau để vừa tích cóp tiền đi du lịch bụi, vừa lo cho em gái, phụ giúp kinh tế gia đình”, Trang chia sẻ.

Làm việc tự do mấy năm nay, Trang nhận thấy bản thân đã “lì” hơn trước sự bất ổn của nhiều công việc khác nhau. Cô đã học và hình thành kỹ năng tự làm chủ, quản lý tài chính, quản lý thời gian, đàm phán, ra điều kiện với khách hàng... để nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Thực tế có những người rơi vào tình trạng ‘ zombie công sở ’ (làm việc vật vờ, không có hồn), không được làm nghề mình yêu thích, chỉ vì thu nhập ổn định. Sau đại dịch COVID-19, tình trạng này bộc lộ rõ hơn ở các bạn trẻ, dẫn đến nghỉ việc, nhảy sang làm tự do. Nhưng do chưa thực sự hiểu về tính chất công việc tự do và đặt kỳ vọng quá lớn khiến cho một bộ phận người làm việc tự do hối hận, quay trở lại công việc văn phòng”, Trang nói.

Theo khảo sát của Công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam (từ cuối năm 2021) cho thấy, nhân lực tri thức Việt hiện có 53% làm việc độc lập, trong đó có 14% làm tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% duy trì công việc cố định kết hợp làm tự do bán thời gian. Số người chọn làm việc tự do ngày càng tăng so với lực lượng lao động cố định.

Trang cho rằng, freelance (làm việc tự do) cho phép làm nhiều công việc khác nhau, nhưng vẫn phải có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực và không ngừng nâng cấp nó. Trước khi chính thức chuyển sang làm tự do, các bạn trẻ nên có khoảng thời gian thử nghiệm, làm song song để có lựa chọn an toàn về công việc mới.

TS.Phạm Ngọc Linh (Trưởng khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) khẳng định, freelance chỉ là một hình thức làm việc mới, đang trở thành xu hướng trong giới trẻ. Trong xu hướng này bao gồm nhiều nghề khác nhau mà người lao động có chuyên môn, kỹ năng để theo đuổi. Do đó, để làm được tự do, trước tiên, người trẻ phải làm tốt một nghề, tức là trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.

Theo TS.Linh, riêng với những bạn trẻ tham gia vào hoạt động sáng tạo nội dung tự do hiện được ủng hộ nhiều từ phía công chúng bởi đáp ứng được tâm lý của số đông. Người trẻ sáng tạo để phục vụ tâm lý số đông giới trẻ.

“Nếu xét theo 5 tiêu chí của một nghề, sáng tạo nội dung vẫn đang là một hoạt động nghề nghiệp thuộc xu hướng làm việc tự do. Sức hút của công việc này trong bối cảnh số sẽ thúc đẩy các trường đại học học mở rộng thêm ngành học mới đáp ứng nhu cầu của bạn trẻ trong tương lai”, TS. Linh nói.

Bạn Nguyễn Thị Khánh Trang (SN 1998, dạy tiếng Anh và làm sáng tạo nội dung): Ngột ngạt với guồng quay công sở

Xu hướng làm việc tự do: Khi người trẻ bước ra vùng an toàn - Ảnh 3.

Tốt nghiệp đại học, mình đã làm việc văn phòng được 2 năm. Mỗi ngày bắt đầu từ 9 giờ sáng vào ca đến 18h chiều tan ca. Một năm chỉ đi du lịch vài ngày rồi lại quay về với guồng quay công sở. Điều này khiến mình cảm thấy ngột ngạt, cuộc sống như chỉ lặp đi lặp lại một vòng tuần hoàn hết năm này qua năm khác.

Hiện mình đã chuyển sang làm tự do, vừa có thu nhập, vừa thoải mái đi du lịch, dành thời gian cho gia đình. Nếu làm văn phòng, mình sẽ khó thực hiện được những điều này. Mình đã chọn một ngách phù hợp với thế mạnh ngoại ngữ và dành ít nhất 6 tháng đến một năm xây dựng các kỹ năng cần thiết để kiếm tiền được từ nó. Khi có trải nghiệm và đủ tự tin, mình đã bỏ hẳn công việc văn phòng để tập trung 100% vào làm tự do.

Bạn Hoàng Thùy Dương (SN 1991, làm marketing tự do): Hiểu rõ mình trước khi bước ra ngoài vùng an toàn

photo-1

Mình đã có thời gian làm việc cố định tại văn phòng cho công ty tư nhân gần 10 năm. Sau khi biết rõ bản thân mình phù hợp với môi trường nào, biết mình thiếu những gì, phải học hỏi ra sao thì mới sẵn sàng bước ra ngoài vùng an toàn. Khi bước ra rồi không có nghĩa là thả lỏng bản thân mà phải tự rèn luyện một phong cách sống, thói quen làm việc hiệu quả, tự quản lý thời gian và cần có kỉ luật riêng.

Hiện mình làm nhiều công việc cùng một lúc như truyền thông marketing cho các nhãn hàng, sản xuất nội dung, chụp ảnh, quay phim, viết blog du lịch, kinh doanh… Nghe có vẻ sẽ vất vả hơn rất nhiều nhưng mình ổn định được theo cách của riêng mình, ổn định từ trong tâm trí, tâm hồn đến cuộc sống bên ngoài. Vì vậy, nếu chỉ định nghĩa về sự ổn định khi làm một công việc, ở một nơi, trong một đất nước… sẽ càng giới hạn bản thân. Mình đã chọn phá vỡ những định kiến, suy nghĩ ấy để xem bản thân sẽ đi xa tới đâu, hạnh phúc với điều gì.

C.LINH (ghi)