Xuân Ca, Võ Nữ Ngân Hà tung clip nhảy nhót trá hình để PR cho sàn cờ bạc, cá độ bóng đá?

Nhiều bình luận phẫn nộ xuất hiện bên dưới các clip này nhưng "chính chủ" vẫn tỉnh bơ như không nghe thấy gì.

Việc PR cho các sàn cờ bạc, cá độ bóng đá ở hình thức nào cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nhưng, mới đây hình ảnh 2 hot girl đang có hàng triệu lượt theo dõi trên TikTok đã bất chấp diện áo có in dòng chữ BK8, rồi nhún nhảy và đăng clip lên các trang MXH một cách công khai. Ngay lập tức, hành động này hứng bão chỉ trích từ cư dân mạng. Đó là Xuân Ca (Võ Ngọc Xuân Ca, SN 2001, Bình Thuận) có hơn 2,5 triệu người theo dõi và Võ Nữ Ngân Hà (SN 2003, TPHCM) có hơn 6,7 triệu người theo dõi.

Được biết, BK8 là 1 dạng nhà cái chứa rất nhiều thông tin liên quan đến "cá cược", "giao dịch thần tốc"... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an ninh, kinh tế xã hội. Vì vậy mà việc ngang nhiên PR này của 2 idol TikTok có thể bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Xuân Ca, Võ Nữ Ngân Hà tung clip nhảy nhót trá hình để PR cho sàn cờ bạc, cá độ bóng đá? - Ảnh 1.

Xuân Ca (Võ Ngọc Xuân Ca, SN 2001, Bình Thuận)

Xuân Ca, Võ Nữ Ngân Hà tung clip nhảy nhót trá hình để PR cho sàn cờ bạc, cá độ bóng đá? - Ảnh 2.

Võ Nữ Ngân Hà (SN 2003, TPHCM)

Bên dưới các đoạn clip, dân tình đều để lại các bình luận lên án: "Vì tiền mà bất chấp làm những việc như thế này unfollow gấp", "Lại quảng cáo trá hình cho BK8 à? Idol kiểu gì đây", "Quảng cáo linh tinh có ngày rước hoạ vào thân", "Report gấp những thành phần này đi anh em"... cùng nhiều phản ứng gay gắt. Tuy nhiên, hai hot girl vẫn tỉnh như không!

Trước đó, một nhân vật có nhiều follow khác trên MXH cũng đăng ảnh nhảy nhót, mặc áo quảng bá trá hình cho trang web này nhưng bị tấn công dữ dội nên đã "dọn dẹp" nội dung này trên kênh cá nhân.

Theo luật, hành vi quảng cáo cho trang cá cược trái phép bị cấm tại Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1-90 triệu đồng.

Thậm chí, việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.

Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối về dịch vụ, người vi phạm còn có thể đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đánh bạc:

Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điểm b, khoản 2, điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HD hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự:

b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;