Thế nhưng câu trả lời của chàng reviewer hài hước này khiến nhiều khán giả khi theo dõi kênh của anh phải gật gù đồng tình đúng là như vậy.
“Với những người làm nghề sáng tạo nội dung, việc giải thích cho những thế hệ đi trước mình đang làm công việc gì là một điều gì đó khó khăn, thậm chí khiến bố mẹ có suy nghĩ mình lông bông, không có việc làm khi mà đi làm rồi mà vẫn thấy xin tiền” – chia sẻ từ Ngô Đức Duy - hot Youtuber, reviewer sở hữu loạt các kênh có hàng triệu lượt theo dõi khiến nhiều người làm sáng tạo nội dung cảm thấy đồng tình.
Xuất phát từ suy nghĩ ban đầu chỉ làm vì đam mê đồ công nghệ, vẫn phải xin tiền mẹ vào khoảng thời gian bắt đầu, nhận nhiều những comment chê bai,… sau 7 năm chàng reviewer 9X hiện nay đã mua nhà, tậu xe ở tuổi 25, sở hữu 3 kênh trên 3 nền tảng chính là Youtube, TikTok và Facebook với hàng triệu người theo dõi.
Khi được hỏi anh có bí kíp gì, chàng reviewer “mặn mòi” chỉ cười và cho biết chiến lược của mình không phải điều “đao to búa lớn” gì cả mà chỉ muốn đưa những trải nghiệm chân thực của mình trở thành một sự tham khảo hữu ích cho người xem.
Việc “đầu quân” về Schannel diễn ra như thế nào và có ý nghĩa ra sao đối với anh?
Trước khi trở thành một thành viên của Schannel, mình đã có thời gian làm cộng tác ở một kênh khác về mảng sáng tạo nội dung trên Youtube được khoảng 2 năm, sau đó quyết định sang Schannel để phát triển một dự án có tên "Anh em TV". Sau khi hoạt động cùng dự án này khoảng 1 năm, mình đi đến quyết định thành lập 1 kênh riêng và anh Huy – hiện là Giám đốc của Schannel - đã mời mình đưa kênh vào hệ thống.
Giờ đây khi nhìn lại, thứ mà mình nhận được nhiều nhất từ Schannel là sự tự do sáng tạo, có thể làm tất cả những gì mình thích. Mình đánh giá Schannel khi đó là một môi trường năng động và cực kỳ phù hợp với việc sáng tạo nội dung.
Mọi người hay nhắc đến Schannel với "truyền thuyết" rằng toàn richkid nhưng đó chỉ là một phần. Khi bước chân vào đây, mình nhận ra rằng mọi người đều rất là giỏi, khiến mình học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp và có động lực để thúc đẩy bản thân nhiều hơn.
Kể từ ngày bắt đầu đến bây giờ mình vẫn cảm thấy lựa chọn vào Schannel của mình rất đúng đắn.
Có 2 xu hướng lựa chọn công việc phổ biến: 1 là xác định mục tiêu nghề nghiệp và theo đuổi nó, 2 là “làm vì đam mê, mọi thứ tính sau”, anh thuộc mẫu nào?
Cách đây khoảng 7 năm – vào thời điểm mình bắt đầu, khái niệm về YouTuber hay Reviewer/Content Creator gần như chưa có, bởi vậy khi mình làm hoàn toàn xuất phát từ đam mê chứ không có suy nghĩ rằng đây sẽ là một công việc lâu dài.
Mình rất là đam mê công nghệ nên mình chọn đi làm để có thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều mô hình, món đồ công nghệ. Từ những lí do nhỏ đó dần dần hình thành thành chặng đường kéo dài đến tận bây giờ.
Ở những clip đầu tiên, mình đã nhận được khá nhiều lời chê. Giờ đây khi xem lại, tự bản thân mình cảm thấy ngày đó không phù hợp với nghề này lắm, thiếu sự tự tin và những yếu tố cần thiết để lên hình. Lúc làm clip mình khá run, nói vấp phải đến một nửa và chính bản thân mình còn thấy tệ thì rất khó để khán giả có thể chấp nhận được. Từ đầu mình không thể hình dung ra việc có những comment như vậy và khiến mình stress khá nhiều. Tuy nhiên giờ nghĩ lại thì phải từ những comment như vậy mới giúp mình có động lực phát triển và trở nên như ngày hôm nay.
Để biến niềm đam mê trở thành công việc, bản thân mỗi người phải thực sự đủ đam mê với nó. Nhiều người nhìn vào sẽ thấy đây là một công việc nghe thì đơn giản tuy nhiên khi thực sự bắt tay vào làm lại phát sinh rất nhiều vấn đề khác. Bởi vậy nếu không kiên trì, không đủ đam mê, không có đủ lửa để giữ nhiệt huyết thì ngọn lửa sẽ nhanh chóng bị dập tắt.
Bên cạnh đam mê, thu nhập cũng là yếu tố quan trọng để có thể duy trì được công việc. Với mình, đam mê nào thì cũng cần đi kèm với vấn đề cơm áo gạo tiền, đam mê phải giúp cho mình có thể sống được, đó là 2 yếu tố quan trọng nhất.
Khi làm nghề này mình sẽ có thu nhập từ nền tảng, đối với Youtube sẽ có tiền quảng cáo từ chính Youtube họ trả về, bên cạnh đó là tiền từ các hợp đồng quảng cáo, hợp đồng tài trợ và những lời mời tham dự sự kiện. Tầm ảnh hưởng của mình càng lớn, độ bao phủ thương hiệu của mình càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với thu nhập mà mình có thể nhận được.
Thậm chí đến tận thời điểm này, nhiều người vẫn không xem reviewer là một nghề. Anh đối mặt với câu hỏi về nghề nghiệp từ bố mẹ, người thân thế nào khi mới vào “nghề”?
Ngày mình mới bắt đầu nghề này chỉ dưới dạng công việc part-time vào lúc đang học năm 3 đại học, khi đó vẫn còn nhận được sự hỗ trợ của bố mẹ nên chưa gặp phải vấn đề gì. Tuy nhiên, ngay khi mình ra trường và quyết định theo đuổi công việc này thì lại là một vấn đề khác.
Lương tháng của mình trong khoảng thời gian đầu rất thấp, không đủ để trang trải cuộc sống cá nhân và vẫn phải nhờ bố mẹ hỗ trợ tiền nhà. Mình nhớ khi đó tiền nhà của mình khoảng 2-3 triệu nhưng mình cũng không đủ. Như mình đã từng chia sẻ, mẹ mình đã từng hỏi rằng: “mẹ không hiểu con làm gì mà đi làm rồi vẫn xin tiền mẹ” đã khiến mình có một khoảng thời gian băn khoăn và cảm thấy nan giải về vấn đề thu nhập.
Song song với thu nhập, việc giải thích cho bố mẹ biết mình đang làm công việc gì cũng rất khó, bởi vậy không thể có sự yên tâm của bố mẹ, nhất là khi bố mẹ mình ở xa. Ngay sau câu nói của mẹ, mình đã đặt mục tiêu rằng phải cố hết sức để có thể làm được nghề này tốt nhất có thể, sẽ đi theo nó đến khi nào không thể theo được nữa. Tính tự trọng của mình khi đó khiến mình không nhận sự trợ giúp của bố mẹ nữa mà thúc đẩy bản thân rằng phải làm tất cả mọi thứ để có thể tự kiếm sống và tự trang trải cho bản thân mình.
Dần dần mình đã mất khoảng 4 năm để ổn định cuộc sống, bao gồm 2 năm học đại học và 2 năm sau khi ra trường dù từ những ngày đầu tiên làm mình đã có thể kiếm được tiền. Và đến bây giờ, sau khoảng thời gian 7 năm cuộc sống của mình đã dễ thở hơn, có thể trang trải cho cuộc sống hằng ngày, có thể lo được cho gia đình, cho vợ mình, cho những người thân xung quanh.
Bố mẹ mình có kinh doanh ở quê, giờ đây nhiều bạn đến mua hàng ủng hộ và nhận là “fan anh Duy”, xin chụp ảnh cùng,… đã khiến bố mẹ mình dần tưởng tượng ra con trai mình đang làm nghề gì, khiến bố mẹ thấy yên tâm phần nào và thỉnh thoảng cũng thấy vui khi nhiều người biết đến con trai mình.
Hiện nay có rất nhiều người làm công việc reviewer, không ít trong số đó bị gắn mác là PR quá đà. Anh nghĩ sao về điều này và cá nhân anh có tự đặt ra quy tắc nào cho bản thân không?
Cá nhân mình đã tiếp xúc với cái khái niệm review/reviewer rất là lâu rồi, thế nên bây giờ mình thấy khái niệm review đang hơi bị lạm dụng. Nếu như review mà lại PR và quảng cáo quá đà thì đó không còn là review nữa mà chẳng khác nào quảng bá sản phẩm.
Đã là review thì mình phải có sự trải nghiệm, phải có những điểm tốt, không tốt, phải có chiều sâu khiến khán giả sau khi xem xong cảm thấy rằng đây là một trải nghiệm cá nhân mà phần nào có thể giúp ích cho họ trong quá trình lựa chọn mua sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Với mình đó mới là review.
Mỗi khi mình nhận về một hợp đồng quảng cáo hay một sản phẩm nào đó mình luôn có một quy tắc chung đó là sản phẩm phải thực sự tốt, phải có nguồn gốc, uy tín rõ ràng, không gây tranh cãi và phải phù hợp với bản thân, phù hợp với kênh, với khán giả của mình thì mình mới nhận. Hiện tại mình cũng khá kén chọn trong việc nhận quảng cáo, mọi người khi theo dõi có thể thấy tần suất xuất hiện các sản phẩm quảng cáo khá thấp.
Khi đã có độ nhận diện như hiện nay, anh thấy việc trở nên nổi tiếng và giữ vững phong độ khi đã nổi tiếng, đâu là giai đoạn khó khăn hơn?
Hồi mình bắt đầu, khi đó chỉ có rất nhiều người làm lĩnh vực này, mình đã cảm thấy rất khó để có thể khiến cho khán giả nhớ đến tên mình. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại còn khó hơn nữa bởi ngày càng nhiều người làm, đất chật người đông, để xây dựng được một kênh Youtube nổi bật với người mới cũng khó khăn hơn rất nhiều.
Việc “giữ lửa” cho khán giả xem kênh của mình đó là một phần của công việc sáng tạo nội dung, tạo ra áp lực khiến cho bản thân đôi khi có phần khá stress. Nếu như ngày trước mình có thể 2,3 ngày đăng 1 video trên Youtube thì giờ đây với TikTok đòi hỏi phải xuất hiện với tần suất lớn hơn. Ví dụ như trong 1 tuần, 7 video cần được đăng giống như 7 deadline mà mình phải làm, đó là một khối lượng đè nặng lên trí sáng tạo của mình. Bởi vậy mình đáng giá độ khó của 2 giai đoạn này là 50:50.
Anh bắt đầu công việc này bởi đam mê bản thân, vậy ở thời điểm hiện tại anh vẫn làm hoàn toàn ngẫu hứng hay anh đã xây dựng nên một chiến lược bài bản?
Có một điều rất thú vị là mình đã từng xem nhiều kênh, nhiều video, nhiều bài viết họ phân tích chiến lược Duy Thẩm đã làm thế nào để nổi tiếng, hiện tượng này ra sao? Vì sao Duy Thẩm có thể làm được? Anh ấy đã sử dụng chiêu gì?,...Câu trả lời của mình cho tất cả những câu hỏi đó là mình hoàn toàn không có suy tính gì cả, chỉ đơn giản vì mình thích. Sau thời gian dài làm việc thì sáng tạo nội dung với mình trở thành một bản năng, mình biết tệp người xem của mình ra sao? Họ thích xem những nội dung gì thì mình sẽ tập trung làm những cái đó.
Từ khi mình bắt đầu làm nội dung cho đến bây giờ, mình luôn luôn làm những thứ mà mình thích và cảm thấy thú vị. Mình hay gọi những video mình làm là “no filter” - có nghĩa là khi mà mọi người xem video trên trên kênh của mình như thế nào thì ở ngoài đời mình hoàn toàn là như vậy. Sau đó thì mình luôn luôn giữ cái nội dung của mình vui vẻ, không tiêu cực, không dramma, dễ tiếp cận thoải mái khi xem. Nếu như gọi là chiến lược thì đó chính là chiến lược của mình: gần gũi nhất có thể, không xa lạ và nó đúng thật là mình.
Có phải đó là lý do anh đưa cả những video “idol đưa vợ đi đu idol” lên kênh?
Bên cạnh các video giải trí, mình và vợ mình khá đồng điệu về sở thích âm nhạc, bởi vậy trên các kênh của mình có khá nhiều những video mình đưa vợ đi “đu” idol. Công việc này khiến mình đánh đổi thời gian bên gia đình, bên vợ khá nhiều, chính vì vậy mà những món quà, những chuyến đi đu idol cũng là những điều mình muốn dành cho vợ để bù đắp những quãng thời gian đó. Bên cạnh lý do sở thích và chiều vợ thì đây cũng là một nguồn nội dung rất hay.
Mình muốn đưa đến khán giả những video no filter, cuộc sống mình ở ngoài như thế nào thì mình sẽ chia sẻ lên video y hệt như vậy, vừa là cách để xả stress, vừa biến nó thành một phần nội dung cho mọi người xem cuộc sống vợ chồng mình thế nào? Tận hưởng ra sao… nếu như tận dụng được những giây phút nào để mà giải trí lại còn giúp ích công việc nữa thì mình sẽ tận dụng hết.
Từ một YouTuber trở thành một TikToker mang đến cho anh trải nghiệm gì? TikTok đối với anh có ý nghĩa như thế nào?
TikTok thực sự là một cuộc cách mạng, một cơn gió rất là lớn làm rung chuyển hết tất cả mọi thứ không chỉ riêng mình mà cả những người làm sáng tạo nội dung lâu năm. Đối với mình TikTok vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội.
Khi TikTok còn mới, mình đã đặt ra câu hỏi là liệu có nên tham gia vào nền tảng này không khi đã quen với việc quay những video dài đến 7,8 phút hoặc hơn. Nếu như tham gia sẽ là chuyển qua video dài chỉ có 1 phút, format khác, đổi sang quay video dạng dọc,...thì không biết phải làm thế nào, có xu hướng ra sao và câu trả lời đã có ngay sau đó.
GenZ giờ đây là thế hệ dẫn đầu, họ dùng nền tảng nào thì đó sẽ là nền tảng hot nhất, họ quyết định cái gì sẽ là trending. Điều đó đặt ra một câu hỏi rất lớn rằng làm sao để chuyển đổi được từ dạng nội dung oldschool - nội dung dạng cũ sang một dạng hoàn toàn mới. Rất nhiều người làm sáng tạo nội dung cùng thời với mình giờ đây vẫn đang rất chật vật để tìm cách chuyển sang dạng nội dung ngắn gọn, xúc tích và phù hợp với các bạn trẻ hơn.
Giờ đây hầu như ai cũng dùng TikTok và độ lan tỏa của mạng xã hội này rất cao. Dù tuổi đời rất trẻ thế nhưng chỉ sau 1,2 năm xuất hiện đã khiến 2 ông lớn là Youtube và Facebook phải thay đổi với Youtube short và Facebook reel, chỉ cần như vậy thôi là đủ hiểu rằng nhà sáng tạo nội dung không thể đứng ngoài và bắt buộc phải đi theo xu hướng này: Hoặc thay đổi, hoặc bị quên lãng. Mình cảm thấy rất may là mình đã thay đổi, vượt qua thách thức và biến nó thành cơ hội. TikTok đối với mình ở thời điểm hiện tại giúp mình lan tỏa được nhiều hơn, rộng hơn và nó giúp mình nâng cao độ nhận diện lên rất nhiều.
Vậy bài học ở đây là gì?
Từ sự xuất hiện của TikTok, cá nhân mình giờ đây chuẩn bị tâm thế luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn đón nhận những cái mới. Đó là một trong những yếu tố mà mình nghĩ nhà sáng tạo nội dung nào cũng cần phải có, sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi trước bài học rất lớn của TikTok: thị trường luôn luôn có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
GenZ bây giờ là thế hệ của sự sáng tạo, nhanh nhạy, công nghệ rất là nhanh, nhiều ý tưởng. Trong một thế giới như vậy cần trang bị cho mình một sự thích nghi cao nhất có thể. Quan trọng hơn nữa là không bảo thủ, không từ chối những cái mới và luôn trong một tâm thế sẵn sàng. Mình luôn luôn sẵn sàng thay đổi, chờ đợi những cái nền tảng mới, những cái cơn gió mới như vậy.
Ở góc độ thu nhập, anh so sánh Youtube và TikTok thế nào?
Là người làm nội dung, thế nên mình không bỏ nền tảng nào mà mình sẽ chia đều sự sáng tạo và chu trình làm video của mình lên tất cả nền tảng. Tùy thuộc vào dạng nội dung mà mọi người muốn làm, ví dụ như review xe cộ hay review dịch vụ du lịch,...những thứ cần phải nội dung dài thì Youtube mới đáp ứng được.
Tuy nhiên với những nội dung cần giải trí nhanh, nội dung ngắn thì TikTok lại đáp ứng được rất là tốt với độ lan tỏa rất là cao. Thế nên mình đánh giá TikTok có hiệu quả về mặt truyền thông đến người trẻ cao hơn. Với cá nhân mình ở thời điểm hiện tại, TikTok cũng đang tạo ra thu nhập hơn.
Nhiều người nói nghề review có tuổi nghề ngắn, nổi tiếng cũng sẽ chỉ có thời. Anh có từng nghĩ về “tuổi nghề” của mình hay chưa?
Mình đã bước vào năm thứ 7 trong nghề, hiện tại mình không biết rằng liệu đến bao giờ khán giả họ sẽ không còn hứng thú với mình, sẽ không theo dõi mình nữa. Tuy nhiên chừng nào mọi người còn quan tâm thì bản thân sẽ cố gắng hết sức có thể đem lại những nội dung thú vị nhất, giải trí nhất, vui vẻ nhất đến với mọi người.
Mình nghĩ công việc này sẽ có tuổi đời, nhưng tuổi đời nó dài hay ngắn nó lâu hay ít, độ quan tâm nó có giảm lần theo thời gian hay không thì sẽ phụ thuộc vào chính bản thân người review, chính bản thân người sáng tạo nội dung, họ có còn cho người xem lý do để mà xem mình nữa không?
Đó sẽ là bài toán mà bất cứ reviewer nào cũng sẽ phải tìm lời giải đáp, với mỗi người sẽ có một lời giải khác nhau, thậm chí có người thì giải nhầm, giải sai. Đối với mình, món ăn ngon đến mấy, ăn mãi thì cũng chán dần. Bởi vậy mình phải có sự thay đổi, điều chỉnh gia vị. Độ quan tâm của bạn sẽ tỉ lệ thuận với việc bạn có thể thay đổi món ăn đấy ra sao? Giữ cho món ăn đó có độ ngon đến khi nào?
Được biết gần đây anh được mời tham gia hội đồng đề cử Better Choice Awards, điểm thú vị nhất ở giải thưởng lần này đối với anh là gì?
Khi nhận được lời mời vào hội đồng chuyên môn đánh giá cho giải thưởng lần này mình thấy rất vinh dự sau quãng thời gian 7 năm tiếp cận với công nghệ. Ở giải thưởng lần này, điều đầu tiên mình thấy sự đa dạng, phong phú với rất nhiều hạng mục giải khác nhau, từ đời sống, công nghệ tiêu dùng, xe hơi đến những giải pháp công nghệ mới,…rất đa dạng. Bên cạnh đó là một sự trẻ ở trong đó khiến cho bản thân mình thấy rất thu hút.
Anh có thể hé lộ đôi chút về điểm số đánh giá mà anh dành cho hạng mục mình đã chấm. Đâu là mẫu sản phẩm được anh đánh giá cao nhất trong các đề cử này?
Mình tham gia đánh giá cho sản phẩm công nghệ kiến tạo xu hướng, mình tập trung đánh giá cao những công nghệ khiến cho cuộc sống hàng ngày của mình thay đổi, trong đó mình chấm điểm cao nhất cho Chat GPT - một sản phẩm siêu hot trong thời gian gần đây với cả 2 mặt tiêu cực và tích cực.
Về mặt tích cực, Chat GPT khiến cho rất nhiều thứ ngày xưa cực kỳ khó trở giờ đây trở nên vô cùng đơn giản. Giờ đây chỉ với vài lệnh đã có thể có một bức ảnh, một bài văn hoàn chỉnh và ứng dụng rất nhiều công việc khác khiến cho cuộc sống hàng ngày trở nên dễ dàng hơn. Mình nghĩ nó sẽ là một cái xu hướng về lâu dài. Do đó thì đấy sẽ là những cái hạng mục mà mình cá nhân mình sẽ đánh giá rất là cao.
Theo anh, đâu là điểm làm nên sự khác biệt trong hệ thống giải thưởng Better Choice Awards? Bộ tiêu chí của giải thưởng đã đáp ứng yêu cầu tìm ra sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu người dùng chưa?
Một điểm khác biệt là mình thấy ở giải thưởng này là có một sự cân bằng. Hội đồng chuyên môn của giải thưởng này đều là những người rất là uy tín, có tuổi đời lâu năm trong nghề khiến mình rất ấn tượng khi xem danh sách hội đồng, tạo ra một sự tin cậy nhất định.
Ngoài việc có ý kiến từ hội đồng chuyên môn, giải thưởng lần này có sự tham gia của khán giả giúp trung hòa hơn: ý kiến chuyên môn về mặt kỹ thuật và ý kiến đại chúng kết hợp lại sẽ dung hòa và tạo ra một nguồn tham khảo rất hữu ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt là những ai đang có ý định mua sắm, trải nghiệm dịch vụ/công nghệ hoặc mua xe,...và đặc biệt hơn nữa là với các bạn trẻ. Giải thưởng lần này có giá trị tham khảo rất cao và đó là điểm đặc biệt mình đánh giá ở giải thưởng này.
Các tiêu chí phía Ban tổ chức đưa ra rất chi tiết và khoa học. Nếu mình có thể thay đổi thì mình sẽ cho thang điểm để mọi người bình chọn rộng hơn một chút với những hạng mục còn khiến cho mình băn khoăn và hơi khó để chấm điểm. Do đó mình mong muốn hệ thống chấm điểm chi tiết hơn thì có lẽ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên nhìn chung mình khá là hài lòng với tiêu chí cũng như giải thưởng lần này.
Nếu được bổ sung thêm hạng mục giải thưởng, anh sẽ muốn bổ sung giải thưởng gì?
Với tư cách một reviewer công nghệ và được tiếp xúc với các sản phẩm mới mỗi năm, mình nhận thấy có một điều người tiêu dùng quan tâm là sản phẩm mới ra mắt thay đổi thế nào so với sản phẩm cũ. Bởi vậy mình mong muốn có thêm hạng mục “Sản phẩm có nhiều cập nhật đáng giá nhất”. Thị trường công nghệ giờ đây đang bão hòa, các hãng công nghệ có phần hơi “lười” trong việc nâng cấp sản phẩm. Có thể chỉ với vài tính năng nhỏ thôi cũng đã trở thành một sản phẩm mới với mức giá khá cao.
Chính vì vậy nếu có thể, mình mong muốn bổ sung hạng mục này để giúp ích cho người dùng khi không phải ai cũng có cơ hội để tiếp xúc sản phẩm mới và đưa ra được quyết định đúng đắn khi mua hàng. Điều này cũng khiến cho cái giải thưởng thú vị hơn, sôi động hơn và khiến cho nhiều người quan tâm hơn, mình nghĩ nếu có thể bổ sung hạng mục này sẽ khá là thú vị.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!