Elizabeth Banks được truyền thông Mỹ đánh giá là nữ diễn viên tài sắc vẹn toàn. Cô từng đảm nhận vai khách mời trong phim “Sex and the city” - một một series phim truyền hình hài kịch lãng mạn kinh điển của HBO. Trong phim, Elizabeth đóng vai nhân vật tên Catherine, là vị hôn thê của một chàng trai mà nhân vật Charlotte (do Kristin Davis thủ vai) thích.
Không chỉ thu hút khán giả bằng khả năng diễn xuất trên màn ảnh, Elizabeth còn gây ấn tượng với công chúng bằng vẻ ngoài xinh đẹp, vóc dáng quyến rũ. Đến nay, dù đã 50 tuổi nhưng nữ diễn viên vẫn giữ được vóc dáng thon thả, không mỡ thừa.
Bí quyết dưỡng nhan sắc của sao phim Sex and the city: Không ăn thực phẩm chứa gluten
Chia sẻ với tạp chí Women’s Health, Elizabeth cho biết: “Tôi có chế độ ăn uống lành mạnh và may mắn, chức năng trao đổi chất của cơ thể tôi rất tốt. Khi muốn siết cân (để phục vụ cho công việc), tôi sẽ cắt giảm thêm một số loại thực phẩm trong chế độ ăn của mình”. Cụ thể, Elizabeth áp dụng chế độ ăn không gluten. "Tôi sẽ không ăn các thực phẩm chứa gluten chẳng hạn như bánh mì, mì ống, các sản phẩm chứa bột mì,... Và để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, tôi sẽ tăng cường ăn rau và các thực phẩm chứa nhiều protein”, Elizabeth nói.
Tiến sĩ Brooks Cash, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trường Y McGovern tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở Houston, Mỹ cho biết chế độ ăn không chứa gluten có thể đem đến một số lợi ích cho sức khỏe chẳng hạn như tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa, giảm cân.
Gluten là loại protein chính có trong lúa mì và nhiều loại ngũ cốc khác nhau. Về bản chất, gluten là một tập hợp lớn bao gồm hàng trăm loại protein riêng biệt có mối liên hệ với nhau, mà quan trọng nhất, chủ yếu nhất là gliadin và glutenin. Protein chính có trong lúa mạch đen (rye) là secalin, trong lúa mạch (barley) là hordein, và trong yến mạch (oats) là avenins, và chúng đều được đề cập chung dưới cái tên gluten.
Lúa mì là một trong những loại ngũ cốc được gieo trồng, thu hoạch, tiêu thụ và giao dịch thương mại lớn nhất thế giới. Trong thành phần của lúa mì, protein chiếm từ 8% tới 15%, trong đó albumin hoặc globulin chỉ chiếm từ 10% tới 15%, còn gluten chiếm từ 85% tới 90% (mà chủ yếu là hai loại protein gliadin và glutenin). Các giống loài lúa mì và các loại ngũ cốc có họ với lúa mì có thành phần protein khác nhau, ở cả thành phần cấu thành cũng như sự phân chia tỉ lệ của các protein thuộc nhóm gluten. Bánh mì và các sản phẩm như pasta, bánh ngọt, bánh kem, bánh quy,... đa phần được làm từ bột mì, do đó trong thành phần sẽ chứa gluten.
Như đã đề cập phía trên, gluten là thành phần protein chính của lúa mì cũng như các loại ngũ cốc có họ với lúa mì, đồng thời gluten cũng có mặt rộng rãi trong các sản phẩm thực phẩm với nhiều vai trò khác nhau: Sử dụng để làm chất làm đầy trong các loại kẹo, kem, bơ, gia vị, nhân nhồi, nước ướp, nước chấm, nước sốt,... Sử dụng để làm chất làm đầy và chất bao bọc trong chế biến mứt, kẹo,... và trong một số sản phẩm dược phẩm. Sử dụng trong các sản phẩm thịt chế biến, hải sản hoàn nguyên và các loại thịt chay giả mặn (đây là nhóm sản phẩm ít người nghĩ tới chúng có chứa gluten). Bên cạnh đó gluten còn được tách chiết từ lúa mì hoặc được biến đổi để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tăng cường cấu trúc liên kết trong các sản phẩm bánh ngọt công nghiệp, hay tăng hàm lượng protein cho các sản phẩm bột mì,...
Gluten có mặt trong gia vị và một số thực phẩm: Lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch (lúa mì có rất nhiều giống khác nhau đều chứa gluten chẳng hạn như durum, einkorn, emmer, kamut, spelt,...); Ngô, gạo, diêm mạch (quinoa), tuy nhiên gluten trong những sản phẩm này dường như lại không gây phản ứng như gluten có trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch; Các loại bia (beer, ale, porter, stout) vì chúng thường chứa lúa mạch; Bánh mì; Lúa mì bulgur; Các loại bánh ngọt; Các loại kẹo; Ngũ cốc tổng hợp; Bánh thánh (communion wafer).... Cách đơn giản nhất để nhận biết sản phẩm nào có chứa gluten là đọc kĩ thành phần sản phẩm được liệt kê trên nhãn, và việc đọc nhãn sản phẩm là một hành động không thể thiếu đối với những người đang thực hiện chế độ ăn không có gluten.
Bí quyết dưỡng nhan sắc của sao phim Sex and the city: Không ăn đồ ăn vặt
Ngoài ra, Elizabeth không có thói quen ăn vặt. “Nếu bạn muốn đảm bảo rằng mình không tiêu thụ các loại đồ ăn vặt kém lành mạnh, cách tốt nhất là đừng mua chúng. Khi bước vào siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa, tôi sẽ mua hoa quả, chẳng hạn như chuối thay vì các loại bánh quy”, nữ diễn viên nói với Women's Health.
Theo trang Medicine Net, đồ ăn vặt chẳng hạn như bánh quy, kẹo, snack,... được đóng gói sẵn thường chứa nhiều calo, đường, chất béo bão hòa, muối và các chất phụ gia. Do đó, tiêu thụ đồ ăn vặt trong thời gian dài có thể gây ra một số vấn đề như thiếu hụt dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư hoặc chứng rối loạn ăn uống.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt, nếu sử dụng chỉ nên ăn 1-2 lần một tuần.