Trong hai buổi họp đầu năm học 2024-2025, giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi thông báo với những phụ huynh đến dự về Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, nhấn mạnh "không có khoản thu nào mang tên 'quỹ lớp'". Khi lớp cần kinh phí để tổ chức hoạt động gì đó thì Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ tự tổ chức vận động các mạnh thường quân đóng góp.
Tuy nhiên, điều này không được công bố chính thức trên nhóm chat Zalo bằng văn bản cam kết, tất cả chỉ là những lời nói miệng của giáo viên. Để rồi sau buổi họp đầu năm ấy, theo thói quen cũ, một vài phụ huynh trong lớp lại nhiệt tình đòi hỏi lớp phải đóng tiền quỹ với lý do "tới khi cần là có ngay, không phải đợi vận động mất thời gian", mặc dù điều này hoàn toàn không đúng theo nội dung của Thông tư đã ban hành chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Số tiền quỹ lớp con tôi còn tồn từ năm trước là khoảng hơn 2,5 triệu đồng và số tiền đã chi trước đó là hơn 14,6 triệu đồng, tức là tổng tiền quỹ hơn 17 triệu đồng một năm. Xem kỹ lại báo cáo của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thì khoản chi trực tiếp liên quan đến việc học của các con như photo các bài ôn tập chỉ khoảng 1,3 triệu đồng, tỷ lệ 8,85%. Còn lại là các khoản mua cây xanh tặng trường, cây xanh trong lớp học, trang phục cho các bé diễn văn nghệ ngày 20/11, hoa để bàn 20/11, quỹ cha mẹ học sinh trường (13,6%) , quà tặng hai cô giáo (17%), quà tặng các bé, liên hoan cuối năm (32,5%), mâm trái cây giỗ tổ Hùng Vương...
Cây xanh năm nào phụ huynh cũng phải mua, tốn kém từ 1,5 đến 2 triệu đồng, trong khi ở trong khuôn viên trường cũng có nhiều cây xanh lớn nhỏ. Tuy nhiên, việc chăm sóc cây xanh lại được tổ chức hời hợt, qua loa. Năm học đầu tiên, tôi cũng góp một số cây xanh, hoa kiểng tặng lớp và tặng trường. Nhưng mỗi ngày nhìn thấy chậu cây mình bị héo úa dần rồi tàn mất bởi chẳng ai quan tâm ngó ngàng, chăm sóc, tôi thấy rất buồn. Đây là sự lãng phí rất lớn bởi hơn 30 lớp học năm nào cũng được vận động chi khoản này, có năm cô giáo tự mua trước rồi báo phụ huynh hoàn tiền, nhưng sau tất cả cây lại tàn, hoa lại héo.
Ngoài ra, trước khi nhập học, nhà trường lúc nào cũng phát động đủ thứ đầu mục cần phụ huynh mua sắm, yêu cầu ủng hộ tự nguyện theo kiểu bắt buộc. Nhìn qua báo cáo thu chi hằng năm, tôi thấy hoàn toàn không có hoạt động tổ chức bổ trợ kiến thức và việc học của trẻ ở trường mà chỉ là những phong trào bên lề, chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện học hành cả. Suốt 5 năm đi họp phụ huynh cho con, năm nào tôi cũng được nhắc đóng những khoản mang danh "tự nguyện" này.
Hoạt động của Ban đại diện phụ huynh cũng chỉ là thay mặt lớp đi họp với Ban giám hiệu nhà trường và tổ chức vận động thu tiền, chi tiêu là chính. Vậy nên, chỉ cần nhà trường thông báo toàn bộ những nội dung đó lên website để tất cả phụ huynh vào đọc rồi bất cứ ai có thắc mắc, ý kiến gì thì gửi câu hỏi đến giáo viên hoặc Ban giám hiệu là xong. Những câu trả lời cũng cần công khai rõ ràng để toàn thể phụ huynh đều đọc và nắm được.
Các công cụ miễn phí trên Internet rất tiện dụng để công bố thông tin và trao đổi qua lại giữa gia đình và nhà trường. Như vậy, chẳng cần có Ban đại diện cha mẹ học sinh giống như cánh tay nối dài của nhà trường để vận động thu tiền.
Khi đọc những thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM về các khoản thu đối với phụ huynh học sinh trong dịp đầu năm học, tôi nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua, sau hai buổi họp phụ huynh đầu năm học của con, tôi vẫn thấy "bình mới rượu cũ" khi mà chưa có sự thay đổi rõ ràng, minh bạch. Nội dung cuộc họp giáo viên nói qua loa, sơ sài về chuyện học ở lớp. Còn Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn nhanh nhẹn, tích cực vận động đóng tiền quỹ lớp, ủng hộ các chủ trường đóng góp từ giáo viên, nhà trường.