Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam |
Tiến sĩ Từ Ngữ |
Nhiều sai lầm của phụ huynh khi cho con ăn dặm làm bé chậm lớn, dễ mắc các bệnh về tiêu hóa. Những thông tin dưới đây sẽ giúp cha mẹ tránh được những thiếu sót trong giai đoạn ăn dặm của trẻ và những nguyên tắc để cho bé ăn dặm đúng cách.
1. Những sai lầm thường mắc khi cho bé ăn dặm
Cho trẻ ăn dặm không đúng thời điểm
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra khuyến cáo rằng chỉ nên cho bé ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bổ sung tinh bột sẽ giúp trẻ mau lớn, nhanh lên cân hoặc vì một vài lý do khác mà cho con ăn dặm khi mới được 4-5 tháng.
Điều này là vô cùng sai lầm vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, khả năng tiêu hóa tinh bột còn kém. Việc nhận được quá ít chất dinh dưỡng có thể gây ra suy dinh dưỡng cho bé. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng nếu ăn dặm trước 4 tháng làm trẻ không ngủ ngon hơn về đêm.
Ngược lại, việc ăn dặm quá muộn (sau 6 tháng tuổi) có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bé, khiến trẻ phản kháng và không chịu ăn thức ăn đặc.
Khẩu phần ăn của trẻ nhiều đạm và ít rau
Một suy nghĩ không hề đúng là muốn cho con béo và khỏe thì phải ăn càng nhiều chất đạm như thịt, cá càng tốt. Điều này sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa, dễ dẫn đến chứng biếng ăn. Trong khẩu phần ăn của bé phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm là: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, rau củ cho bé ăn nhiều khi cũng chưa được lựa chọn một cách hợp lý. Trẻ phải được ăn phong phú các loại rau khác nhau thì mẹ lại hay chọn những loại quen thuộc như củ cải, cà rốt, su hào...Theo như các chuyên gia dinh dưỡng thì những loại rau tốt nhất cho trẻ em là loại rau có lá màu xanh sẫm và củ màu vàng.
Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Dùng nước xương (thịt) hầm nấu cháo cho bé
Nhiều phụ huynh cho rằng sử dụng nước hầm xương, hầm thịt để nấu cháo ăn dặm sẽ tốt cho bé vì chứa nhiều đạm và canxi. Tuy nhiên trên thực tế, nước xương và nước thịt hầm chỉ chứa nhiều nitơ, tạo vị thơm ngon cho món ăn. Trong khi các dưỡng chất cần thiết cho trẻ là canxi, protid sẽ vẫn còn lại trong xương, thịt vì khó hòa tan trong nước.
Ép con ăn nhiều và phải ăn hết khẩu phần
Điều này sẽ làm cho trẻ chán và sợ ăn. Khi cho ăn, cha mẹ cần phải căn cứ vào độ tuổi và nhu cầu năng lượng của trẻ để cung cấp một lượng thức ăn vừa đủ.
Bắt ép trẻ ăn nhiều sẽ làm bé chán và sợ ăn
Nghiền nhuyễn mọi thức ăn
Rất nhiều người nghĩ rằng nếu xay nhuyễn đồ ăn bằng máy xay sinh tố thì trẻ sẽ dễ nhai, dễ tiêu hóa và ăn được nhiều loại thực phẩm một lúc. Thế nhưng nếu cứ cho bé ăn đồ ăn xay nhuyễn trong thời gian dài thì trẻ chỉ có phản xạ nuốt, không được học nhai, từ đó không kích thích được dịch vị dẫn đến chán ăn, lười ăn. Ngoài ra, khi trẻ đã quen ăn thức ăn xay nhuyễn thì có thể dễ gây nôn trớ nếu ăn thức ăn thô, hơi lạo xạo.
Chỉ cho ăn nước, không ăn cái
Mặc dù sai lầm này đã ít người mắc phải hơn nhưng vẫn có phụ huynh ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu cho trẻ ăn vì cho rằng như thế là đủ chất hoặc sợ con bị hóc, nôn. Tuy nhiên, các chất dinh dưỡng và vitamin nằm trong xác thực phẩm là chủ yếu.
Chiều theo sở thích của con
Để chiều theo sở thích của bé, nhiều cha mẹ quên đi mất là phải cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Tuy nhiên. khi bé ăn một loại thực phẩm trong thời gian dài, bỏ qua các loại đồ ăn khác thì sẽ bị mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển trí não và thể chất.
Không cho hoặc cho rất ít dầu ăn
Điều này là sai lầm khiến trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ năng lượng. Trên thực tế, dầu ăn dễ tiêu hóa lại giàu năng lượng, giúp hòa tan các chất khác nhất là rất nhiều loại vitamin quan trọng giúp cơ thể dễ hấp thu.
Nấu một nồi cháo ăn cả ngày
Để thuận tiện, nhiều phụ huynh thường hay nấu một nồi cháo có đủ rau, thịt từ sáng rồi bảo quản trong tủ lạnh để bé ăn cả ngày. Việc này sẽ có thể làm cháo có mùi khó chịu, rau không còn thơm ngon và làm trẻ không thích ăn.
Lạm dụng gia vị
Khi nấu ăn cho trẻ nhỏ, nhất là cho bé dưới 1 tuổi thì việc nêm gia vị không đúng cách cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Nguyên nhân là do thận của bé chưa phát triển hoàn chỉnh. Nếu nêm mắm, muối hay các gia vị quá nhiều và thường xuyên sẽ tạo gánh nặng cho thận, lâu ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, hư thận, phù thũng, rối loạn nhịp tim, nặng hơn có thể làm tổn thương não bộ. Cách nêm gia vị vào thức ăn của trẻ hợp lý như sau:
- Trẻ từ 6-7 tháng tuổi: không nên nêm nếm bất kỳ một loại muối hay gia vị nào khác vào thức ăn của trẻ.
- Trẻ từ 8 tháng - 1 tuổi: chỉ nêm 1 chút khoảng 0,5 đến 1g muối mỗi ngày.
- Trẻ từ 1-3 tuổi: có thể cho dùng 1,5g muối/ngày vì giai đoạn này thận của bé đã khá hoàn chỉnh và có thể đào thải lượng muối thừa ra ngoài cơ thể tốt hơn so với dưới 1 tuổi.
Khi nấu ăn dặm cho trẻ thì không nên cho nhiều gia vị
Thời gian ăn kéo dài quá lâu
Không nên vì muốn con ăn hết khẩu phần mà kéo dài thời gian ăn. Điều này vừa làm cho thức ăn trở nên khó ăn, vừa khiến bé thêm chán. Ngoài ra, bữa ăn kéo dài làm cho trẻ chưa kịp cảm thấy đói đã đến bữa ăn sau. Việc lặp đi lặp lại như vậy sẽ làm bé càng ngày càng không muốn ăn. Thời gian cho một bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, kể cả khi trẻ mới ăn được ít.
2. Những nguyên tắc để cho trẻ ăn dặm đúng cách
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), việc cho trẻ ăn dặm cần chú ý những nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc “ngọt-mặn”: khi bắt đầu cho bé ăn dặm, thức ăn vị ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên vì có mùi vị giống với sữa mẹ. Cho trẻ ăn dặm bằng thức ăn vị ngọt trước rồi dần thay thế bằng vị mặn có nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
- Nguyên tắc “ít-nhiều”: đây là nguyên tắc giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với số lượng và thành phần thức ăn ngày càng đa dạng. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần lên sẽ làm cho trẻ có thể làm quen với thức ăn lạ, đảm bảo cho việc tiêu hóa và cung cấp đầy đủ các năng lượng và dinh dưỡng cần thiết để cho sự phát triển của bé.
- Nguyên tắc “loãng-đặc”: nguyên tắc này sẽ giúp trẻ không bị phản ứng khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của bé có thể tiêu hóa được những thức ăn phức tạp hơn.
- Nguyên tắc “tô màu chén bột”: bột cho bé ăn dặm cũng phải có đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng sau:
+ Nhóm đường bột: gạo, bột mì, bánh mì, bún, phở, ngô, khoai…
+ Nhóm đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các loại đỗ…
+ Nhóm chất béo: dầu, mỡ, bơ, pho mát, các loại hạt có dầu…
+ Nhóm vitamin và khoáng chất: rau củ, trái cây tươi...
- Nguyên tắc “không ép trẻ ăn”: nếu trẻ không muốn ăn nữa hoặc có phản ứng đối với việc ăn dặm thì cần thay đổi thức ăn dặm và cách cho ăn. Điều này sẽ giúp cho trẻ không bị căng thẳng đối với việc ăn dặm.