1. Thuốc giảm đau
Phụ nữ mang thai trong 4 tháng cuối thai kỳ được khuyến cáo không dùng thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen hoặc ketoprofen) và aspirin liều cao (liều lớn hơn 500 mg/ ngày) để giảm đau.
Nguyên nhân là do các tác dụng phụ ở người mẹ và thai nhi đã được chỉ ra khi sử dụng trong thời kỳ này. Nguy cơ tồn tại ngay cả với một liều duy nhất và ngay cả khi thai đủ tháng. Trong 5 tháng đầu tiên, nên tránh sử dụng chúng.
- Khi sử dụng để bôi ngoài da, thuốc có thể đi qua da và vào máu. Do đó, khiến thai nhi phải chịu những rủi ro tương tự như khi dùng những loại thuốc này bằng đường uống, đặc biệt là khi chúng được bôi lên bề mặt da rộng hoặc dưới băng. Không sử dụng các loại gel chống viêm này mà không có lời khuyên của bác sĩ.
- Trong trường hợp đau nửa đầu, chống chỉ định dùng các dẫn xuất ergot trong thời kỳ mang thai do tác dụng co mạch trên nhau thai và dây rốn, có hại cho thai nhi.
- Codein được sử dụng để giảm đau vừa đến nặng, chỉ nên dùng sau khi được tư vấn y tế và khi thật cần thiết. Nếu người mẹ được điều trị thường xuyên, ngay cả với liều lượng thấp, có thể xuất hiện hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ điều trị bằng liều cao ngay trước khi sinh, trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp.
Việc sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai cần được tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. (Ảnh minh họa)
2. Thuốc điều trị cúm
Thuốc được sử dụng để điều trị cúm có chứa thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được chống chỉ định nghiêm ngặt trong 4 tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, thuốc không được khuyến khích trong 5 tháng đầu của thai kỳ.
Điều trị bằng thuốc co mạch thông mũi (pseudoephedrine, phenylephrine) không được khuyến khích trong suốt thai kỳ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc có khả năng khiến thai nhi bị nhịp tim nhanh và tăng động.
3. Thuốc chống dị ứng
Thuốc kháng histamine có tác dụng an thần không được khuyến cáo trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Thuốc chỉ nên được kê đơn sau khoảng thời gian này nếu thực sự cần thiết. Sử dụng vào cuối thai kỳ có thể cần theo dõi đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
4. Thuốc kháng sinh
- Thuốc kháng sinh thuộc họ cyclin không được khuyến khích sử dụng trong 3 tháng đầu và chống chỉ định từ tháng thứ 4 của thai kỳ, do thuốc có thể làm thay đổi màu răng sữa nếu được dùng trong ba tháng cuối của thai kỳ.
- Thuốc kháng sinh thuộc họ aminoglycoside được dành riêng cho một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, nhưng chúng có thể gây độc cho thính giác và thận cho thai nhi.
- Thuốc kháng sinh quinolone thường chống chỉ định hoặc không được khuyến cáo. Tổn thương khớp đã được quan sát thấy ở trẻ em được điều trị sau khi sinh bằng quinolon. Tuy nhiên, độc tính này chưa được mô tả ở trẻ em của phụ nữ mang thai dùng quinolon.
Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị cho phụ nữ mang thai có xu hướng thuộc họ penicillin, cephalosporin và macrolide (ngoại trừ clarithromycin và roxithromycin).
5. Thuốc điều trị trứng cá
Isotretinoin (một dẫn xuất của vitamin A) là nguyên nhân gây ra dị tật nghiêm trọng cho thai nhi nếu dùng trong thời kỳ mang thai.
Do đó, bệnh nhân nữ thường được khuyên nên dùng các biện pháp tránh thai nghiêm ngặt trong vòng 1 tháng trước, trong và sau khi điều trị.
6. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp
Thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng angiotensin II chống chỉ định từ tháng thứ 4 của thai kỳ do gây độc cho thận của thai nhi. Thuốc không được khuyến khích trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Trong trường hợp mong muốn có thai, cần phải thay thế bằng một thuốc hạ huyết áp khác. Nếu có thai trong thời gian điều trị, cần nhanh chóng bắt đầu điều trị huyết áp.
Thuốc chống trầm cảm có thể gây nguy cơ dị tật tim bẩm sinh nếu dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
7. Thuốc điều trị rối loạn nhịp
Amiodarone chống chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai ở tháng thứ 4 của thai kỳ, do có nguy cơ bất thường tuyến giáp ở trẻ sơ sinh khi điều trị bằng chất này.
Thuốc chẹn beta có thể được kê đơn trong thời kỳ mang thai nếu cần. Nếu điều trị trước khi sinh, tác dụng của thuốc chẹn beta vẫn tồn tại trong vài ngày ở trẻ sơ sinh, có nguy cơ tim chậm và hạ đường huyết.
8. Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu đường uống (thuốc đối kháng vitamin K) thường được chống chỉ định cho phụ nữ có thai vì có tác dụng độc hại cho mẹ và thai nhi. Thuốc được thay thế bằng thuốc chống đông máu dạng tiêm (heparin) nếu có thể.
9. Thuốc chống mất ngủ
Thuốc ngủ không nên được sử dụng mà không có tư vấn y tế cho phụ nữ mang thai. Uống nhiều lần một loại thuốc ngủ thuộc họ benzodiazepine vào cuối thai kỳ có thể gây ra các tác dụng phụ liên quan đến các vấn đề về bú, khó thở… ở trẻ sơ sinh. Theo dõi trẻ sơ sinh được khuyến cáo trong 1 đến 3 tuần.
10. Thuốc chống trầm cảm
Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ có thể bị dị tật tim khi dùng thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu serotonine, bao gồm paroxetine và fluoxetine. Việc sử dụng paroxetine không được khuyến cáo, đặc biệt là trong giai đoạn đầu mang thai.
11. Thuốc chống động kinh
Axit valproic là chất chống động kinh có tác dụng gây quái thai mạnh nhất. Thuốc có thể dẫn đến dị tật, đặc biệt là tim, khung xương, đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh. Trừ khi có chỉ định khác, nên tránh dùng thuốc trong thời kỳ mang thai và việc sử dụng thuốc ở phụ nữ phải kèm theo biện pháp tránh thai hiệu quả.
Các thuốc chống động kinh khác (carbamazepine, phenobarbital, topiramate) có khả năng gây ra nguy cơ dị tật. Do đó, với trường hợp mong muốn mang thai có thể yêu cầu bác sĩ đánh giá lại phương pháp điều trị chống động kinh hiện tại. Các thuốc điều trị nên giảm xuống một hoặc hai loại thuốc, với liều thấp nhất có thể.
12. Thuốc điều trị ung thư
Bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị liệu ung thư phải áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả trong suốt thời gian điều trị và trong thời gian từ 3 đến 6 tháng sau khi ngừng điều trị.