Làm mẹ là thiên chức cao cả của mỗi người phụ nữ, và rồi ai cũng sẽ đến thời điểm đó để xây dựng cho mình một tổ ấm trọn vẹn. Thế nhưng cột mốc của mỗi người là khác nhau, tuỳ vào lựa chọn của chúng ta sẽ là sớm hay muộn để làm mẹ. Còn tôi, tôi đã quyết định "lên chức" khá muộn.
Lúc trước, mẹ là người luôn thúc giục tôi lấy chồng sinh con sớm, vì như vậy thì về sau sẽ khoẻ hơn bởi con cái đều đã lớn. Nhưng tôi một mực không đồng ý, giai đoạn đó tôi đã lựa chọn sự nghiệp. Tôi nghĩ mình còn trẻ, và khoảng tuổi 20 sẽ là thời điểm nhiệt huyết nhất để sống, kiếm tiền hết sức và dĩ nhiên cũng sẽ chơi hết mình. Tự dưng bảo tôi làm mẹ, tôi thực sự hoang mang và chưa sẵn sàng.
Ảnh minh hoạ
Và rồi, đợi mọi thứ ổn định hơn, tôi đã kết hôn khi bước vào độ tuổi 32 và sinh con một năm sau đó. Sợ sinh muộn sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ nên tôi và chồng đã quyết định sinh liên tiếp 2 nhóc tỳ trong vòng 3 năm. Như thế thì chăm một lần sẽ tiện hơn, nhưng tôi nào có ngờ chuỗi ngày ác mộng của mình đã bắt đầu từ đó.
Trong khi các bạn tôi qua 30 đã thoải mái đi du lịch hết chỗ này đến chỗ khác, khoe ảnh đi mua sắm ngập tràn mạng xã hội thì tôi phải vật vã chăm con ngày đêm. Cô bạn thân tôi - hoa khôi lớp, 22 tuổi sinh con xong giờ thon thả, xinh đẹp, nhàn nhã, còn tôi ngày càng xuống sắc, đẻ xong là xồ xề tối mặt. Một đứa đã đành, đằng này 2 đứa đều xêm nhau nên dĩ nhiên cực nhọc sẽ gấp đôi, mặc dù tôi biết để được sung sướng như hiện tại thì các bạn tôi cũng đã từng trải qua khoảng thời gian nhọc nhằn giống như mình.
Thế nhưng có một điểm khác nhau rất rõ mà đến bây giờ tôi mới nhận ra đó là, sức khoẻ của một bà mẹ 30 làm sao có thể so sánh với các bà mẹ 20 đầy sức khoẻ, sức trẻ cơ chứ. Có lẽ vì khi còn trẻ tôi đã chăm chỉ kiếm tiền, làm việc cật lực nên sức khoẻ cũng giảm đi ít nhiều và sau 30 tuổi, trải qua 2 lần sinh liên tiếp, tôi nghĩ cơ thể mình giờ đây chỉ còn dưới 50% năng lượng.
Tôi thực sự mệt mỏi với chuỗi ngày làm mẹ bỉm hiện tại. Nếu sinh sớm hơn thì tôi đã được nhờ ông bà giống như các bạn mình có con khi còn trẻ. Chứ sinh muộn thế này, ông bà cũng khó mà giúp được bởi họ cũng lớn tuổi rồi, phải để ông bà nghỉ ngơi hưởng tuổi già.
Ảnh minh hoạ
Mặc dù tôi hoàn toàn có tiềm lực kinh tế để thuê bảo mẫu, nhưng các con còn nhỏ mà giao hết 2 đứa cho bảo mẫu tôi lại không yên tâm. Dù sao thì thời nay có rất nhiều vấn đề nguy hiểm tồn tại ở xung quanh, nhất là lòng người khó đoán, nhỡ chẳng may các con trở thành nạn nhân của những điều này thì tôi sẽ không sống nỗi mất thôi.
Sinh con trễ như thế, đợi lo cho chúng nó đến đủ 18 tuổi thì chắc tôi đầu đã bạc phơ và răng rụng gần hết. Đến lúc đó còn sức đâu mà chơi bây giờ, càng nghĩ tôi lại càng ngán ngẩm và hụt hẫng với quyết định sai lầm của mình trong quá khứ. Giờ nếu được chọn lại thì tôi sẽ chọn làm mẹ sớm hơn...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Sự khác biệt giữa việc làm mẹ ở tuổi 20 và làm mẹ ở tuổi 30:
- Sức khỏe và năng lượng
Phụ nữ ở tuổi 20 thường có sức khỏe tốt hơn và dồi dào năng lượng hơn. Cơ thể họ có thể dễ dàng đối phó với những thay đổi liên quan đến mang thai, sinh nở và nuôi dạy con nhỏ. Họ thường có thể duy trì hoạt động liên tục trong nhiều giờ mà không cảm thấy quá mệt mỏi.
Ngược lại, phụ nữ ở tuổi 30 có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, đau nhức, căng thẳng,... do tuổi tác, cơ thể của họ không còn dẻo dai và linh hoạt như trước. Việc nuôi dạy con nhỏ có thể gây ra nhiều vất vả hơn.
- Tài chính và sự ổn định
Phụ nữ ở tuổi 30 thường đã có sự nghiệp ổn định, thu nhập cao hơn và có nền tảng tài chính vững chắc hơn. Họ có thể cung cấp tốt cho con cái về mọi mặt.
Ngược lại, phụ nữ ở tuổi 20 thường còn đang trong quá trình xây dựng sự nghiệp, thu nhập chưa ổn định. Họ phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính khi nuôi dạy con cái.
- Kinh nghiệm và sự trưởng thành
Phụ nữ ở tuổi 30 thường có nhiều kinh nghiệm sống và sự trưởng thành hơn. Họ có cách tiếp cận khoa học, bình tĩnh và kiên nhẫn hơn trong việc nuôi dạy con. Họ dễ dàng đối phó với các tình huống khó khăn.
Ngược lại, phụ nữ ở tuổi 20 thiếu kinh nghiệm nuôi dạy con, thường gặp nhiều hoang mang, lo lắng và không biết cách xử lý các tình huống phức tạp.
Phụ nữ nên chuẩn bị những gì để sẵn sàng cho vai trò làm mẹ?
- Chăm sóc sức khỏe: Khám sức khỏe định kỳ và điều trị bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trước khi mang thai. Bổ sung axit folic và các vitamin cần thiết cho giai đoạn mang thai. Duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi và quản lý stress hiệu quả.
- Chuẩn bị tài chính: Lập kế hoạch tài chính cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, bao gồm các khoản chi phí như y tế, giáo dục, thực phẩm, quần áo,... Tích lũy quỹ dự phòng để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Xem xét các chính sách hỗ trợ của chính phủ hoặc cơ quan bảo hiểm.
- Tích lũy kiến thức và kỹ năng: Học hỏi các kiến thức về thai kỳ, chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi dưỡng trẻ. Tham gia các lớp học, đọc sách hoặc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Thực hành các kỹ năng cơ bản như tắm, cho bé bú, thay tã,... Xây dựng mạng lưới hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng.
- Chuẩn bị về tinh thần: Tìm hiểu về các thay đổi cảm xúc và thể chất trong quá trình mang thai và sau sinh. Thảo luận với gia đình về các mong đợi, lo lắng và trách nhiệm của vai trò làm mẹ. Tạo ra một môi trường gia đình ổn định và hỗ trợ. Xây dựng kế hoạch tự chăm sóc bản thân để duy trì sức khỏe tinh thần.