Em bé chào đời nhỏ như ống tiêm, tưởng hết hy vọng nhưng không ngờ...

Những trường hợp bé sinh non với cân nặng rất nhẹ được cứu sống thành công đang tiếp thêm động lực cho nhiều gia đình sinh con thiếu tháng.

Trẻ được gọi là sinh non nếu chào đợi khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ. So với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh như khuyết tật phát triển, bại não, khiếm thị và khiếm thính cao hơn. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và thậm chí nếu trẻ sinh sớm dưới 25 tuần thì tỉ lệ sống sót sẽ rất thấp. Vậy nhưng vẫn có những trường hợp kì tích bé sinh "siêu non" và có cân nặng vài lạng vẫn sống sót thành công như dưới đây. 

Em bé nhẹ nhất thế giới, chào đời nặng hơn 2 lạng 

Vào đầu năm 2020, thời điểm chào đời ở bệnh viện Singapore, bé gái Kwek Yu Xuan chỉ nặng 212 g, trọng lượng tương tự một quả táo, tức nhẹ cân nhất thế giới. Sau hơn 1 năm được chăm sóc, bé được xuất viện.

Em bé chào đời nhỏ như ống tiêm, tưởng hết hy vọng nhưng không ngờ... - 1

Bé gái chào đời với cân nặng 212g, được ghi nhận là nhẹ nhất thế giới.

Đối với trường hợp bé Yu Xuan, sinh non ở tuần thứ 25, các bác sĩ Singapore cho rằng khả năng sống sót thấp. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra. Bệnh nhân nhí được xuất viện tháng 7/2021 với trọng lượng khỏe mạnh hơn là 6,3 kg.

Bé Yu Xuan trở thành trường hợp nhẹ cân nhất vào thời điểm chào đời và xuất viện thành công. Theo thống kê chưa cập nhật của Đại học Iowa (Mỹ), trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất thế giới hiện nay là một em bé ở Đức, nặng 230 g khi sinh vào năm 2016.

Em bé chào đời nhỏ như ống tiêm, tưởng hết hy vọng nhưng không ngờ... - 2

Em bé xuất viện sau 13 tháng được chăm sóc đặc biệt.

Bé Yu Xuan được điều trị trong khu chăm sóc bệnh nhi đặc biệt suốt 13 tháng, và phải dựa vào nhiều máy móc cũng như các biện pháp điều trị để kéo dài sự sống.

Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore gọi bé Yu Xuan là “tia sáng của sự hy vọng trong bối cảnh tối tăm của dịch bệnh”. Và việc có thể nuôi sống bé thật sự là kỳ công của y học.

Cậu bé sinh non nhất thế giới sống sót kỳ diệu

Đài BBC (Anh) đưa tin Curtis Means sinh tại Birmingham, Alabama (Mỹ) vào năm 2020 và chỉ nặng 420 gram. Kỷ lục Thế giới Guinness xác nhận Curtis, nay đã 16 tháng tuổi, là em bé sinh non nhất thế giới sống sót.

Một thai kỳ hoàn chỉnh thường kéo dài 40 tuần, như vậy Curtis đã sinh sớm đến gần 19 tuần. Mẹ của Curtis, cô Michelle Butler có cơn đau đẻ và được chuyển đến bệnh viện vào ngày 4/7/2020. Cô hạ sinh cặp sinh đôi Curtis và C'Asya vào trưa ngày hôm sau. Tuy nhiên không may là C'Asya qua đời ngày 6/7.

Em bé chào đời nhỏ như ống tiêm, tưởng hết hy vọng nhưng không ngờ... - 3

Bé Curtis chào đời "siêu non" ở tuần 21 và chỉ có 1% khả năng sống sót.

Với chưa đầy 1% khả năng sống sót, Curtis đã làm nên điều kỳ diệu. Cậu bé không còn phụ thuộc vào máy trợ thở sau 3 tháng và được xuất viện vào tháng 4 năm nay. Các nhà trị liệu đã giúp Curtis học thở và sử dụng miệng để ăn.

Curtis được về nhà gặp 3 anh chị của bé sau 275 ngày trong bệnh viện. Cậu bé vẫn cần oxy bổ sung và ống dẫn thức ăn nhưng các bác sĩ đánh giá sức khỏe của Curtis khá ổn định.

Bác sĩ Brian Sims, người giám sát ca sinh này chia sẻ: “Tôi đã có 20 năm làm việc và đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một em bé nhỏ tuổi và mạnh mẽ như vậy. Có điều gì đó rất đặc biệt về Curtis”.

Bé sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam, nhỏ như ống kim tiêm 

Không chỉ trên thế giới, ở Việt Nam cũng đã có những trường hợp nuôi thành công trẻ sinh non với cân nặng rất nhỏ. Như tháng 9/2021, bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã thông tin chăm sóc, nuôi dưỡng thành công bé sinh non nhẹ cân nhất từ trước đến nay tại Việt Nam - chỉ nặng 0,4kg khi chào đời.

Ra đời chỉ vỏn vẹn 0,4kg, bé gái T.T.A., chỉ nhỏ bằng chiếc xi lanh 50ml, nằm gọn trong lòng bàn tay của các nhân viên y tế. Bé được mổ đẻ ở tuần thai thứ 27 vì chậm phát triển trong tử cung, có dấu hiệu suy thai và mẹ bé mắc biến chứng tiền sản giật.

Em bé chào đời nhỏ như ống tiêm, tưởng hết hy vọng nhưng không ngờ... - 4

Em bé chào đời với cân nặng 0,4kg, nhỏ như ống kim tiêm.

Ngay sau khi mổ lấy thai, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh, cùng nhiều phương pháp chống suy hô hấp và đặc biệt là chống nhiễm khuẩn nhiều tầng để cứu lấy sinh linh bé nhỏ. Việc chăm sóc một em bé chỉ nặng 0,4 kg, cánh tay nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn vô cùng khó khăn, khi phải nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.

Đến ngày thứ 15, bé mới có thể ăn bữa đầu tiên qua đường miệng. Hơn 3 tháng, bé A. đã tăng lên 1,8kg. Thiên thần nhỏ đã có thể tự thở khí trời, ăn 200ml sữa mỗi ngày và bắt đầu thể hiện những cảm xúc đáng yêu: cười tự phát hay biểu cảm sự dễ chịu khi được massage.

Em bé chào đời nhỏ như ống tiêm, tưởng hết hy vọng nhưng không ngờ... - 5

Sau 3 tháng được chăm sóc, bé đã tăng lên 1,8kg.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Phải mất 10 năm, chúng ta mới có thể đạt được kỷ lục về cứu sống một em bé sinh non nhỏ nhất trên một sản phụ bị bệnh rất nặng. Thành công này cho thấy trình độ y học của chúng ta có thể làm chủ được việc chăm sóc các em bé ra đời từ tuần thứ 28 trở đi và nuôi bên ngoài điều kiện của buồng tử cung. Đây là kết quả của sự hiểu biết sâu sắc về sinh lý bệnh học của thai nhi cũng như việc chăm sóc và tất cả điều kiện dinh dưỡng của thai nhi, chống nhiễm khuẩn sau khi sinh".

Vợ bầu 8 tháng đã đẻ, nhìn bàn tay con gái sinh non 1,9kg của Mạc Văn Khoa mà thương
Theo Minh An (T/h) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)