Chiều cao là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tăng trưởng về thể chất của trẻ nhỏ. Trẻ phát triển tốt là trẻ đạt chuẩn về cả chiều cao và cân nặng. Nói xa hơn, trong xã hội hiện đại, ngoại hình của mỗi cá nhân ngày càng được coi trọng bên cạnh năng lực và phẩm cách. Thậm chí có nghiên cứu còn chỉ ra, người có chiều cao tốt hơn sẽ có cảm giác "ưu việt" hơn. Nói như vậy để thấy rằng, mong ước con được cao lớn của các bậc cha mẹ là hoàn toàn bình thường và chính đáng.
Thông thường, chiều cao của con người phụ thuộc vào hai yếu tố: di truyền và những tác động trong quá trình phát triển. Nhiều người lo lắng con mình không thể cao vì bản thân có chiều cao khá khiêm tốn. Nhưng thực chất di truyền không ảnh hưởng quá nhiều đến chiều cao của trẻ. Chiều cao tối đa của bé phụ thuộc rất lớn vào cách mà chúng ta chăm nuôi trẻ sau khi sinh ra cũng như tác động của môi trường sống.
Đối với trẻ em, có 2 giai đoạn cơ thể trẻ có bước phát triển "nhảy vọt" về chiều cao. Đó là năm đầu đời của trẻ và giai đoạn dậy thì. Trong đó, ở tuổi dậy thì, trẻ cao lớn hơn rõ rệt nhất. Song khoảng thời gian này tương đối ngắn, đòi hỏi cha mẹ phải nắm bắt kịp thời. Nhưng làm thế nào để cha mẹ biết con mình sắp bước vào "giai đoạn vàng" ấy để chăm sóc con phù hợp? Khi mà mỗi đứa trẻ có thời gian dậy thì không hề giống nhau?
Mong ước con được cao lớn của các bậc cha mẹ là hoàn toàn bình thường và chính đáng. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ hãy lưu ý những đặc điểm sau đây chính là tín hiệu cơ thể con gửi đi, báo hiệu rằng cơ thể trẻ chuẩn bị có sự phát triển mạnh mẽ về chiều cao:
1. Trẻ bỗng thèm ăn nhiều hơn
Thời kỳ phát triển của mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác nhau, vì thế, không có công thức nào để cho bạn dễ dàng nhận biết thời kỳ tăng trưởng của bé để bồi dưỡng cho trẻ. Có một số trẻ phát triển vào thời kỳ học cấp 2, nhưng cũng có những trẻ đã phát triển ngay từ những năm tiểu học. Nhưng nếu sự thèm ăn của trẻ bỗng nhiên gia tăng đột biến trong khi trước đó trẻ ăn ít hoặc ăn rất kén chọn, chứng tỏ trẻ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển chiều cao mạnh nhất. Sau thời kỳ thèm ăn, chiều cao của trẻ sẽ tăng vọt.
2. Giày của trẻ nhanh chật hơn
Bước vào giai đoạn phát triển chiều cao mạnh mẽ, trẻ không chỉ tăng trưởng về chiều cao mà bàn chân của trẻ cũng tăng kích cỡ nhanh chóng. Đó là yêu cầu tất yếu của cơ thể, một bàn chân đủ to và vững chắc mới có thể nâng đỡ và giữ thăng bằng cho cơ thể ngày càng cao lớn. Nếu như năm ngoái, con bạn đi 1 đôi giày cả năm không chật thì nay giày mới mua 1 mùa bạn đã phải mua giày cỡ to hơn cho con. Bạn hãy vui mừng chuẩn bị tâm lý đi nhé, vì con bạn sắp cao lớn nhanh chóng đấy!
3. Trẻ lười hoạt động hơn
Thời kỳ trẻ tăng trưởng nhanh, vì năng lượng bị cơ thể tiêu hao nhiều nên trẻ dễ mệt mỏi hơn. Đó là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường ở trẻ em, cha mẹ không cần phải lo lắng quá mức. Việc cha mẹ cần làm là dành thời gian và không gian nghỉ ngơi hợp lý cho con. Giúp trẻ có điều kiện điều chỉnh tốt các chức năng thể chất của cơ thể, tạo thuận lợi cho trẻ phát triển chiều cao tối ưu.
Cha mẹ đừng khống chế sức ăn của trẻ, để trẻ tăng trưởng một cách tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Nếu cha mẹ làm tốt những việc sau đây, có thể giúp con cao thêm 5cm:
1. Xây dựng chế độ ăn đủ về chất và lượng cho con
Khi cơ thể trẻ phát tín hiệu "thèm ăn", cha mẹ nên cho trẻ ăn với chế độ ăn ưu tiên hơn, dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng và cân bằng. Cha mẹ đừng khống chế sức ăn của trẻ, để trẻ tăng trưởng một cách tốt nhất. Ngoài ba bữa đầy đủ một ngày, trẻ cần được ăn thêm các bữa phụ. Nếu trẻ đi học, mẹ nên cho con mang theo sữa, mua cho trẻ đồ ăn thêm, đảm bảo trẻ ăn đủ no, đủ chất lượng, hỗ trợ phát triển chiều cao tối đa.
2. Hãy chắc chắn trẻ có giấc ngủ ngon
Hormone tăng trưởng trong cơ thể trẻ chủ yếu được tiết ra vào thời gian trẻ ngủ. Khoảng thời gian từ 10 giờ tối hôm trước tới 7 giờ sáng hôm sau, cha mẹ hãy tạo môi trường lý tưởng để con có giấc ngủ ngon và sâu. Có như vậy trẻ mới phát triển chiều cao được tốt nhất.