Ai đã trở thành bố mẹ thì cũng có thể biết được, việc chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ cực kỳ khó khăn. Gia đình có cả bố và mẹ cùng hỗ trợ nhau sẽ giúp cho cả 2 đỡ vất vả hơn, tuy nhiên nếu chỉ có mẹ là người đảm nhận toàn bộ công việc chăm sóc con cái thì sẽ vô cùng gian nan. Ấy thế mà 3 năm nay tôi vẫn cố gắng thay chồng nuôi dạy 2 con nhỏ, để anh tập trung kiếm tiền nơi xứ người.
Kể từ khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, vì để có tiền trang trải cuộc sống gia đình tốt hơn, chồng tôi đã lựa chọn xuất khẩu lao động. Gia đình 4 người cũng từ đó mà chia cắt. Nhẫn nhịn suốt 3 năm trời, cuối cùng ông xã tôi cũng quyết định Tết này sẽ về quê đoàn tụ cùng vợ và 2 con.
Ảnh minh hoạ.
Ngày anh đặt chân về trước cửa nhà, con trai 15 tuổi và cô con gái 8 tuổi của tôi vui mừng khôn xiết, chúng ôm chầm lấy bố, quấn quýt không rời. Chuyến này về ăn Tết, tôi định bụng chồng sẽ về luôn. Dù gì 3 năm lao động nơi xứ người cũng đủ để gia đình trang trải cuộc sống sau này. Điều quan trọng là chồng đã xa các con quá lâu, không ngày nào mà tụi nhỏ không trông mong bố sẽ về đoàn tụ với gia đình, đừng đi làm xa nữa.
Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì điều tôi không thể ngờ tới là ngay vào ngày đầu tiên sau khi trở về, chồng đã nói chuyện riêng với tôi trong phòng rằng, anh về ăn Tết tầm 10 ngày rồi sẽ qua trở lại bên kia, tiếp tục xuất khẩu lao động chứ chưa có ý định về luôn.
Nghe những lời này, tôi như chết lặng, vô cùng hụt hẫng. Anh ấy nói muốn dư thêm chút tiền nữa rồi mới quay về, vì về lúc này kinh tế đất nước vẫn còn chưa ổn định nên sẽ không kiếm được nhiều tiền giống như ở bển. Tôi cứ tưởng lý do gì đó chính đáng lắm, nhưng là một người mẹ tôi không thể nào chấp nhận lý do này của anh.
Tôi đã kiên quyết phản đối việc anh tiếp tục đi xuất khẩu lao động, cũng tha thiết bày tỏ mong muốn được anh đồng hành trong việc nuôi dạy các con. Thiếu tình thương yêu và sự giáo dục của bố suốt 3 năm nay đã là quá đủ với 2 đứa nhỏ, nếu vẫn cứ tiếp tục như thế, tôi sợ rằng các con sẽ ghét và không còn nhận anh ấy là bố nữa.
Bởi dù là bất kỳ điều gì thì không có đứa trẻ nào muốn mình thiếu vắng đi tình yêu thương, sự chăm sóc của người bố hoặc người mẹ. Dẫu tôi đã nói rất nhiều để anh hiểu, nhưng dường như tôi cảm nhận được chồng mình đã khác xưa rất nhiều.
Ảnh minh hoạ.
Từ một người rất yêu thương gia đình, luôn đặt gia đình lên hàng đầu thì giờ đây anh ấy chỉ chăm chăm vào việc phải kiếm thật nhiều tiền, thậm chí là đánh đổi cả những khoảng thời gian dành cho các con của mình, chấp nhận để chúng dần lớn lên và tuổi thơ trôi qua đi trong một gia đình không trọn vẹn.
Bản thân tôi như thế nào cũng được, nhưng tôi không chấp nhận bố của các con lại là người vô trách nhiệm như thế. Quá tức giận, tôi đã ngay lập tức viết giấy ly hôn. Chúng tôi cãi nhau khá to nên dường như tụi nhỏ cũng đã nghe thấy. Con trai lớn của tôi chỉ im lặng không nói gì, còn cô con gái nhỏ thì khóc lóc và nói:
- Con không cho bố đi làm xa nữa đâu, bố đi lâu về lắm, bố ở nhà với con, mẹ và anh đi. Bố mà bỏ con nữa con sẽ giận bố và không muốn bố nữa đâu!
Có lẽ vì tủi thân nên tụi nhỏ đã bỏ vào phòng đóng cửa ngay sau đó. Nhìn phản ứng của các con, tôi xót lắm và tôi cũng mong rằng chồng mình nhìn thấy điều này, để anh có thể suy nghĩ lại về quyết định của mình. Nó thực sự không công bằng cho tụi nhỏ chút nào cả...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Mẹ là người sinh ra con, nhưng đừng nghĩ rằng mẹ mới là người quan trọng nhất với con. Thực tế thì ngoài mẹ ra, vai trò của người bố trong gia đình và tầm ảnh hưởng của bố đối với trẻ cũng quan trọng không thua kém mẹ. Vậy vai trò đó là gì?
- Tạo ra môi trường an toàn và yêu thương: Bố có trách nhiệm tạo ra một môi trường gia đình an lành và yêu thương cho con cái. Điều này bao gồm việc cung cấp cho trẻ sự ổn định, sự quan tâm chăm sóc và tình yêu thương để giúp trẻ phát triển niềm tin trong các mối quan hệ gia đình.
- Đóng vai trò là hình mẫu: Bố là một hình mẫu lý tưởng để con cái học tập và noi theo. Bằng cách thể hiện các giá trị phẩm chất và hành vi đúng đắn, bố góp phần giáo dục con cái về cách sống và hướng dẫn trẻ học cách đối xử với người khác một cách tôn trọng.
- Tham gia vào việc chăm sóc và giáo dục hàng ngày: Bố nên tham gia tích cực vào việc chăm sóc và giáo dục con cái hàng ngày cùng với mẹ. Điều này bao gồm việc chăm sóc sức khoẻ thể chất như ăn uống, điều chỉnh giấc ngủ và hỗ trợ trong việc vệ sinh cá nhân cho con. Ngoài ra, bố cũng nên tham gia vào quá trình hướng dẫn và hỗ trợ việc học tập, xây dựng sức khoẻ tinh thần lành mạnh của trẻ.
- Khuyến khích sự độc lập và khám phá: Bố có thể khuyến khích trẻ phát triển tư duy sáng tạo, độc lập và sự tự tin bằng cách đặt ra những thách thức phù hợp và tạo cơ hội cho trẻ tự do khám phá, thể hiện năng lực vốn có của bản thân.
- Xây dựng mối quan hệ gắn kết: Bố có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ gắn kết, tình cảm và sự tin tưởng với con cái. Bằng cách dành thời gian chất lượng cho con, lắng nghe và tương tác tích cực với trẻ. Từ đó, bố sẽ giúp xây dựng một môi trường gia đình yêu thương và ủng hộ, tạo nền tảng cho sự phát triển tâm lý, xã hội lành mạnh của trẻ.
- Hỗ trợ trong việc xây dựng nhân cách và giá trị: Bố có thể giúp trẻ xây dựng nhân cách và giá trị bằng cách giáo dục và hướng dẫn trẻ về đạo đức, pháp luật và trách nhiệm. Từ đó uốn nắn con trở thành một người có nhân cách tốt, biết tạo ra nhiều giá trị tích cực cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Như vậy, vai trò của bố trong việc nuôi dạy con cái là không thể bỏ qua, mà ngược lại còn rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Sự tham gia tích cực và đóng góp của bố giúp xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển tốt về cả mặt thể chất, tâm lý và xã hội.