Hơn 2 tháng nay kể từ khi chào đón con trai đầu lòng, vợ chồng chị Nguyễn Uyên (28 tuổi, Tp. HCM) và anh Enrico Hallier (34 tuổi, Đức) thay đổi hoàn toàn. Chị hạnh phúc khi không chỉ được ông xã nấu những món ăn Việt Nam khi ở cữ mà anh còn làm hết việc chăm con để chị có thời gian nghỉ ngơi. Chị Uyên tâm sự, khi đến với anh Enrico, chị từng chê anh không xứng với mình. Vậy mà duyên số trời định thế nào, người chị chê cuối cùng chị phải gọi là chồng và khi có bầu, có con chị mới nhận ra được mình đã chọn đúng chồng hay không.
Tổ ấm nhỏ chị Uyên mới chào đón thành viên mới được hơn 2 tháng nay.
Trước khi lấy chồng sang Đức, chị Uyên là phóng viên tại TP.HCM. Chị và anh Enrico quen nhau trong một lần anh sang xử lý nhà máy nước ngọt bị hỏng nặng ở Việt Nam. Khi đó, chị đến đây phỏng vấn viết bài và có cơ hội gặp anh. Cả 2 chào hỏi vài câu, kết bạn facebook với nhau nhưng cũng chẳng liên lạc gì vì chị Uyên đã có người yêu và sẽ đính hôn vào đầu năm tới. Tuy nhiên, như sự sắp đặt của ông trời, chị và bạn trai dừng lại vào đầu năm 2018 và cuối năm 2018, anh Enrico gửi tin nhắn chúc mừng Giáng sinh đến chị. Chính bởi tin nhắn này đã bắt đầu câu chuyện tình yêu của cả 2.
Chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy chồng Tây và rời khỏi Việt Nam nhưng sau khi nhận được lời tỏ tình của anh và sự tư vấn của bạn thân, chị Uyên đã suy nghĩ lại về việc cho anh Enrico một cơ hội. Đặc biệt, như một sự trùng hợp trong giai đoạn đó, hãng nước ngọt ở Việt Nam liên tục hư khiến anh Enrico phải bay về Việt Nam công tác thường xuyên nên cả 2 có thời gian chính thức hẹn hò trực tiếp.
“Đến đầu năm 2019 hãng nước ngọt ở Úc hư và mình cũng đến Úc. Chúng mình lại hẹn hò ở Úc. Điều bất ngờ là anh cầu hôn mình ở Úc. Trong khi anh tranh thủ làm giấy tờ, mình tranh thủ học tiếng Đức để hoàn tất giấy tờ kết hôn. Sau 2,5 tháng mình thi đậu tiếng Đức và hoàn thành giấy tờ kết hôn. Đám cưới của mình diễn ra ở cả Việt Nam và Đức với đầy đủ gia đình, người thân”, chị Uyên chia sẻ.
Khi que thử thai hiện lên 2 vạch chị Uyên vẫn không tin mình có bầu.
Khi kết hôn, chị Uyên và anh Enrico đã thống nhất không quan trọng vấn đề con cái, có cũng được, không có cũng được. Tuy nhiên khi sang Đức, vì tính chất công việc của anh Enrico hay công tác các nước nên anh đã ngỏ lời muốn có con cho chị đỡ buồn. Vậy là cả 2 vợ chồng chị đến bác sĩ khám và lấy thuốc bổ uống. May mắn 2 tháng sau, vợ chồng chị hạnh phúc khi nhận tin vui.
Chị Uyên kể, ban đầu thấy chậm kinh nguyệt, chị không biết và chỉ nghĩ đơn giản đau dạ dày vì thấy rát dạ dày, thường xuyên nôn. Thậm chí dù thử que lên 2 vạch nhưng chị vẫn không tin mà nghĩ que thử để lâu nhầm. Khoảng thời gian đó, chồng đang đi công tác Ý 1 tuần nên chị được về nhà bố mẹ chồng ở cho đỡ buồn, mẹ chồng đã đưa chị đến bác sĩ khám. Và khi bác sĩ, y tá ôm chúc mừng chị mới thực sự tin mình đã có thai được 8 tuần.
“Khoảnh khắc nhìn họ hạnh phúc mình bất ngờ luôn. Chồng mình nghe tin có thai anh liền bay về Đức và đưa mình đi siêu âm để được xem em bé. Anh rất vui vì có con”, chị Uyên cười.
Vợ có bầu ông xã chị được nghỉ 6 tháng ở nhà chăm sóc vợ.
Mặc dù được gia đình chồng và chồng chăm sóc chu đáo nhưng chị Uyên vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương. Bầu gần 3 tháng chị khóc lóc đòi về Việt Nam. Cả gia đình không đồng ý nhưng thương chị nên sau khi hỏi ý kiến của bác sĩ, mọi người đã để chị về Việt Nam chơi một thời gian. Mãi đến mồng 6 Tết khi dịch COVID-19 bùng phát, gia đình chồng mới giục chị sang Đức để tiện chăm sóc, có chồng ở bên.
Chị Uyên tăng khoảng 41kg khi mang bầu.
Được biết, chế độ dinh dưỡng thai kỳ của chị Uyên hoàn toàn theo bác sĩ bên Đức. Trước ba tháng đầu chị không ăn cà chua. Chế độ ăn uống bình thường với sữa, ngũ cốc và các loại trái cây. Ở Đức, bác sĩ không cho chị uống sữa bầu mà chỉ dặn chị mỗi ngày uống một viên thuốc bổ đến cuối thai kỳ. Đặc biệt, dù bị tiểu đường thai kỳ nhưng chị không phải kiêng khem nhiều. Chị được bác sĩ tiêm thuốc tiểu đường mỗi ngày nên có thể ăn cơm, tinh bột thoải mái.
“Mỗi khi đến khám định kỳ thai kỳ, bác sĩ sẽ cho thuốc bổ, bao cao su và sách hướng dẫn sinh hoạt vợ chồng theo giai đoạn cũng như cách chuẩn bị đón em bé chào đời.
Dịch vụ khám thai ở Đức rất chu đáo nhưng phải có lịch hẹn rõ ràng và đúng giờ nếu đi trễ họ sẽ không tiếp. Mình có thẻ khám chữa bệnh nên tất cả các chi phí điều miễn phí . Các bác sĩ rất tận tâm và ngọt ngào. Khi mình khám thai gần kết thúc thai kỳ bác sĩ sợ không gặp lại nên đã thức khuya tận tay đan cho con mình một đôi giày. Bác sĩ tặng kèm những lời chúc tốt đẹp làm mình rất cảm động”, chị Uyên cho hay.
Chia sẻ về dịch vụ đi sinh ở Đức, chị Uyên cho biết, ở đây hệ thống bệnh viện đều như nhau và hoàn toàn không tốn chi phí nên các mẹ bầu thoải mái tinh thần đi sinh. Hơn nữa đội ngũ bác sĩ cũng rất nhiệt tình và chu đáo. Trước khi sinh, chị được tư vấn chọn phương pháp sinh trên cạn hoặc dưới nước và được khuyên chọn phương pháp đẻ dưới nước. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ pha nồng độ nước trong hồ bằng với độ ấm nước ối trong bụng mẹ để mẹ thoải mái hơn. Nếu trong quá trình sinh không được, có vấn đề gì ảnh hưởng đến mẹ và bé mới được ký giấy mổ. Nói cách khác, mổ là lựa chọn cuối cùng và chỉ được thực hiện khi không còn cách nào khác.
Sau khi được tư vấn, chị Uyên đã chọn phương pháp sinh con dưới nước. Tuy nhiên vì quá ngày dự sinh không có cơn chuyển dạ nên chị được bác sĩ gọi để xét nghiệm COVID trước khi nhập viện.
Vì dịch nên chị Uyên đi sinh chỉ có một mình, chồng chị chỉ được vào khi vợ sinh.
Nói đến đây, chị Uyên bộc bạch, đi sinh ở Đức, phòng sinh như khách sạn, được phục vụ 24/24 nhưng đi sinh mùa dịch chị buồn và chạnh lòng buồn tủi vô cùng vì không có chồng và gia đình chồng vào thăm. Sinh nở không được gần bố mẹ, không được bố mẹ ruột chăm sóc, niềm hy vọng ở nơi đất khách quê người duy nhất của chị là chồng cũng không được nên chị đã rất buồn khi nằm viện. Đặc biệt, nhìn chồng ra về, chị buồn rớt nước mắt. Thế nhưng vì dịch bệnh nên chị cũng phải tuân thủ theo quy định của bệnh viện.
“Mình mang bầu tăng từ 54kg lên 95kg, em bé nặng 4kg. Vì con to nên khi trải nghiệm sinh dưới nước mình không sinh thường được. Bác sĩ phải chuyển phương pháp thứ 2 là đẻ trên cạn vẫn không được. Sau khi được xé ối mình đau vật vã cầm tay chồng và la hét suốt 4 tiếng. Sau khi cố gắng đẻ thường không được trong khi đó xé ối chỉ được 6 tiếng nên mình được bác sĩ cho ký giấy mổ để tránh em bé bị ngạt. Từ khi đặt bút ký đưa đi mổ và tỉnh dậy thì nửa người dưới mình cử động được. Trong thời gian mình hôn mê họ đưa con cho chồng bế. Mình tỉnh dậy nhìn con 10 phút là họ mang con đi tắm rửa và cho bú ngoài, còn chồng mình phải rời khỏi bệnh viện”, chị Uyên nhớ lại ngày đi sinh của mình.
Con trai siêu âm nặng 4,5kg nhưng khi chào đời chỉ nặng 4kg.
Nhớ lại về khoảnh khắc gặp con lần đầu tiên sau khi mổ xong, chị Uyên cười cho biết, chị khá bất ngờ, thậm chí chị còn tưởng nhầm con vì bé không lai một chút nào Việt Nam. Mặc dù vậy chị vẫn rất vui vì được trải nghiệm dịch vụ đi sinh vô cùng chu đáo ở Đức và được ông xã tận tình quan tâm dù không được ở bên vợ trước lẫn sau sinh. Không có người thân ở bên, chị Uyên được nhân viên y tế giúp cho toàn bộ từ thay tã đến bê đồ ăn và được hỏi han ân cần trong 2 tuần nằm viện. Chính nhờ sự quan tâm, nhiệt tình và những nụ cười thân thiện của nhân viên ở đây làm chị thấy thoải mái như được người thân trong gia đình chăm sóc. Từ đó chị không còn tủi thân nữa nữa.
Sinh con ở Đức, chị Uyên không kiêng cữ được theo phong tục Việt Nam. Ngay sau sinh chị đã được tắm rửa và được uống bia non ướp lạnh để kích sữa. Dẫu không kiêng khem nhưng vết mổ của chị lành khá nhanh và chị hoàn toàn khỏe mạnh sau sinh.
Sau sinh 1 tháng chị nhanh chóng lấy lại vóc dáng.
Ông xã chăm con, đỡ đần chị mọi việc.