Sau hai quý thai đầu, bạn đã bước vào tam cá nguyệt thứ ba từ khoảng tuần thứ 27-28. Bên cạnh sự háo hức vì sắp được gặp con yêu, bạn cũng cần chú ý các báo động đỏ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé dưới đây để biết cách xử lý nhanh khi chẳng may gặp phải.
Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo khi mang thai có thể khiến bạn lo lắng nhưng nếu bạn chảy máu không nhiều thì đừng quá lo. Tuy nhiên, nếu tình trạng xuất huyết không biến mất hoặc máu chảy từ vừa nặng đến nặng thì bạn cần đi khám. Bởi đây có thể dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhau bong non, nhau tiền đạo hoặc cũng có thể là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Nếu bạn mang thai chưa đến 37 tuần thì đó có thể là dấu hiệu sinh non.
Phù chân
Mẹ bầu nên chú ý đến trường hợp phù chân khi mang thai, đặc biệt là quanh bàn chân và mắt cá. Nếu có dấu hiệu này, bạn hãy liên hệ với bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu của tiền sản giật. Đây là một rối loạn thai nghén đặc trưng bằng việc có huyết áp cao và trong nước tiểu có lượng lớn protein. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và bé. Nếu không chữa trị, nó có thể dẫn đến co giật và được gọi là sản giật.
Ngứa ngáy trầm trọng
Tăng cân và rạn da là nguyên nhân gây ngứa ngáy nhưng tình trạng này cũng có thể là do sự lưu thông máu bị gián đoạn hay lưu thông kém. Bạn hãy đi khám nếu bị ngứa liên tục, dai dẳng hoặc xuất hiện các vết phát ban bất thường khi mang thai 3 tháng cuối. Đôi lúc, ngứa khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng ứ mật trong thai kỳ - một tình trạng có thể dẫn đến sinh non và thai chết lưu.
Rối loạn thị giác
Rối loạn thị giác, mờ mắt là một trong những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng cuối. Đây có thể là do sự thay đổi hormone trong thai kỳ nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường thai kỳ, huyết áp cao hoặc tiền sản giật. Tốt nhất, bạn nên liên hệ với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây mờ mắt càng sớm càng tốt.
Thai nhi không cử động
Trong giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ, bạn có thể cảm nhận được những lần máy, đạp của thai nhi trong bụng. Điều này cho thấy thai vẫn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, bạn không cảm nhận thai nhi cử động, bạn nên đi khám ngay.