Bé 2 tháng tuổi nguy kịch sau khi thở khò khè kèm sốt, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ viêm đường hô hấp

Sau khi có biểu hiện sốt từng cơn, khò khè, dù được gia đình cho dùng thuốc nhưng sau 2 ngày, trẻ lịm dần và rơi vào tình trạng nguy kịch.

Ths.BS Nguyễn Đức Long - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết các bác sĩ vừa cứu sống một cháu bé 2 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước khi vào viện 3 ngày, trẻ sốt từng cơn, kèm ho, khò khè nên gia đình đưa đi khám tại một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán bị viêm phế quản, cho thuốc uống theo đơn. Uống thuốc 2 ngày, trẻ đỡ sốt, thở khò khè nhưng không đi ngoài, bụng chướng và bú kém hơn. Sáng sớm ngày 10/1, gia đình thấy trẻ lịm dần nên vội vàng đưa vào Bệnh viện Sản nhi để cấp cứu.

Bác sĩ Long cho biết, khi đưa vào khoa cấp cứu, trẻ đã hôn mê sâu, da môi tím tái, SpO2 không đo được, chi lạnh, đồng tử giãn tối đa, tim ngừng đập, bụng chướng căng, gan lách không sờ thấy. Sau 45 phút cấp cứu liên tục đồng thời kích hoạt báo động đỏ toàn viện, êkip gồm các y bác sĩ khoa cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực chống độc, khoa Sơ sinh đã tập trung cấp cứu bóp bóng, ép tim, tiêm thuốc trợ tim, trẻ bắt đầu có nhịp tim trở lại và được đưa lên nằm điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, tiên lượng nặng.

Kích hoạt báo động đỏ toàn viện để cứu sống bệnh nhi 2 tháng tuổi nguy kịch vì bị viêm đường hô hấp.

Theo thông tin từ gia đình, trước đó, trẻ sinh đủ tháng, phát triển bình thường, không có tiền sử bệnh tật, ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Từ trường hợp trên, bác sĩ Long khuyến cáo, trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi bị viêm đường hô hấp có thể diễn biến rất nhanh, cha mẹ cần lưu ý khi chăm trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt, khó thở, bỏ bú cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để thăm khám kịp thời. Đặc biệt, cần khám đúng các bác sĩ có chuyên môn về nhi khoa để chẩn đoán và có phác đồ điều trị đúng, chính xác.

Ths.BS Nguyễn Tiến Tùng (BV Medlatec) cho biết, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém, khó thích nghi với những thay đổi nhanh của môi trường và miễn dịch yếu do chưa hoàn thiện.

Triệu chứng viêm đường hô hấp trên khá dễ nhận biết, thường bắt đầu bằng các triệu chứng: chảy nước mũi, hay hắt hơi, sốt nhẹ, ngạt mũi, ho ít, thở khò khè, nôn trớ,... Bệnh khởi phát ban đầu thường nhẹ, nhưng nếu chăm sóc không tốt hoặc đề kháng yếu, bệnh sẽ tiến triển nặng thấy rõ qua các triệu chứng. Thậm chí, nhiều trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới nguy hiểm.

Phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ ho, sốt, li bì. (Ảnh minh họa)

Nếu viêm đường hô hấp trên do virus, dịch mũi của trẻ trong suốt, lỏng, lượng ít ban đầu nhưng nhiều dần về sau. Nếu bội nhiễm hoặc tác nhân là vi khuẩn, dịch mũi sẽ đục, đặc, có màu vàng hoặc xanh trong 2 - 3 ngày sau.

Triệu chứng trẻ bị viêm đường hô hấp mức độ nặng đến rất nặng bao gồm: thở nhanh, sốt vừa đến sốt cao, ho, co rút lồng ngực, da hoặc môi lưỡi tím tái, ho nhiều... Khi có các dấu hiệu trên, khả năng rất cao trẻ đã bị viêm phổi nặng và biến chứng, cần cấp cứu càng sớm càng tốt.

Để ngăn ngừa viêm đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ Tùng khuyến cáo:

- Sắp xếp lại phòng ở sạch sẽ, gọn gàng. Ngoài ra hãy lưu ý điều chỉnh nhiệt độ thích hợp ở khoảng 25 - 26 độ C kể cả khi trời nóng.

- Dinh dưỡng phù hợp: Trẻ cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng bằng cách bú đủ bữa, bổ sung vitamin, DHA, các thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng...

- Vệ sinh mũi họng: Nên vệ sinh đường thở cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối tự pha sạch, tránh dùng các bài thuốc truyền miệng như dùng tỏi, hành nhỏ vào miệng hay mũi trẻ.

- Tăng cường miễn dịch: Các thực phẩm hỗ trợ chứa vi khoáng chất, vitamin thiết yếu, lysine... có tác dụng hỗ trợ miễn dịch, tăng sức đề kháng tốt cũng giúp trẻ ít mắc bệnh viêm đường hô hấp trên hơn.

Trẻ tiêu chảy, viêm hô hấp nặng tăng 200%, 2 sai lầm này bố mẹ hay mắc khiến bệnh con nặng thêm