Một cô bé 2 tuổi ở Queensland đã tưởng 20 pin cúc áo là kẹo và nuốt tất cả chúng vào miệng trong lúc người mẹ lơ là, không để ý.
Vào ngày 14/12, cô Hope Summers đi vào phòng ngủ của mình và thấy đứa con 2 tuổi đang nằm trên giường với một vỏ đựng pin cúc áo trống rỗng. Khi con gái nhận thấy mẹ vào phòng, cô bé đã chỉ vào vỏ đựng pin và sau đó đưa lên miệng trong khi cố gắng nói rằng đã ăn những viên pin bên trong đó. Ngay lập tức, cô Hope gọi điện cho đội cấp cứu tới.
Bé gái 2 tuổi tưởng 20 viên pin cúc áo là kẹo nên đã nuốt hết tất cả.
Tuy nhiên, khi các bác sĩ cấp cứu đến nhà, đứa trẻ vẫn rất vui vẻ và hoạt động bình thường khiến họ hơi e ngại. Tuy nhiên, cả hai mẹ con vẫn được đưa đến bệnh viện và ở đó, đứa trẻ bắt đầu la hét và quằn quại trên sàn trong đau đớn.
Sau đó, 2 mẹ con được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Brisbane để bé gái được tiến hành phẫu thuật nội soi khẩn cấp. Các bác sĩ đã cố gắng nhưng chỉ có thể lấy ra một số pin, phần còn lại sẽ phải chờ cô bé đào thải ra ngoài thông qua đường ruột.
Ngày hôm sau, bé gái 2 tuổi đã được xuất viện nhưng bị bỏng ở dạ dày. May mắn khi người mẹ đã hành động kịp thời, nếu không những viên pin tưởng nhỏ bé sẽ có thể gây bỏng nghiêm trọng hơn.
Những viên pin cúc áo là "kẻ giết người thầm lặng" có thể gây bỏng dạ dày, thực quản.
Giám đốc lâm sàng của bệnh viện nói rằng pin cúc áo là kẻ giết người thầm lặng. Khi bạn nuốt phải một viên và nó bị mắc kẹt trong thực quản, nó sẽ bắt đầu cháy ngay lập tức. Nếu không được điều trị ngay, nó thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, đối với các gia đình có con nhỏ, nên để trẻ tránh xa loại pin này nhằm đảm bảo an toàn.
Pin cúc áo có thể gây tổn thương như thế nào?
Khi một viên pin tròn tầm 1,2V trở lên khi lọt vào môi trường ẩm bên trong cơ thể người (thường là tai, mũi hoặc thực quản), dòng điện sẽ được sản sinh ra. Nó phá vỡ các phân tử nước, sinh ra hydroxide và khí hydro.
Các phân tử ion hydroxide ăn mòn mô và gây ra hiện tượng "hoại tử nước". Các loại pin lithium tuổi thọ lên tới 10 năm và có thể sản sinh ra dòng điện đủ lớn để giết người kể cả khi không còn hoạt động. Khác với các loại pin tròn, pin trụ thường khó nuốt hơn, hai đầu pin cũng xa nhau và nếu lỡ nuốt thì có thể trôi qua các cơ quan mà không mắc lại.
Hầu hết tai nạn liên quan đến pin cúc áo do pin mắc lại thực quản và ăn mòn động mạch chủ hoặc các mạch máu chính khác, gây xuất huyết nghiêm trọng. Nhiều trẻ tử vong, một số khác tuy còn sống nhưng cũng chịu nhiều chấn thương nặng nề.
Pin cúc áo có thể làm thủng thực quản trong vòng hai giờ nên dù nhanh chóng được bác sĩ lấy ra vẫn để lại hậu quả. Trẻ nuốt pin cúc áo thường phải điều trị lâu dài, thậm chí phải mổ.
Làm gì khi trẻ nuốt phải pin cúc áo
Cố gắng giữ pin cúc áo khỏi tầm tay trẻ em. Hạn chế mua sản phẩm sử dụng loại pin này hoặc nếu bắt buộc phải mua thì chọn loại tuổi thọ cao đồng thời giữ pin cẩn thận.
Khó phát hiện khi trẻ nuốt hay nhét pin vào người do các triệu chứng giống với một số bệnh thường gặp khác. Vì thế, cần để ý xem bé có ho mạnh tăng dần, chảy nước dãi, nôn, bỏ ăn, nôn ra máu (bãi nôn màu đỏ hoặc đen), chảy mủ từ mắt, tai, mũi hoặc bị sốt hay không. Nếu có, hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.