Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Thanh Nhàn
Nhắc đến đái tháo đường (tiểu đường), đa số mọi người đều nghĩ đó là bệnh người già, thế nhưng gần đây không ít thanh thiếu niên đã mắc tiểu đường tuýp 2. Điều đáng bàn là, khi phát hiện bệnh, đa số trẻ đã ở giai đoạn muộn, nhưng trước đó các phụ huynh lại chủ quan, thậm chí có trường hợp chỉ vô tình phát hiện ra bệnh của con.
Ths.BSCK II Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, xu hướng người trẻ mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng so với những năm trước. Trước kia, bệnh thường chỉ gặp ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay nhiều người dưới 40 tuổi đã mắc. Thậm chí, không ít trẻ ở độ tuổi vị thành niên đã bị tiểu đường tuýp 2 - bệnh chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học, điều độ.
Người mẹ tiện thử tiểu đường tại nhà cho con trai, không ngờ phát hiện con mắc bệnh. Ảnh minh họa.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Anh Đào từng tiếp nhận bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc tiểu đường tuýp 2 - là một bé trai, 13 tuổi, ở Hà Nội. Bé trai này được phát hiện bệnh rất tình cờ tại gia đình.
Theo chia sẻ của bác sĩ Đào, mẹ bệnh nhi mắc tiểu đường và đang được quản lý tại bệnh viện, nhưng không phải nằm nội trú mà theo dõi tại nhà. Tại gia đình, trong một lần mẹ thử đường huyết, con trai đứng gần nên mẹ tiện tay thử luôn thì bất ngờ phát hiện đường huyết con cao, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất lớn.
Lo lắng, gia đình đã đưa bệnh nhi đến viện kiểm tra lại và được kết luận trẻ bị tiểu đường tuýp 2. Gia đình chia sẻ rằng, từ nhỏ cháu đã thích ăn đồ ngọt, nhất là nước ngọt thì uống không biết chán. Ngoài ra, bố mẹ cũng hay cho con ăn những món chiên rán, nhất là mỗi buổi chiều tan học trẻ thường được dùng đồ ăn nhanh để lót dạ trước bữa tối.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào cho biết, trẻ nhỏ mắc tiểu đường thường là tuýp 1 hay còn gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Đây là một tình trạng bệnh mạn tính, trong đó tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin - một nội tiết tố cần thiết, cho phép đường (glucose) nhập vào tế bào để sản xuất năng lượng.
Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2 hàng đầu ở trẻ. Ảnh minh họa.
Với tiểu đường tuýp 2, nguyên nhân chính là do người bệnh thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, nạp thực phẩm không lành mạnh (quá nhiều chất béo, đường hay tinh bột). Những người có nguy cơ cao nhất là ai bị “béo trung tâm”, tức là trọng lượng mỡ thừa tập trung vào bụng và vùng quanh bụng.
Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng có ảnh hưởng đến bệnh. Một số dạng đái tháo đường tuýp 2 khác ít phổ biến hơn có tác động đến những người không bị béo phì và thường liên quan tới yếu tố di truyền. Như vậy có thể thấy, trường hợp bệnh nhi trên hội tụ cả hai yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh là thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh và di truyền.
Triệu chứng điển hình nhất của tình trạng tiểu đường là thường xuyên tiểu đêm, hay khát nước, uống nhiều nước, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc… Khi phát hiện có các triệu chứng trên, bạn cần đi khám sớm, điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm như bệnh thận, mù lòa, bệnh tim mạch…
Để giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ, các bậc phụ huynh nên: - Đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời khuyến khích con bạn dùng thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng, như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc để ngăn ngừa tăng cân quá mức - một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh đái tháo đường tuýp 2. - Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Không nên cho trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa lượng đường cao như nước ngọt, nước trái cây vì điều này cũng có thể dẫn đến tăng cân quá mức. - Khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động thể chất và hạn chế thời gian xem TV, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính... |