Hiện tại thai hóa đá (lithopedion) xảy ra khi các tế bào thai bị chết lưu trong cơ thể người mẹ qua nhiều năm bị vôi hóa, được gọi là thai đá. Hiện tượng này hầu như chỉ xảy ra ở thời xưa khi thiết bị siêu âm chưa được phổ biến.
Có một điểm chung của những ca mang thai hóa đá là hầu hết các bà mẹ đều không biết mình mang thai hoặc thai nhi bị chết lưu khi còn quá nhỏ trong bụng mẹ khiến người mẹ không hề biết sự tồn tại của bé. Một số trường hợp khác xảy ra ở những người tháo hút thai nhưng không thành công và người mẹ cũng không hề biết quá trình này bị lỗi.
Thai hóa đá trong bụng mẹ là một hiện tượng vô cùng hiếm gặp. (Ảnh minh họa)
Theo ghi nhận, trên thế giới có khoảng 300 ca mang thai hóa đá từ trước đến nay. Dưới đây là một số ca thai hóa đá nổi tiếng từng được ghi nhận trên thế giới và tại Việt Nam.
Cụ bà mang bầu suốt 46 năm
Câu chuyện về "cái thai" nằm trong bụng mẹ suốt 46 năm của bà Zahra Aboutalib, sống tại Morocco từng gây sốc cho nhiều người. Vào năm 1955, bà Zahra Aboutalib, khi đó 26 tuổi, mang thai em bé đầu lòng. 9 tháng thai kỳ của cô diễn ra khá suôn sẻ, khỏe mạnh.
Bà Zahra Aboutalib là một trong những trường hợp mang "thai đá" nổi tiếng nhất.
Khi chuyển dạ, bà Zahra được đưa đến bệnh viện nhưng suốt 48 tiếng không sinh được nên bác sĩ chỉ định mổ. Do quá sợ hãi vì chứng kiến một sản phụ khác vừa tử vong vì sinh mổ, bà Zahra đã chạy trốn khỏi bệnh viện.
Nhiều năm sau khi Zahra Aboutalib đã lên chức bà và ở tuổi 75, những cơn đau bụng đột ngột xuất hiện trở lại. Anh con trai nuôi sau đó đã đưa bà đến gặp giáo sư Taibi Ouazzani. Ông nghi ngờ có khối u buồng trứng vì bụng bà phình ra.
Khi mang bầu đến ngày sinh nở, bà Zahra đã trốn khỏi bệnh viện vì sợ mổ.
Vậy nhưng đến khi siêu âm, các bác sĩ mới "ngớ người" vì đó thực chất là bào thai của bà Zahra đã tồn tại trong bụng mẹ suốt 46 năm. Nó đã làm vỡ ống dẫn trứng, phát triển trong ổ bụng và sống sót bằng cách gắn nhau vào các cơ quan nội tạng. Khi các bác sĩ thực hiện phẫu thuật, họ phát hiện ra bào thai đã bị vôi hóa, là một khối cục rất rắn và đặc. Về cơ bản đó là một "em bé đá", đã gắn chặt với thành bụng và các bộ phận quan trọng trong người bà Zahra.
Sau 4 tiếng phẫu thuật đầy khó khăn, các bác sĩ đã lấy ra bào thai thành công. "Em bé" nặng 3,2kg và dài 42cm.
Khối thai được lấy ra sau 46 năm nằm trong bụng mẹ.
Cụ bà 91 tuổi mang "thai đá" suốt 60 năm
Trường hợp mang thai đá lâu nhất được ghi nhận trên thế giới là bà Estela Meléndez, 91 tuổi sống tại thị trấn La Boca, ven sông Rapel của Chile.
Bà Estela và chồng là ông Manuel González kết hôn với nhau nhưng lại hiếm muộn. Họ luôn nói với mọi người rằng một trong những điều hối tiếc của hai vợ chồng là không thể có con. Sau 74 năm chung sống bên nhau, ông Manuel đã qua đời ở tuổi 91.
Bà Estela đã mang thai đá suốt 60 năm.
Sau khi chồng qua đời, bà Meléndez bắt đầu bị lãng tai và viêm khớp nặng. Trong một lần bị ngã và phải vào bệnh viện khám, bà Meléndez và bác sĩ trong bệnh viện đều sửng sốt khi phát hiện một sự thật chấn động.
"Bác sĩ nói rằng tôi có một khối u và họ cần phải phẫu thuật cho tôi", Meléndez nói với CNN. Nhưng khi chụp X-quang lần thứ hai để xác nhận, các bác sĩ không thể tin vào mắt mình. Khối u mà họ đang nhìn hóa ra là một bào thai!
Các bác sĩ cho biết bào thai này đã nằm trong tử cung của bà Meléndez hơn 6 thập kỷ. Nhưng vì thai nhi bị vôi hóa nên đã không gây nguy hiểm cho sức khỏe người phụ nữ, nhưng bào thai cũng chẳng bao giờ có cơ hội được ra đời.
"Bạn có thể tưởng tượng được không? Hơn 60 năm!" Luis Meléndez, cháu trai của người phụ nữ cho biết. "Tôi tự hỏi làm thế nào bà ấy không bao giờ cảm thấy tồi tệ một khi bào thai chết trong người bà ấy".
Các bác sĩ không phẫu thuật bóc thai đá cho bà Estela vì tính rủi ro cao.
Các bác sĩ tại phòng khám địa phương đã cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ thai nhi nhưng sau đó xác định rằng, trong trường hợp này, phẫu thuật cho một bệnh nhân 91 tuổi còn rủi ro hơn là để im như vậy. Meléndez cho biết đôi khi bà bị đau bụng, nhưng thường thì cơn đau đó sẽ qua rất nhanh.
Ở một mức độ sâu sắc hơn, Meléndez nói, khối u (bào thai bị vôi hóa) khiến bà nhớ đến chồng và ước mơ chưa thành của họ là có con suốt những năm thanh xuân.
Ca thai hóa đá ở Khánh Hòa, Việt Nam
Tại Việt Nam, một trường hợp thai nhi hóa đá được phát hiện vào năm 2014 là bà Nguyễn Thị Sáu (sống tại Khánh Hòa). Ở tuổi 76, bà Sáu thường xuyên bị đau cột sống thắt lưng và vùng hạ vị nên được con cháu đưa đi khám.
Qua thăm khám và chụp X quang, các bác sĩ phát hiện vùng tiểu khung có khung xương thai nhi (gồm hộp sọ, cột sống, các xương sườn và xương đùi) và được chẩn đoán: có thai hết lưu trong ổ bụng. Được biết, cụ bà đã mãn kinh từ năm 49 tuổi, bà có 4 lần sinh con. Bà Sáu mang thai lần cuối 40 năm trước nhưng khi đó bị ra nhiều máu nên cứ nghĩ đã mất con.
Bà Sáu nghĩ mình đã sảy thai 40 năm trước nhưng không ngờ khối thai vẫn nằm trong cơ thể và đã hóa đá.
Sau khi phát hiện bà Sáu mang "thai đá", hàng loạt các cuộc hội chẩn đã được tổ chức để tìm hướng giải quyết. Cuối cùng, các bác sĩ thống nhất để cụ S. tiếp tục “chung sống hòa bình” với khối “thai đá”, vì nếu mổ bóc tách sẽ đối mặt với nhiều rủi ro phẫu thuật khó lường, do tuổi bệnh nhân đã cao, bị tăng huyết áp và nhiều khả năng dính các phủ tạng khác xung quanh… Nếu sau này, có biến chứng phức tạp và nguy hiểm gì, sẽ tính phương án giải quyết.
Bà Sáu cũng chấp nhận "sống chung" với khối thai đá vì phẫu thuật quá nguy hiểm.