Bố mẹ cao nhưng "thúc" kiểu gì con vẫn thấp, BS chỉ ra yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao trẻ ít bố mẹ ngờ tới

Theo các bác sĩ, chiều cao của trẻ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, di truyền và khả năng trẻ có mắc một số bệnh làm giảm sự phát triển của hệ xương không.

Trẻ khỏe mạnh phải đi khám vì ba mẹ thấy chiều cao không như ý

Còn 2 tháng nữa con gái vợ chồng chị Song Hương (Hà Nội) sẽ tròn 5 tuổi. Chị Hương cho biết con gái chị có sức khỏe bình thường, dễ ăn uống, vận động chăm và ít bị bệnh vặt. Bé cũng học chữ, các số, nhận biết các màu nhanh khiến vợ chồng chị khá vui.

Điều khiến vợ chồng chị lo lắng là bé gái 5 tuổi nhưng chỉ cao 93cm, trong khi các bé khác ở tuổi này đã cao 1m10 hoặc hơn. “Vợ chồng tôi cũng có chiều cao tốt, hai bên nội ngoại cũng không ai thấp, không biết tại sao con lại thấp như vậy. Không biết lớn hơn một chút chiều cao của con có thay đổi hay không”, chị Hương lo lắng.

Theo các bác sĩ, trẻ có chiều cao thấp không ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ nhưng sẽ ảnh hưởng đến một số vấn đề khi bé lớn lên. Ảnh minh họa.

Khi vợ chồng chị Hương đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, xét nghiệm máu thì các yếu tố đều bình thường. Bác sĩ trực tiếp khám cho con gái chị Hương cũng không có khuyến cáo nào với sức khỏe của bé. Tuy nhiên, vợ chồng chị Hương vẫn lo lắng, đưa con đi khám nhiều nơi khác để tìm nguyên nhân nhưng kết quả vẫn như cũ. Về nhà, chị mua canxi, hormone, lùng tìm các thực phẩm được nhiều người giới thiệu giúp trẻ ăn tăng chiều cao cho con dùng mà không ăn thua.

Mới đây, chị Hương chia sẻ thắc mắc của mình lên một hội nhóm và nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh khác cũng có con gặp tình trạng tương tự. Trong đó, một người mẹ có con gái 12 tuổi, chỉ cao 1m25 nhưng nặng 43kg cũng rất lo lắng cho tương lai của con mà không biết làm sao. Có trường hợp bé trai học lớp 4, cao 1m30, nặng 26kg cũng khiến cha mẹ lo lắng, cầu cứu nhiều nơi để cải thiện chiều cao, cân nặng cho con nhưng không hiệu quả.

Chị Hương cho biết một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện nhi ở Hà Nội tư vấn rằng có thể do gen di truyền. Có nghĩa rằng, có thể chị Hương và chồng cao nhưng lại có gen thấp lặn, khi hai gen kết hợp với nhau sẽ di truyền cho con. Vị bác sĩ khuyên chị nên bổ sung dinh dưỡng, giúp con ngủ đủ giấc, vận động nhiều hơn để cải thiện chiều cao.

Giúp con có cuộc sống lành mạnh cũng là cách tăng chiều cao

Theo PGS.TS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, mức tăng chiều cao trung bình khi trẻ được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng và hormone cần thiết là 4-7 cm mỗi năm (tính từ sau 4-9 tuổi). Khi dưới 5 tuổi, mức biến động chiều cao của trẻ lớn hơn nhiều, cụ thể là: 0-1 tuổi: tăng trung bình 25 cm; 1-2 tuổi: tăng trung bình 12 cm; 2 - 3 tuổi: tăng trung bình 8,0 cm/năm.

 PGS.TS Vũ Chí Dũng từng khám và điều trị cho bé gái chậm phát triển chiều cao.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh trong 1000 ngày đầu đời (tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi) sẽ quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai. Điều này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Vì vậy, trong giai đoạn này, trẻ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để có thể phát triển chiều cao sau này. Tuy nhiên, ngoài những trẻ đạt được các mốc chiều cao phù hợp với độ tuổi thì còn rất nhiều trẻ chưa đạt chuẩn chiều cao, thậm chí kém tăng trưởng, thấp hơn nhiều so với con số cần có.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nhận nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến khám vì có chiều cao thấp hơn trẻ cùng tuổi. Từ đó, các bác sĩ xác định nguyên nhân khiến trẻ có tình trạng này là do suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng…  

BS.CKII Dương Công Minh, trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho biết đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: mạnh nhất là yếu tố dinh dưỡng (32%), sau đó là yếu tố di truyền (23%), vận động thể lực (20%), môi trường, ánh nắng, tình hình bệnh tật, giấc ngủ…

Bác sĩ Dũng cho biết trẻ chậm tăng trưởng không ảnh hưởng đến sức khỏe, trí thông minh, nhưng chiều cao quá thấp đặc biệt ở độ tuổi trưởng thành sẽ khiến trẻ dễ mặc cảm, tự ti với bạn bè đồng trang lứa, cũng như gây ra một số hạn chế cho các hoạt động sinh hoạt và công việc đòi hỏi về chiều cao.

Để giúp con cải thiện chiều cao, các bác sĩ khuyên cha mẹ cần hỗ trợ và định hướng cho trẻ những thói quen tốt trong đời sống hằng ngày qua các việc sau:

- Cung cấp cho con chế độ dinh dưỡng đủ chất và đa dạng thực phẩm với thịt, cá, trứng, sữa, tinh bột, rau củ quả. Theo các bác sĩ, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng, đặc biệt là giai đoạn tăng trưởng nhanh như tiền dậy thì và dậy thì của trẻ nhỏ. Vì vậy, từ khi chào đời đến khi trẻ dần lớn lên, nhất là trong giai đoạn tiểu học, cần giúp trẻ tăng trưởng đều đặn về thể chất và các chức năng quan trọng khác như tâm lý, vận động… nhằm tạo dự trữ tốt chuẩn bị cho sự tăng vọt ở tuổi dậy thì.

- Tập cho con thói quen vận động thường xuyên bằng các hoạt động phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Việc này không chỉ giúp cho trẻ tiêu hao năng lượng, mà còn giúp các cơ xương được vận động, từ đó góp phần tăng trưởng chiều cao. Việc vận động nhiều cũng giúp trẻ khám phá được nhiều điều thú vị xung quanh mình hơn.

Vận động cũng là một cách giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Ảnh minh họa.

- Cho trẻ ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và đúng tư thế. Theo các bác sĩ, điều này có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của chiều cao xương của trẻ. Các bác sĩ giải thích, tuyến yên của con người tiết ra hormone tăng trưởng GH cả ngày, nhưng vào ban đêm, lượng hormone này được giải phóng cao hơn gấp nhiều lần. Thậm chí đạt cao nhất nếu trẻ đi ngủ trong “khung giờ vàng” là từ 21 giờ tối đến 2 giờ khuya và từ 5 đến 7 giờ sáng.

“Nếu trẻ ngủ ở tư thế thoải mái, cơ thể thả lỏng hoàn toàn, xương và sụn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ áp lực hay sức ép nào thì sẽ rất có lợi cho sự phát triển của chiều cao”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, trong quá trình theo dõi con, nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về tăng trưởng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất. Các bác sĩ khuyến cá, cha mẹ không tự ý sử dụng các hormone tăng trưởng khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.  

* Tên người mẹ đã thay đổi.

Nhà có điều kiện, con ăn không thiếu thứ gì nhưng vẫn thấp nhất lớp, vì sao? TS dinh dưỡng chỉ 6 cách tăng chiều cao