Theo tâm lý chung, khi mang thai hầu hết các mẹ bầu đều sẽ tưởng tượng xem con mình chào đời trông như thế nào. Chắc hẳn đó sẽ là một em bé trắng trẻo, bụ bẫm, xinh xắn giống hệt như các em bé ở trên mạng hay ở trong phim. Thế nhưng, trên thực tế không phải em bé nào ra đời cũng sạch sẽ, trắng hồng đáng yêu như thế. Ngược lại, có nhiều bà mẹ đã bị “ngã ngửa” khi nhìn con lần đầu tiên.
Vốn là hotgirl của trường đại học, Lâm Triệt (sống ở Trung Quốc) càng vui mừng hơn khi kết hôn được với “nam thần” giám đốc trong công ty. Ai cũng bảo vợ chồng cô là “tiên đồng ngọc nữ”, nên chắc chắn sau này con sinh ra sẽ đẹp xuất sắc. Vì thế, trong quá trình mang thai, Lâm Triệt thường tưởng tượng ra hình ảnh một em bé xinh xắn, mũm mĩm đáng yêu đang nằm da tiếp da trên bụng của mình.
Tuy nhiên, sau khi trải qua 3 giờ đồng hồ sinh nở khó khăn đầy đau đớn, thay vì hạnh phúc, Lâm Triệt lại bật khóc nức nở khi nhìn thấy con lần đầu tiên lúc y tá bế em bé đến với mẹ. Đã thế, cô còn xua tay ý bảo y tá đừng mang em bé lại gần.
Nhìn con mới sinh trông như "người tuyết", Lâm Triệt đã hoảng sợ đến mức không dám ôm con vào lòng (Ảnh minh họa).
Và tất cả mọi lời hỏi thăm, an ủi của bác sĩ, y tá đều trở thành tiếng vo ve vì trong đầu Lâm Triệt khi ấy ngập tràn một câu hỏi: “Tại sao bố mẹ đẹp như thế mà con sinh ra lại xấu xí, trông như “người tuyết”? Có sự nhầm lẫn nào xảy ra hay không? Hay mình đã ăn trúng phải cái gì khi đang mang thai nên con mới bị trúng độc mà đột biến gen?”
Sau khi y tá bế đứa trẻ ra ngoài gặp người nhà, bác sĩ mới tiến lại gần hỏi ra Lâm Triệt vì sao lại không nhận con. Nghe cô nói rằng cô cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy khuôn mặt của em bé bị bao phủ bởi một lớp chất sáp màu trắng và hỏi liệu em bé có bị bệnh gì không thì bác sĩ đã bật cười mà giải thích: “Mẹ yên tâm, đứa trẻ này rất khỏe mạnh và xinh đẹp. Còn lớp chất sáp trắng bao phủ người bé chỉ là lớp sáp ngoài da thôi. Tắm rửa sạch sẽ là nó sẽ biến mất ngay”.
Lớp sáp vernix như một chiếc áo bông ấm áp bảo vệ em bé suốt 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ chào đời bình an và khỏe mạnh (Ảnh minh họa)
Cũng theo bác sĩ, lớp sáp trắng này có tên gọi là vernix caseosa. Nó được hình thành trên da bé vào khoảng tuần thứ 17 – 20 của thai kỳ và sẽ theo bé cho đến khi chào đời. Tuy nhìn lớp sáp trắng bám trên người em bé trông “bẩn bẩn”, nhưng thực ra bên trong nó lại chứa chủ yếu là nước (80,5%), phần còn lại là chất béo (10,3%) và protein (9,1%).
Và điều quan trọng, lớp sáp trắng mang trong mình nhiều công dụng “vi diệu” nhằm bảo vệ thai nhi:
- Bảo vệ da thai nhi: Lớp sáp vernix chính là màn ngăn cách giữa nước ối và làn da của thai nhi. Chúng ta đều biết da của em bé rất là mỏng manh, và nếu để da bé “ngâm” 9 tháng 10 ngày trong nước ối thì chắc chắn sẽ bị tổn thương. Vì vậy, lớp sáp trắng giống như một chiếc áo khoác giúp bảo vệ các tế bào da của thai nhi không phải chịu sự tác động của nước ối.
- Giữ ẩm và duy trì nhiệt độ của em bé không đổi sau sinh: Lớp sáp vernix còn là giúp em bé duy trì ổn định thân nhiệt sau khi rời “tổ ấm” của mình ra bên ngoài thế giới. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến cáo không nên tắm cho em bé sạch lớp sáp ngay sau khi sinh. Thay vào đó, hãy đợi khoảng 24 - 48 giờ rồi hãy tắm cho bé.
- Bảo vệ bé không bị nhiễm khuẩn khi sinh thường: “Cô bé” của mẹ đôi khi chứa các loại vi khuẩn, virus gây bệnh và chúng hoàn toàn có thể xâm nhập vào cơ thể của em bé trong quá trình sinh thường. Thế nhưng, nếu có lớp sáp vernix thì đứa trẻ sẽ được bảo vệ an toàn bởi trong chất sáp này có chứa các chất chống lại vi khuẩn và virus.
- Có tác dụng bôi trơn khi sinh: Lớp sáp vernix này còn có tác dụng bôi trơn, vì vậy ở mức nhất định nó giúp em bé đi qua ống sinh dễ dàng hơn.
Nói tóm lại, nếu lần đầu nhìn thấy con mình trông như “người tuyết”, các mẹ không nên sợ hãi hay lo lắng. Thay vào đó, bạn hãy vui mừng vì con mình đã luôn được một chiếc áo bông ấm áp bảo vệ từ khi mang thai cho đến khi chào đời bình an khỏe mạnh.