Video: Chị gái tủi thân vì bố mẹ nằm chơi với em
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài khoảng gần 4 phút ghi lại một cảnh đời thường trong cuộc sống gia đình 4 người (bố mẹ và 2 con) nhưng lại được nhiều người chú ý.
Trong đoạn video được cho là trích xuất từ camera giám sát trong nhà là hình ảnh ban đầu cặp vợ chồng trẻ đang nằm dưới sàn nhà chơi cùng em bé sơ sinh. Khoảng một lúc thì bé gái đi từ trong phòng ra và có ý muốn được chơi cùng bố nhưng sau đó bé lại ra bàn ngồi, gục mặt xuống bàn khoảng lúc lâu sau đó.
Liên lạc với chủ nhân đoạn clip trên, anh Long (Bình Long, Bình Phước), anh trần thuật lại nội dung. "Chuyện là gia đình mình có bé Ry (3,5 tuổi) và mới sinh thêm được một bé Ku Tin khoảng hơn 2 tháng tuổi.
Trước khi sinh bé sau, vợ chồng mình đã thống nhất là sẽ thương yêu Ry hết mức có thể, cố gắng làm tâm lý cho bé là có em, bé vẫn được thương.
Nhưng vợ chồng mình chỉ sơ ý có chút, hai vợ chồng nằm nói chuyện quên để ý đến bé lớn, cho Ku Tin nằm giữa. Lúc bé lớn ra trèo vào người mình định nằm chung mà mình lo nói chuyện, không để ý với sợ bé nằm vào đè trúng người em. Vậy mà Ry để ý, tủi thân ra ghế ngồi, gục mặt một lúc mà bố mẹ cũng không để ý.
Mãi cho ít phút sau mới nhận ra và nhanh chóng làm biện pháp xoa dịu tâm hồn cho con".
Cũng theo chia sẻ của anh Long, ngày thường Ry rất ra dáng làm chị, yêu thương em và ngoan ngoãn. Tuy nhiên chỉ một chút không để ý của bố mẹ mà khiến bé bị tủi thân.
Anh cũng hy vọng đoạn video mà anh chia sẻ sẽ là bài học, kinh nghiệm dành cho rất nhiều các bậc phụ huynh khác trong việc quan tâm, san sẻ tình yêu khi nhà có đông con.
Tại sao trẻ có sự "nghi ngờ" về tình yêu của mẹ? Một khái niệm cần hiểu rõ: Trẻ không nghi ngờ về tình yêu của bạn, mà chỉ là não bộ của trẻ chưa phân biệt "số lượng 1 hay 2 bé là như thế nào?" và não bộ vẫn duy trì tính cố hữu bám dính về tình yêu của mẹ, cho tất cả các bé đến 18 tháng tuổi. Đó cũng là lí do chúng tôi vẫn khuyên cha mẹ: Nếu có thể sắp xếp để sinh em bé thứ 2, thời điểm thuận lợi nhất sẽ là khi bé thứ nhất sau 18 tháng tuổi. Giúp trẻ hiểu về sự có mặt của đứa em Với bé dưới 18 tháng tuổi Việc giúp bé hiểu về sự tồn tại của đứa em là cần thiết trước khi đứa em ra đời và càng cần thiết hơn nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đó cũng là cách mà cha mẹ giúp trẻ phát triến về nhận thức về "sự tồn tại" của "2", thay vì chỉ là "1". Hãy bắt đầu khi bé thứ 2 có thể "đạp vào bụng bạn". Đứa trẻ thứ nhất sẽ rất tò mò tại sao mẹ mình thường nói chuyện với "em bé". Bé vẫn chưa hiểu "em bé" là như thế nào? Cha mẹ có thể làm như thế này: - Hãy nói cho trẻ biết: “Mẹ có 1 em bé sẽ ra đời vài tháng nữa, con có muốn nghe em bé nói chuyện với con không”. Hãy để bé nghe tiếng đạp của bé thứ 2 vài lần trong ngày. Hãy nói với bé: Con hãy chạm tay vào bụng mẹ, em bé sẽ nghe con nói đó. - Hãy cho bé biết “Em bé sẽ ra đời như thế nào?” bằng việc cho bé 1 con búp bê hoặc 1 món đồ chơi bé thích và nói em bé ra đời như cách mà con dành sự yêu thích này lên món đồ này, con có thích món đồ này không và con có muốn bảo vệ món đồ này không? Hãy cho bé biết, em bé ra đời con có thương em bé không? Cứ nhắc lại các câu hỏi và trò chuyện Với bé lớn hơn 18 tháng Khi em bé thứ 2 vẫn chưa sinh ra: Việc để bé lớn hơn 18 tháng tuổi hiểu sự có mặt của em bé sẽ dễ dàng hơn. Cứ hãy cho bé biết mẹ sẽ có em bé và em bé sẽ làm em của con. Bé tuổi này có thể nhận thức là "em của bé". Vẫn những hành động ở trên dành cho bé dưới 18 tháng tuổi, nhưng ở đây bạn sẽ nhấn mạnh hơn khái niệm "anh/chị và em". Vào ngày bé thứ 2 ra đời Vào ngày em bé thứ 2 chào đời, hãy cho bé thứ nhất nhìn mặt em bé, đừng trì hoãn điều này sau 72 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt) vì trẻ thứ nhất cần tạo một liên kết đặc biệt với bé thứ 2 này. Khi cả hai bé cùng chơi với nhau Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em. Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng - 48 tháng tuổi. Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé, rồi đến con”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé. Nếu bé thứ 2 lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc chuyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ. Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi. |