Trong thời gian mang thai, các bác sĩ đều khuyến khích mẹ bầu đi khám đầy đủ và đúng lịch. Siêu âm, thăm khám không chỉ giúp theo dõi tình trạng sức khỏe mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi mà còn phát hiện những vấn đề trong thai kỳ để có thể xử lý sớm nhất như trường hợp của bà mẹ dưới đây.
Ngày 9/12, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa thông tin về ca mổ lấy thai kết hợp phẫu thuật u xơ tử cung có kích thước rất lớn diễn ra tại đây. Trước đó, sản phụ T. (41 tuổi, trú thị xã Hoàng Mai) mang thai lần 2 nhập viện Sản Nhi Nghệ An để sinh con. Đặc biệt, sản phụ có khối u xơ tử cung tiền đạo kích thước lớn (khoảng 25x30 cm). Khối u nằm ngay đoạn eo tử cung, ngôi thai bất thường.
Các bác sĩ đã chuẩn bị kĩ lưỡng để bóc tách u xơ và mổ lấy thai cho sản phụ 41 tuổi.
Nhận định đây là trường hợp phức tạp bởi khối u có kích thước lớn, mạch máu tăng sinh nhiều nên quá trình phẫu thuật rất khó khăn. Ngoài ra, với khối u kích thước lớn, ngay cả không có thai đã là điều khó với các phẫu thuật viên bởi việc bóc tách và đưa khối u ra sẽ gặp nhiều trở ngại. Bởi, nếu không thận trọng có thể gặp nhiều tai biến đáng tiếc.
Với trường hợp này, Khoa Sản bệnh, Khoa Gây mê, Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh đã hội chẩn kĩ càng, lên phương án phẫu thuật tỉ mỉ, chính xác.
ThS.BS. Lê Văn Hoành (phẫu thuật viên chính ca mổ) chia sẻ: "Đối với những trường hợp mang thai kèm u xơ tử cung khác, thường phẫu thuật viên sẽ xử lý lấy em bé ra trước, sau đó lý khối u xơ. Với ca bệnh này, khối u choán hết gần như đoạn eo và mặt trước tử cung, tử cung biến dạng hoàn toàn nên chúng tôi quyết định bóc u xơ rồi mới lấy thai".
Quá trình bóc u xơ diễn ra khó khăn phức tạp, kíp mổ làm việc tập trung, chính xác để lấy được khối u xơ tử trọng lượng hơn 2000gr ra khỏi tử cung. Lúc này, tử cung của sản phụ chảy máu nhiều, các bác sĩ xử lý cầm máu nhanh và tiến hành lấy thai. Túi ối đã vỡ, ngôi thai nằm ngang tiếp tục là thách thức cho ê kip phẫu thuật vì có thể gây gãy tay, gãy chân em bé. Các bác sĩ phải rất cẩn thận, chuẩn xác và đón được em bé nặng 3 kg chào đời an toàn.
Sau mổ, tình trạng sản phụ T. và em bé ổn định, được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Sản bệnh, sớm được xuất viện về nhà.
U xơ tử cung thường phát triển rất nhanh khi người mẹ mang bầu. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ khuyến cáo, u xơ tử cung trong thai kì thường gặp với mẹ bầu trên 30 tuổi. Kích thước của u xơ trong 9 tháng mang thai có thể tăng nhanh do sự gia tăng của các hormone nội tiết. Khi u xơ càng to thì rủi ro tiềm ẩn với thai nhi càng lớn, bởi khối u sẽ chiếm 1 phần không gian trong buồng tử cung và chèn ép lên thai nhi. Đồng thời, lớp nội mạc tử cung có thể bị ảnh hưởng, điều này dẫn đến những bất thường về ngôi thai, sẩy thai, đẻ non, rối loạn cơn co khi chuyển dạ và băng huyết sau sinh. Ngoài ra, nếu u xơ nằm ở gần cổ tử cung còn cản trở đường chào đời của bé.
Đối với mẹ bầu thì việc phẫu thuật loại bỏ u xơ tử cung là rất hạn chế, chính vì vậy, sản phụ nếu mắc u xơ tử cung trong thời gian mang thai cần phải thăm khám, tư vấn điều trị sớm tại các Bệnh viện chuyên sâu Sản khoa để tránh ảnh hưởng xấu tới thai kỳ và sinh nở.
8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được bỏ qua
Trường hợp của chịT. đã thăm khám và phát hiện khối u khá sớm nên các bác sĩ có thể theo dõi tình hình phát triển trong quá trình mang thai, từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp. Kết quả là em bé đã chào đời khỏe mạnh và người mẹ cũng được loại bỏ khối u thành công.
Đối với các mẹ bầu, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi từ những ngày đầu thai kỳ đến lúc sinh là việc làm rất quan trọng. 8 mốc khám thai cần thiết dưới đây mẹ bầu phải thực hiện đầy đủ, không được bỏ qua.
- Lần thứ nhất (6-8 tuần): Xác định lại thai kỳ, kiểm tra tim thai.
- Lần thứ hai (11-14 tuần): Đo độ mờ da dáy, sàng lọc dị tật.
- Lần thứ ba (16 tuần): Theo dõi sự phát triển của thai nhi.
- Lần thứ tư (22-23 tuần): Tầm soát các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật ở các cơ quan nội tạng.
- Lần thứ năm (26 tuần): Tiêm mũi uốn ván. Phát hiện bất thường ở mẹ và con.
- Lần thứ sáu (31-32 tuần): Phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung.
- Lần thứ bảy (36 tuần): Đo tim thai và chuyển động thai, lên kế hoạch sinh con.
- Lần thứ tám (sau 36 tuần): Bác sĩ sẽ chỉ định khám 1 tuần - 2 tuần/lần để theo dõi dấu hiệu sinh.