Mong con mỗi ngày đều có một giấc ngủ ngon là ước muốn của mọi bậc cha mẹ. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng bắt đầu một giấc ngủ dễ dàng. Rất nhiều bé sẽ khiến bố mẹ phải “vật lộn” tới khuya mà chưa chịu ngủ yên. Điều đó thật là một cơn ác mộng, nhất là với những người ngày hôm sau vẫn phải đi làm.
Cách đây không lâu, mạng xã hội xuất hiện 1 video với nội dung dỗ con ngủ của một gia đình. Điều đáng nói là ở chỗ, không chỉ có người mẹ vật lộn dỗ con mà cả nhà cùng phải xúm vào để giúp cho bé ngủ. Qua video có thể thấy không gian bên ngoài rất yên tĩnh, tối đen… có thể suy ra đó là khoảng thời gian khá muộn. Và trong căn phòng nhỏ, người bố bế con, ông bà nội cũng cùng “tham chiến” bằng cách cầm trên tay các túi nilon tạo "tiếng ồn trắng" để giúp cháu ngủ còn người mẹ thì đứng quay video.
Video chia sẻ cảnh cả nhà vật lộn dỗ trẻ ngủ thu hút sự quan tâm của cư dân mạng
Đoạn video khá thú vị này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Một vài người bật cười vì tình cảnh khốn khổ của gia đình này nhưng cũng có một số người cho rằng: “Chỉ là dỗ cho con ngủ thôi mà phải áp dụng những điều này thì sớm muộn gì cũng làm hư đứa trẻ”. Phần đông cho rằng đây không phải là cách để giúp trẻ ngủ ngon mà cần phải tìm hiểu nguyên nhân nào khiến trẻ khó ngủ, đó mới là gốc rễ của vấn đề.
Ngoài ra, nên dạy đứa trẻ tự ngủ sẽ tốt hơn cứ liên tục thay phiên nhau bế ẵm rung lắc.
Nhiều người cho rằng cách chăm sóc trẻ thế này sẽ khiến trẻ càng khó đi vào giấc ngủ hơn
Vậy những nguyên nhân nào khiến trẻ ngủ không ngon giấc?
Trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày
Thông thường, khi trẻ vài tháng tuổi, chúng có thể ngủ cả ngày và đêm vẫn tiếp tục say giấc mà không có vấn đề gì cả. Thế nhưng khi trẻ lớn hơn, điều này không còn đúng nữa. Nếu trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày, trẻ sẽ có xu hướng ngủ muộn, khó đi vào giấc ngủ lúc ban đêm.
Phương pháp cho ăn không hợp lý
Việc bú không đều và để trẻ bú quá no sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé phải làm việc quá sức, dẫn đến chậm quá trình tiêu hóa và trao đổi chất. Trẻ có thể bị đầy hơi, khó tiêu, nấc cụt. Những điều này khiến bé trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm.
Nếu trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày, trẻ sẽ có xu hướng ngủ muộn, khó đi vào giấc ngủ lúc ban đêm. (Ảnh minh họa)
Vỗ về, ôm ấp trẻ quá nhiều
Một số ông bố bà mẹ thích ôm con ngủ, lúc nào cũng nóng lòng muốn ôm con vào lòng. Bề ngoài thì việc này có vẻ như là một cách chăm sóc trẻ nhưng thực chất nó liên quan đến chất lượng giấc của trẻ rất nhiều. Trẻ sẽ mất đi cơ hội tự đi vào giấc ngủ, cần phải vỗ về, dỗ ngủ thật nhiều mới được.
Vậy làm thế nào để rèn cho trẻ thói quen ngủ:
Để trẻ vận động, hoạt động nhiều hơn vào ban ngày
Vào ban ngày, tâm trạng và năng lượng của bé sẽ tốt hơn. Cha mẹ không cần phải bắt ép con ngủ chỉ vì lo con không ngủ đủ giấc. Hãy đưa con đi chơi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều trò, trẻ cũng dần phân biệt được sự khác nhau giữa ngày và đêm, biết thời điểm nào là lúc cơ thể cần đi ngủ, nghỉ ngơi.
Tạo môi trường ngủ thoải mái
Không nên cười đùa, trêu chọc trẻ trước khi ngủ, vì điều đó dễ khiến trẻ hưng phấn và bắt đầu hoạt náo trở lại.
Hãy tắt đèn điện sáng trưng đi, giảm tiếng ồn và nói với con rằng: “Trời tối rồi, đã đến giờ đi ngủ rồi” để hình thành khái niệm trong trẻ.
Bố mẹ nên tạo môi trường ngủ yên tĩnh cho trẻ để giấc ngủ đến nhanh hơn (Ảnh minh họa)
Nếu như trẻ đang phải đối diện với các vấn đề về cơ thể như khó chịu, đầy hơi, hay bị giật mình… cha mẹ có thể giúp con vận động bằng những tư thế để bé thoát khí như co duỗi 2 chân một chút trước khi ngủ, đắp một chiếc chăn mỏng ngang thân để hạn chế giật mình.
Tạo điều kiện đi ngủ kịp thời khi trẻ có nhu cầu
Ngoài các biểu hiện như quấy khóc, trẻ sơ sinh thường có các hành động như gãi tai, xoa mặt, gãi đầu, tự giật tóc, ngáp… Đây là những dấu hiệu trẻ muốn được đi ngủ. Vào lúc này, người lớn nên tạo điều kiện để trẻ đi ngủ kịp thời đúng vào giấc ngủ.
Khi thấy trẻ buồn ngủ, cha mẹ nên dừng mọi việc lại, đưa con vào phòng ngủ yên tĩnh, mở nhạc nhẹ để trẻ thư giãn và trẻ sẽ tự nhiên đi vào giấc ngủ. Nếu để trẻ đi qua cơn buồn ngủ thì việc ngủ lại sẽ khó khăn hơn.