Bước vào độ tuổi dậy thì, các bé gái thường sẽ trải qua quá trình “lột xác” khiến cho diện mạo thay đổi khác so với trước đây. Thông thường các đường nét sẽ rõ ràng và sắc sảo hơn nên vẻ ngoài đương nhiên cũng sẽ gây ấn tượng hơn. Cách đây ít giờ, mẫu nữ quê gốc Bắc Ninh Đào Lan Phương đăng tải trên trang cá nhân bức ảnh chụp con gái lớn Sophia Hoàng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Trong hình, con gái Đào Lan Phương ăn mặc giản dị, mái tóc đen dài nền nã, nhiều người lần đầu nhìn tưởng gái quê, nhưng hoá ra cô nàng lại là cháu nội tỷ phú Hoàng Kiều, “đại tiểu thư” tài phiệt sống trong căn biệt thự 750 tỷ ở Mỹ. Ở lứa tuổi 16 dậy thì, ái nữ sở hữu nhan sắc cùng thần thái xinh đẹp từ mẹ mỹ nhân.
Dù sinh ra đã ngậm thìa vàng, sống tại Mỹ nhưng Sophia Hoàng luôn được bố mẹ dạy cách tự lập, làm các công việc nhà, trông em. Con gái Đào Lan Phương cũng không xin bố mẹ mua đồ đắt tiền, chỉ sắm những món đồ bản thân thực sự cần.
Biệt thự 750 tỷ ở Mỹ - nơi cháu gái tỷ phú Hoàng Kiều đang ở.
Bà mẹ 2 con từng tâm sự trước truyền thông về quan điểm nuôi dạy con ở đất Mỹ: "Đánh giá sự giàu nghèo hay tốt xấu của một người dựa trên vẻ bề ngoài là không chính xác. Thường thì mọi người sẽ nghĩ rằng nếu giàu thì phải sở hữu hàng hiệu, đồ đắt tiền, nhưng thực tế không phải vậy. Nhà tôi không có bất kỳ nguyên tắc về vật chất hay bề ngoài nào, mà chỉ dựa trên tiêu chí cái gì đẹp và phù hợp.
Chúng tôi cho phép các con tự chọn những thứ mà chúng thích, và từ nhỏ, chúng đã được dạy rằng không phải món đắt tiền nào cũng đẹp. Ngay cả tôi cũng vậy, nếu một món đồ thời trang không phải là hàng hiệu nhưng lại vừa mắt, tôi sẽ mặc nó đi bất cứ đâu, thậm chí còn thích hơn những món đồ đắt tiền và hiệu nổi tiếng.
Ông xã tôi cũng rất đơn giản, anh không quan tâm đến việc sở hữu những chiếc xe sang, quần áo hay phụ kiện đắt tiền. Trong gia đình chúng tôi, mọi thứ đều rất tự nhiên, đơn giản và chỉ được lựa chọn dựa trên sở thích cá nhân của từng người. Chúng tôi tin rằng, sự giàu có thực sự nằm ở tâm trạng hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống của mỗi người”.
Đó là lý do mà con gái Đào Lan Phương luôn xuất hiện với hình ảnh “đại tiểu thư” mang phong cách giản dị, dù ăn mặc áo quần đơn giản không hàng hiệu xa xỉ nhưng Sophia vẫn toát lên vẻ yêu kiều, đẹp sang đúng chuẩn cháu gái nhà hào môn.
Cô bé ăn mặc giản dị, không hàng hiệu đắt tiền nhưng vẫn rất ra dáng "đại tiểu thư".
Việc trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng luôn biết cách sống giản dị, tiết kiệm như cô bé Sophia là rất hiếm. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các nuôi dưỡng, giáo dục của bố mẹ. Vì thế để dạy trẻ cách sống tiết kiệm, giản dị, các bậc cha mẹ có thể áp dụng 3 cách sau của chị Phan Hồ Điệp - mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam, đồng thời từng là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
1. Cách thường làm nhất là bố mẹ hãy làm cho con ba lọ, bên ngoài để là: Tiền tiết kiệm/ Tiền chi tiêu/ Tiền cho đi.
Để có được nguồn tiền, con cần lao động và bố mẹ sẽ trả công.
Có thể lên danh sách những việc con sẽ được trả công, ví dụ cho chó mèo ăn, tưới cây, lau xe, đóng hộp đựng đồ chơi... Ý kiến cá nhân mình là không nên trả tiền cho những việc liên quan đến học và đọc. Chỉ nên trả tiền cho những gì liên quan đến lao động của trẻ.
Nguồn tiền cũng có thể đến từ việc "trợ cấp” của bố mẹ hàng tuần hoặc hàng tháng.
Sau khi có được nguồn tiền, hãy hướng dẫn con chia ra các lọ, theo cách: 20% lọ “tiền tiết kiệm”; 20% lọ "tiền cho đi” và 60% còn lại là ở lọ" tiền chỉ tiêu".
Thảo luận để xem tiền trong các lọ sẽ dùng vào mục đích gì, ví dụ tiền chi tiêu sẽ dùng để mua ăn sáng, mua quà sinh nhật, mua đồ chơi, mua sách...
“Tiền cho đi” sẽ dùng cho các hoạt động như: ủng hộ quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang, mua tặng suất ăn cho các bạn mồ côi...
Hãy khuyến khích để con tăng nguồn tiền trong khả năng và được sự cho phép như vẽ tranh, làm đồ chơi để bán, cho thuê sách, cho thuê xe đạp trong khu dân cư...
2. Rủ con tham gia những hoạt động có thể giúp cắt giảm chi tiêu, ví dụ:
Nhờ con tìm các phiếu mua hàng giảm giá.
So sánh xem nên mua loại thực phẩm nào để tiết kiệm mà vẫn phù hợp. So sánh chi phí giữa một bữa ăn ở ngoài hàng và mua về nhà ăn.
Nhờ con giữ hộ các hóa đơn như tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước... và bàn với cả nhà xem nên làm những gì để giảm số tiền phải trả ở tháng sau.
Khuyến khích con tận dụng những cuốn vở cũ làm giấy nháp, tận dụng áo của bố làm áo choàng khi học vẽ, tận dụng các hộp bìa làm thùng để đồ chơi... và tỉnh xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu.
3. Khi cùng con đi siêu thị, có thể lên danh sách những thứ cần và những thứ muốn
Và tất nhiên, hãy chọn những thứ cần trước đã, số tiền còn lại sẽ cân nhắc để mua hoặc không mua những thứ muốn (ví dụ một món đồ chơi của con).
Sẽ có nhiều cách khác mà các bạn sẽ nghĩ ra. Tuy nhiên phải nói thực, đây là việc rất khó.
Vì trẻ con hiện nay bị tác động bởi nhiều thứ liên quan đến vật chất. Chúng sẽ mong muốn có nhiều đồ chơi khi còn nhỏ và khi lớn lên là quần áo, phụ kiện, điện thoại, xe... Và “thế hệ thú cưng" ra đời với việc chỉ tiêu không cần phải nghĩ.
Hôm trước đọc lời khuyên này khiến mình ngạc nhiên, đó là: Khi con đòi mua gì đó, bạn đừng nên nói với con là bạn nghèo (kể cả bạn có nghèo thật) mà hãy nói với con là điều đó chưa có trong danh sách chi tiêu. Muốn có chúng ta cần phải tiết kiệm và thực hiện những công việc gì.