Mọi người mẹ trên thế giới này đều xứng đáng có được hạnh phúc, bởi vì con vì gia đình mẹ đã đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ. Chị Võ Thảo Linh (sống tại Đà Nẵng) là một bà mẹ mạnh mẽ, nghị lực như thế, mà những ai đã từng nghe qua cậu chuyện của chị cũng phải trầm trồ, nể phục.
Năm 19 tuổi chị làm mẹ đơn thân, sự ra đi bất ngờ của người yêu đã trở thành cú sốc lớn nhất cuộc đời chị. Nhưng rồi chị cũng đã nỗ lực sinh con gái ra và nuôi dạy đứa trẻ khôn lớn. Mười mấy năm sau chị lấy chồng, cứ ngỡ hạnh phúc đã mỉm cười với bà mẹ đơn thân nhưng sóng gió vẫn chưa qua đi. Cuộc hôn nhân kéo dài 2 năm rồi tan vỡ khi chị bị bác sĩ chẩn đoán vô sinh thứ phát.
Trải qua hết ải khổ này đến gian nan khác, cuối cùng ở thời điểm hiện tại, chị cũng đã tìm được bến đỗ bình yên cho riêng mình cùng với ông xã Dezso Molnar (người Hungary) và các con. Mối lương duyên của bà mẹ đơn thân với bác sĩ nổi tiếng ở Đức khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.
Chị Linh và anh Dezso.
Trải qua 2 cuộc tình không trọn vẹn, một lần đi khám vô sinh, mẹ đơn thân Đà Nẵng "phải lòng" bác sĩ nổi tiếng
Trải qua 2 lần không trọn vẹn trong chuyện tình cảm, động lực nào đã thôi thúc chị mở lòng đón nhận hạnh phúc mới?
Mục đích ban đầu mình gặp anh Dezso chỉ đơn thuần là một người cần sự tư vấn của bác sĩ. Trước đó mình đã khám nhiều bệnh viện và họ kết luận mình bị vô sinh thứ phát, nhưng không nơi nào cho mình được câu trả lời thoả đáng về nguyên nhân vì sao mình lại bị như vậy. Mười mấy năm rồi mà mình vẫn không thể sinh con, trong khi đó mình đã sinh bé gái đầu lòng năm 19 tuổi thuận lợi.
Thời điểm đó, mình liên hệ qua mạng với anh Dezso để thoả mãn sự tò mò, muốn có thêm một sự tham khảo nữa về vấn đề mình gặp phải. Khi mình chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân, ngoài khía cạnh y khoa anh Dezso cho mình những lời khuyên thì anh còn bày tỏ sự cảm thông, anh thấy mình là một người mạnh mẽ dám đối mặt và chấp nhận làm mẹ đơn thân khi còn rất trẻ.
Sau lần đó thì mình và anh vẫn giữ liên lạc, nói chuyện với nhau. Khi anh về Việt Nam, anh đã quyết định ghé Đà Nẵng du lịch và mình là "hướng dẫn viên" hỗ trợ anh trong chuyến đi đó. Lần đầu gặp cả hai chỉ cảm thấy có cảm tình với nhau, chị vẫn còn rất tổn thương vì chuyện quá khứ nên chưa sẵn sàng mở lòng.
Mãi cho đến Tết, anh Dezso quay lại Việt Nam lần nữa thì cả hai mới cho nhau cơ hội làm quen.
Trước khi gặp anh Dezso, chị đã trải qua những khó khăn ra sao khi phải một mình nuôi con gái?
Mình khá vất vả ở giai đoạn mang thai, và khi con còn nhỏ. Thời điểm phát hiện ra bản thân đang mang thai là 1 tháng sau khi bạn trai mất. Thực sự đó là khoảng ký ức mà đến bây giờ khi nhắc lại, mình cảm thấy vết thương vẫn còn đau âm ỉ.
Ban đầu mình không nói với gia đình chuyện mình mang thai, và cũng không ai biết vì bụng mình đến tháng thứ 6 vẫn còn rất nhỏ. Nhưng cuối cùng thì mẹ mình và ông bà nội của bé cũng biết, họ đón nhận với niềm hạnh phúc, vui vẻ.
Vì làm mẹ khi mới 19 tuổi nên mình khá hoang mang, lo lắng do không có kinh nghiệm gì cả. May mắn là thời điểm đó có ông bà nội của bé chăm sóc, chuẩn bị mọi thứ. Lúc sinh bé mình cũng gặp khá nhiều khó khăn, vì sức khoẻ yếu sau khi chịu cú sốc lớn, nhưng may mắn là vẫn "mẹ tròn con vuông".
Sau khi con được 1 tuổi, mình gửi con cho mẹ ở quê và quyết định vào Sài Gòn tiếp tục chuyện học hành đang dang dở. Giai đoạn đó khá vất vả, cứ mỗi cuối tuần là mình lại bắt xe về với con và điều đó kéo dài suốt mấy năm trời. Cho đến khi mình tốt nghiệp đại học và đi làm thì mọi thứ dần ổn định.
Quay lại một chút về khoảng thời gian mà con gái chị gặp anh Dezso lần đầu tiên là trong hoàn cảnh nào, và bé có nhận xét gì về anh thưa chị?
Trước khi gặp anh Dezso thì con gái mình cũng đã từng sống trong cảnh bố dượng - con riêng nên bé không quá hoang mang. Từ nhỏ con đã là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Tuy nhiên vì cuộc hôn nhân với chồng cũ của mình không mấy suôn sẻ, con gái cũng là người biết rõ điều đó nên bé cũng dần khép kín hơn về sau.
Khi gặp anh Dezso, con không phản ứng gì cả, không chấp nhận mà cũng không phải không đồng ý, con chỉ im lặng quan sát để có thể cảm nhận được mọi chuyện.
Hiện tại mối quan hệ giữa ông xã Dezso và con gái chị như thế nào?
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, con không gọi anh Dezso là bố, mà gọi bằng chú nhưng mối quan hệ giữa anh và con đã gắn bó hơn rất nhiều so với trước đây. Kể từ thời điểm con quyết định đi du học, con bắt đầu cởi mở, lắng nghe và chia sẻ với anh nhiều hơn.
Cả hai giống như những người bạn, chưa hẳn là cha con bởi mình hiểu con cần thời gian để chấp nhận. Mình không thúc ép hay can thiệp mà để anh và con tự tìm cách để hoà hợp, gắn kết với nhau.
Được biết anh Dezso cũng là một ông bố đơn thân 4 con, chị làm thế nào để con chung - con riêng trong gia đình hoà hợp với bố mẹ và với nhau?
Thời điểm mình và anh Dezso tiến đến một mối quan hệ lâu dài thì cả 4 con riêng của anh đều đã ở độ tuổi trưởng thành. Các con đủ nhận thức và hiểu về câu chuyện của bố mẹ nên hoàn toàn không có khúc mắc hay phản đối gì cả. Ngược lại thì các con rất vui vẻ chào đón mình.
Khi mình sinh Aaron, các con riêng của anh đã chủ động đi làm kiếm tiền rồi để dành mua vé máy bay bay sang Việt Nam thăm em. Mặc dù cùng cha khác mẹ, nhưng các con thương em trai lắm.
Không chỉ các con riêng của anh Dezso mà mẹ chồng cũng rất thương mình. Lúc nào mình sang Hungary chơi, mẹ cũng đều thể hiện tình cảm bằng những hành động nắm tay, ôm (vì bà không biết nói tiếng Anh) và cực kỳ trân quý các món quà mình tặng cho bà.
Mẹ chính là người khuyên anh Dezso về Việt Nam sống, bà bảo anh là "Gia đình, vợ con ở đâu thì mình ở đó". Dù lúc đó bà đã tám mươi mấy tuổi, và anh Dezso là con một, nhưng bà vẫn động viên anh về Việt Nam, bà có thể tự sống một mình được.
Sự xuất hiện của con trai lai 4 dòng máu đã giúp bố mẹ gắn kết lại với nhau trước bờ vực tan vỡ
Bị chẩn đoán vô sinh nhưng sau đó bất ngờ mang thai con trai Aaron, chị hãy kể lại cảm xúc và hành trình con trai đến với mình nhé?
Thời điểm đó mình sang Châu Âu chơi với anh, nhưng thực sự là dù đi chơi nhưng mình không cảm thấy hào hứng gì cả mà cơ thể lúc nào cũng rất mệt mỏi. Đó có thể là dấu hiệu đang mang thai nhưng mình lại không biết. Khoảng thời gian ở Châu Âu, mình và anh Dezso đã liên tục có những cuộc cãi vả. Đến ngày tiễn mình về Việt Nam, mình và anh đều trong tâm thế đây có thể là lần gặp nhau cuối cùng, vì sau đó có thể là đường ai nấy đi.
Nhưng đến khi về Việt Nam, mình vẫn thường trong trạng thái mệt mỏi, trước đó còn bị đau dạ dày nên đến bệnh viện khám. Ở đây bác sĩ bất ngờ thông báo mình đã mang thai được 11 tuần. Nhận được tin này, mình thực sự vô cùng sốc. Đến 2 ngày sau mình mới quyết định nhắn tin thông báo cho anh.
Ban đầu anh còn không biết đó là mình, tưởng mình đang nhờ tư vấn giúp bạn. Nhưng sau khi nghe nói người mang thai là mình thì anh đã hạnh phúc đến mức bật khóc, vội vàng điện thông báo cho các con. Và chính các con riêng của anh đã khuyên bố phải về Việt Nam sống với mình.
Thời điểm đó anh vừa nhậm chức trưởng khoa sản tại một bệnh viện có tiếng ở Đức, nhưng cuối cùng phải bỏ ngang và đền bù hợp đồng số tiền lớn để có thể về Việt Nam.
Anh Dezso là một bác sĩ sản khoa có tiếng, hẳn là hành trình đi sinh của chị sẽ nhẹ nhàng hơn đúng không thưa chị?
Đúng là có anh Dezso bên cạnh, lần mang thai thứ hai này mình tự tin hơn rất nhiều vì mọi thứ đã có anh lo, anh hướng dẫn cho mình từ A đến Z. Ở lần mang thai đầu tiên, mình đã đứng trước bờ vực tử vì bị băng huyết nên cực kỳ lo sợ. Tuy nhiên anh Dezso đã luôn ở bên chăm sóc và động viên mình, dạy mình rất nhiều kiến thức sinh sản. Đó cũng là lý do vì sao ở hiện tại, mình có thể hỗ trợ được anh Dezso trong công việc tư vấn y khoa.
Khoảng cách về độ tuổi và khác biệt trong văn hoá có khiến cho chị và anh Dezso gặp bất đồng trong việc nuôi dạy con, nếu có thì anh chị sẽ giải quyết bằng cách nào?
Khoảng cách về thế hệ và văn hoá là một rào cản khiến cho mình và anh Dezso gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề cùng nuôi dạy con. Ví dụ như anh thì rất chú trọng cho con tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời, nhưng mình thì lại xót con, sợ nắng mưa bé sẽ dễ bị ốm nếu như cứ ở ngoài trời nhiều.
Về vấn đề ăn uống, mình muốn con ăn nhiều để bụ bẫm, nhưng quan điểm của anh thì khác. Anh sẽ để con được ăn theo sở thích, muốn gì ăn nấy, không muốn thì thôi không ép. Sự khác nhau trong phương pháp nuôi dạy con đã khiến chồng với mình thường xuyên xảy ra tranh cãi.
Tuy nhiên tụi mình hiện tại vẫn đang cố gắng điều chỉnh, bằng cách mỗi người chịu nhẫn nhịn một chút để có thể dung hoà được với nhau. Mình và anh phân chia công việc nuôi dạy con rõ ràng, như vậy sẽ tránh được sự bất đồng diễn ra nhiều. Mình sẽ lo về vấn đề ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, ăn mặc... còn anh Dezso sẽ chịu trách nhiệm ở khía cạnh vui chơi, vận động của con.
Con trai chung lai 4 dòng máu của chị và anh Dezso có dễ nuôi dạy, chị giáo dục bé theo kiểu phương Tây hay truyền thống Việt Nam?
Mình và ông xã thống nhất với nhau sẽ nuôi dạy con kết hợp cả hai nền văn hoá, phương Tây và Việt Nam. Những giá trị nào tốt đẹp của cả hai thì mình sẽ mang ra sử dụng, giáo dục bé.
Khi quyết định sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi sinh sống của gia đình, anh Dezso và cả mình đều cực kỳ thích văn hoá gia đình ở nước ta. Nghĩa là ở Việt Nam, mối quan hệ, tình cảm gia đình rất được coi trọng, không giống như phương Tây, khi trẻ đủ 18 tuổi sẽ rời nhà và tự lo cho bản thân và có gia đình riêng thì họ cũng sẽ chỉ tập trung dành sự quan tâm cho gia đình đó.
Chồng mình là người mang 3 dòng máu Đức, Hung và Do thái, có bố mẹ đều là người làm giáo dục (mẹ là hiệu trưởng trường tiểu học, bố là giảng viên đại học) nên chịu ảnh hưởng khá nhiều về cách dạy con của người Do thái. Anh luôn ưu tiên dạy con theo quan điểm con và bố mẹ là bạn bè để trao đổi, làm bạn và hiểu con.
Anh nói rằng người Do thái có quan điểm là con đến với mình là từ sự mong muốn của mình, chứ đâu có được hỏi ý kiến nó nên bố mẹ không có quyền áp đặt là con phải biết ơn vì sự ra đời của con mà cho mình quyền cao hơn con, áp đặt con.
Ngược lại, con là người dạy mình biết làm cha làm mẹ, dạy mình biết cách cư xử với con nên cha mẹ cần làm bạn và hoà vào thế giới của con để hiểu con, không áp đặt suy nghĩ của mình lên con mà cứ để con mặc sức tưởng tượng và suy nghĩ theo cách nhìn của riêng bé.
Vợ chồng mình luôn quan điểm con mang cả dòng máu Việt và Châu Âu, nên gốc rễ của con dù Việt Nam hay Châu Âu đều phải được tôn trọng như nhau, không bên nào hơn bên nào. Hiện nay sống tại Việt Nam nên ưu tiên con hiểu rõ Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam là đầu tiên. Nhưng bé Aaron nhà mình đến bây giờ thì con có thể nói được cả 2 thứ tiếng.
Trong gia đình, anh chị có phân chia việc ai sẽ chăm con và ai sẽ lo kinh tế chính không?
Mình và chồng có sự thống nhất về mặt tài chính. Tiền riêng của mỗi người sẽ do người đó giữ và tự quyết định, chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân chứ không để vào quỹ chung của gia đình. Các khoản chi tiêu trong gia đình sẽ được trích ra từ lợi nhuận của phòng khám mà hiện tại 2 vợ chồng đang điều hành.
Tiền riêng của anh kiếm được từ các khoản thu nhập khác thì sẽ chi cho gia đình bên Hungary, đồng thời chi trả tiền học phí cho con gái mình đang du học. Còn tiền sinh hoạt của con thì mình sẽ bỏ ra từ tiền riêng kiếm được.
Chị và anh Dezso đã có kế hoạch sinh con thứ hai?
Kế hoạch của vợ chồng mình sẽ không có bé thứ hai, vì anh Dezso cũng lớn tuổi rồi. Tất cả mọi thứ hiện tại vợ chồng mình chỉ xoay quanh 2 bé là con gái riêng của mình và con trai chung Aaron. Mặc dù mình cũng thích có nhiều con, nhưng thực sự thì tuổi mình không cho phép, hơn nữa việc đi lại giữa hai nước sẽ gây khó khăn hơn để vợ chồng mình có thể ổn định cuộc sống.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!