Khoa học đã cho thấy, những em bé sinh ra bởi bố mẹ có quan hệ họ hàng gần gũi gặp rất nhiều nguy hiểm. Theo đó, nếu vợ chồng có huyết thống gần nhau (hôn nhân cận huyết) thì khả năng rất cao có 2 nhiễm sắc thể giống nhau. Con sinh ra có 2 nhiễm sắc thể giống nhau thì những gen bệnh sẽ biểu hiện ngay thành các tính trạng trội, tức các gen bệnh biểu hiện ra bên ngoài càng lớn. Bởi thế các cặp vợ chồng muốn kết hôn phải có huyết thống cách nhau ít nhất 3 đời để tránh nguy cơ nhiễm sắc thể trùng.
Trẻ em sinh ra từ những cuộc hôn nhân cận huyết dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD. Trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao.
Cũng chính vì vậy mà người hiến tinh trùng không được có quá nhiều "con" ở khắp mọi nơi, đặc biệt những đứa trẻ này không được sống cùng một cộng đồng. Tuy nhiên, những ông bố này vì cố tình hoặc vô tình mà bỗng trở thành người có hàng chục con trong cùng một khu vực sống chỉ vì hiến tinh trùng.
Người đàn ông gốc Việt 40 tuổi làm cha của 25 đứa trẻ khắp nước Úc
Alan Phan, 40 tuổi, là người gốc Việt đang sinh sống tại thành phố Brisbane (Úc), hiện đang có 2 người con riêng và làm cha thêm 23 đứa trẻ khác ở Australia thông qua việc hiến tinh trùng tại Phòng khám IVF Số 1 và Phòng Sinh sản thành phố ở Melbourne. Bên cạnh đó, anh cũng hiến một cách phi chính thức thông qua nhóm trực tuyến Sperm Donation Australia.
Tuy nhiên, theo luật của bang Victoria, một người hiến tinh trùng chỉ được phép có con với tối đa là 10 phụ nữ, kể cả bạn đời. Chính vì vậy, Cơ quan Hỗ trợ Sinh sản bang Victoria (VARTA), cơ quan quản lý những người đăng ký hiến tinh trùng, đang tiến hành điều tra.
Giám đốc điều hành VARTA, Louise Johnson, cho biết cuộc điều tra đang ở những bước đầu và họ cần đảm bảo không có thêm đứa trẻ nào được chào đời nhờ tinh trùng của Phan. Theo bà, việc giới hạn con số “10 gia đình” như trên nhằm ngăn chặn những đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng hiến tặng không sống trong cùng một cộng đồng với nhau.
Theo chia sẻ của người đàn ông “mắn đẻ” từ việc hiến tinh trùng, anh và vợ quyết định hiến tặng tinh trùng ngay sau khi vợ chồng sinh được đứa con thứ hai nhằm giúp đỡ những cặp vợ chồng hiếm muộn. Đôi lúc, anh muốn dừng nhưng cảm thấy khó từ chối với các gia đình đang tuyệt vọng vì không thể sinh con.
Nam sinh viên đi hiến tinh trùng, 30 năm sau phát hiện có 19 người con
Tương tự như Alan Phan, vị bác sĩ người Mỹ Bryce Cleary (có 3 con trai và 1 con gái người Nga với người vợ đầu; 4 người con với người vợ thứ hai và 19 người con thông qua hiến tặng tinh trùng) từng hiến tặng tinh trùng khi còn đang là sinh viên y khoa năm thứ nhất của Đại học Y khoa Oregon thông qua một phòng khám sản. Khi đó, các nhân viên đơn vị hỗ trợ sinh sản của trường đã tiếp cận ông và các sinh viên khác yêu cầu hỗ trợ.
Tuy nhiên, có lẽ vì là bác sĩ y khoa, người đàn ông này hiểu rõ hiểm họa của việc hiến quá nhiều tinh trùng. Vì vậy ông và phòng khám đã thỏa thuận rằng mẫu tinh trùng của ông sẽ không được sử dụng cho quá 5 đứa trẻ. Sau khi đạt thỏa thuận, ông kiếm được 40 USD cho mỗi mẫu tinh trùng và dừng lại việc hiến tặng này trước khi lập gia đình.
Một ngày nọ, thông qua mạng lưới ghi chép gia phả và thông tin di truyền lớn nhất thế giới Ancestry, ông phát hiện mình có tận 19 người con, thậm chí có ít nhất 2 đứa trẻ học cùng trường với các con của ông.
Sự việc này làm Cleary vô cùng tức giận bởi phòng khám nhận tinh trùng đã không thực hiện đúng với cam kết. Tháng 10, 2019, ông đã đệ đơn kiện đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại 5,2 triệu USD. Tuy nhiên, phía bị đơn từ chối nhận trách nhiệm.
Kể từ khi phát hiện ra mình có 19 người con trong 30 năm, vị bác sĩ dần trở nên suy sụp tinh thần.
“Chuyện này cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi mọi lúc, mọi nơi. Tôi không phải loại người mong rằng những đứa trẻ ấy không được sinh ra. Tuy nhiên, tôi ước bản thân chưa từng biết gì về việc mình có tới 19 người con”, ông bố bất đắc dĩ cho biết