Ăn trộm là một trong những hành vi xấu mà nhiều đứa trẻ phạm phải, bởi trẻ chưa ý thức được tính nghiêm trọng của những hành động này. Do đó, việc cha mẹ giáo dục trẻ một cách đúng đắn ngay từ khi còn bé luôn là một vấn đề rất quan trọng, việc người lớn chỉ dạy con cái cũng phản ánh chính chúng ta đã từng được dạy dỗ như thế nào.
Đối mặt với vấn đề trên, chuyên gia mách cha mẹ nên làm những điều sau để ngăn ngừa hành vi ăn cắp của con ngay từ khi còn nhỏ.
TS. Vũ Thu Hương - Nguyên giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội. Vì sao trẻ ăn cắp? Thực ra, trẻ nhỏ không nhận thức được đây là một việc làm cực kỳ tồi tệ, việc các bé chiếm đoạt gì đó có thể là xuất phát từ một hoặc vài nguyên nhân sau: - Trẻ không được dạy về việc không nên động chạm vào đồ đạc người khác. Bố mẹ không có phân định rõ ràng đồ của ai trong gia đình và không yêu cầu con phải hỏi trước (được sự đồng ý) của người ta trước khi lấy đồ. Thường thì khi con lấy đồ của cha mẹ hoặc của anh chị, cha mẹ không nhắc nhở mà thậm chí còn bắt cả nhà lập tức đưa cho con. Điều này chính là tiền đề cho việc con lấy trộm đồ của người khác sau này. - Trẻ cảm thấy cô đơn, thiếu tình thương nên tìm cách tự bù đắp cho bản thân bằng những thứ khác. - Trẻ tò mò vì thấy tiền có quá nhiều quyền lực và sức hấp dẫn. (Trường hợp này cũng có nguyên nhân là do các cha mẹ chưa dạy con về tiền, giá trị đồng tiền và các cách sử dụng đồng tiền). - Cảm thấy thèm muốn vật gì đó quá mà mình không thể xin xỏ ai mua cho được. (Nhiều khi cha mẹ cấm vì nó không có lợi chẳng hạn). - Tò mò muốn thử cảm giác cầm tiền và tiêu tiền như cha mẹ xem sao. Trẻ ăn cắp có phải do cha mẹ giáo dục sai cách? Trong bao nhiêu năm làm chuyên gia tư vấn, tôi thường nghe không ít phụ huynh phàn nàn “Chị, con em ăn cắp rồi”, một số cha mẹ thì bình tĩnh, số khác thì nóng giận và la mắng. Tuy nhiên chưa bao giờ cha mẹ nhìn nhận tại sao các con ăn cắp. Liệu người lớn chúng ta có sai gì trong cách dạy con? Một số trường hợp có thể thấy rõ việc cha mẹ đã tạo điều kiện để con ăn cắp như: Không phân khu vực riêng của mỗi cá nhân trong gia đình: Mỗi nhà một cảnh, nhưng ai cũng cần có sự riêng tư. Dù nhà chật hẹp, một góc tủ riêng, góc học tập, làm việc riêng dù chỉ nhỏ đủ để đặt cuốn sách, nhưng góc đó phải là bất khả xâm phạm bởi người khác. Điều này sẽ khiến trẻ hiểu về đồ đạc cá nhân của từng người và không được phép tùy tiện động vào đồ của người khác. Nếu cả nhà sống như một tổ hợp không có ranh giới, trẻ sẽ nghĩ đồ dùng của ai cũng là của mình. Các con sẽ lấy sử dụng vô tư. Đây là tiền đề của thói ăn cắp vặt của trẻ. Cha mẹ không phạt khi con lấy đồ của người trong gia đình để sử dụng: “Mẹ ơi, chị đánh con. Sao thế? Nó lấy cái bút của con. Không được đánh em. Cho nó cái bút. Sao mày lớn mà không chiều em được. Suốt ngày tị nạnh với nó”. Chúng ta có thể nhìn thấy cách giải quyết này rất quen thuộc trong hầu hết mọi gia đình. Đứa bé trong nhà muốn đòi gì là lấy nấy, không ai có quyền ngăn cản. Điều này sẽ khiến trẻ không tôn trọng đồ dùng của người khác. Thích thì con sẽ lấy, hết sức vô tư. Lớn lên, con sẽ ăn cắp và ngạc nhiên vì sao bị mắng. Dĩ nhiên chị không được đánh em. Nhưng em cũng không được lấy đồ của chị, cha mẹ trong trường hợp trên cần phạt cả hai chứ không phải bắt chị đưa đồ em muốn cho em chơi. Luôn đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, không giới hạn: Tầm hơn 1 tuổi, trẻ bắt đầu biết chỉ chỏ để đòi hỏi. Nếu bất kể đòi hỏi gì của trẻ cũng được đáp ứng thì sau này, con sẽ mặc nhiên coi đó là quyền lợi cá nhân mình mà lấy thản nhiên thôi. Cha mẹ cần học cách lắc đầu từ chối các yêu cầu của con khi bé mới chừng vài ngày tuổi. Ví dụ: Trẻ khóc mà không đói, không đau thì không bế, không ôm ấp. Lớn lên, con chỉ chỏ đòi hỏi thì không đáp ứng mà lắc đầu từ chối khi yêu cầu đó là không cần thiết. Không yêu cầu con làm gì, cho ai: Cha mẹ luôn dành cho con quyền lợi ưu tiên đặc biệt, không có nhiệm vụ gì và không cần giúp đỡ ai, sự ích kỷ của con sẽ tăng cao. Khi thấy ai có đồ gì mà mình không có, con sẽ nảy sinh sự thèm khát và ghen tị. Từ đó, con có thể chiếm đoạt các món đồ dù không hề cần thiết. Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con ăn cắp? Suốt 10 năm làm tư vấn tâm lý, tôi nhận được vô khối lời tâm sự như vậy từ điện thoại, tin nhắn, email, mess, inbox... Đau lòng vì việc này được xem là chuyện bình thường thôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ các cha mẹ hãy bình tâm suy nghĩ lại. Với các nguyên nhân trên, theo từng thứ, chúng ta sẽ xử trí khi phát hiện trẻ trộm đồ theo các nguyên tắc sau: - Không làm ầm ĩ, la hét, mắng mỏ. - Không kết tội con là ăn cắp, đồ tồi. - Không tuyệt vọng, mệt mỏi làm cho con hoảng sợ và nghĩ bản thân mình là người tồi tệ hết thuốc chữa. - Tìm hiểu kỹ càng từng vấn đề mà cha mẹ sẽ xử trí. - Nếu bé cô đơn, cách xử trí là yêu thương bé hơn, luôn quan tâm tới bé. Xin lỗi nếu mình làm sai và luôn bao dung với bé (phạt khi có tội nhưng vẫn phải bao dung nhé, đừng quy kết con, làm nó sợ). - Nếu vì thèm muốn vật của người khác thì cần phải dạy con bài về quyền riêng tư. Và dù bất kể lý do gì, cha mẹ cũng cần cho con biết 2 điều: 1. Kỹ năng sử dụng đồng tiền, giá trị đồng tiền và những cách kiếm tiền trong phạm vi khả năng của con. 2. Cho con biết về nỗi đau khổ của người bị mất tiền (đồ). Kỹ năng 1 thì trẻ nhất định phải học rồi, nhưng nếu cha mẹ chú ý một chút thông qua các hoạt động thường ngày là có thể dạy cho con. Kỹ năng thứ 2 thì không có gì khó khăn nếu người mất tiền là chính cha mẹ (nếu không mất thật thì giả vờ một chút nhé). Khi phát hiện trẻ lấy trộm tiền, cha mẹ hãy khóc thật cay đắng, tâm sự với con (cứ như xem con không phải là người lấy tiền) về nỗi đau đớn và khổ sở khi mất tiền (đồ). Ví dụ nhé: - Huhu, mình mất tiền rồi, mẹ sẽ không có tiền mua đồ ăn cho con nữa. Tối nay mình đành phải ăn cơm với nước mắm... Mẹ thương con lắm nhưng đành chịu. Các cha mẹ nhớ là đã dọa thì phải làm thật. Bữa cơm đó phải không có gì cả chứ không phải là dọa xong rồi lại cho ăn cơm với đầy một mâm thịt cá. Tâm sự thêm với con vài câu chuyện về một ai đó bị bệnh nặng mà còn bị mất tiền ... Những điều này sẽ dạy con hiểu là hành động đó rất xấu, rất tồi tệ, tuyệt đối không được làm. Với những thứ con bị cấm mua vì không có lợi cho con, cha mẹ cần giải thích lý do trước khi từ chối. Ăn trộm là việc làm xấu. Nhưng trẻ không nhận thức được toàn bộ hành vi của mình là xấu tới mức độ nào, lúc này cha mẹ nên bình tâm xử lý là con sẽ ngoan thôi và cha mẹ cũng cố gắng làm gương cho con. Cha mẹ tuyệt đối không hôi của hay làm việc gì tương tự như vậy, luôn rõ ràng, rành mạch trước việc bảo quản tính riêng tư của người khác nhất là đồ vật. |
Dạy con cách chia sẻ để giảm bớt tính chiếm hữu
Chưa nói đến trẻ em, ngay cả người lớn cũng có ham muốn chiếm hữu rất mạnh, vì vậy, để tránh trẻ trộm cắp vì tính chiếm hữu, cha mẹ phải dạy con biết chia sẻ ngay từ khi còn nhỏ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Chia sẻ là một trong những bài học cuộc sống mà cha mẹ cần dạy trẻ càng sớm càng tốt. Khi còn nhỏ, trẻ sẽ thích nghi với nó dễ dàng hơn và sử dụng nó trong suốt cuộc đời. Chia sẻ sẽ giúp trẻ kết bạn tại sân chơi hay trường học, cũng như sẽ đem lại lợi ích khi trẻ trưởng thành và đi làm.
Khi những người bạn khác muốn chơi đồ chơi của bé, cha mẹ nên khuyến khích con chơi cùng các bạn, trong quá trình các bé chơi với nhau sẽ giúp con học được tính nhẫn nại và biết nhường nhịn.
Ngoài đồ chơi, cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách chia sẻ những món đồ khác như: quần áo, tiền bạc, đồ ăn...
Ăn cắp là một trong những hành vi xấu mà nhiều trẻ phạm phải.
Khuyến khích con đổi đồ chơi với bạn bè
Đổi đồ chơi với bạn là một trong những cách hữu hiệu để ngăn chặn hành vi ăn cắp của con, bởi đối với trẻ nhỏ mọi thứ đều có sức hấp dẫn kỳ lạ, mặc dù trẻ được bố mẹ mua cho rất nhiều món đồ chơi mới nhưng khi nhìn thấy đồ của bạn, trẻ vẫn có ham muốn được chiếm hữu nó.
Mỗi khi ra ngoài, mẹ có thể nhắc trẻ mang theo đồ chơi của mình, mục đích của việc này là tạo cơ hội để trẻ trao đổi đồ chơi với bạn bè, việc này sẽ giúp trẻ và bạn đều có thêm đồ chơi mới mà không phải lấy của ai.
Dạy con hiểu được giá trị của đồng tiền
Dạy con giá trị của đồng tiền có vẻ là một khái niệm khó khăn với nhiều bậc cha mẹ. Nhiều người nghĩ rằng con cái họ không cần thiết phải được dạy về tiền bạc hoặc phải biết cách tiết kiệm tiền quá sớm.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ nỗ lực trong việc dạy trẻ học về tiền tệ sớm, trẻ sẽ có nhiều khả năng để đánh giá các giá trị đồng tiền và ngăn chặn được hành vi ăn cắp của trẻ.
Khuyến khích con chơi và chia sẻ đồ chơi với bạn là cách tốt để ngăn chặn hành vi ăn cắp của trẻ.
Trẻ đang ở độ tuổi này thích vận động và vui chơi, cha mẹ có thể dùng trò chơi để dạy trẻ một số kỹ năng sống. Cha mẹ có thể dạy con hiểu được giá trị của đồng tiền thông qua các trò chơi mua sắm, trong đó cha mẹ đóng vai là người bán, trẻ là khách hàng, khi trẻ muốn có được một món đồ nào đó, trẻ cần có tiền để sở hữu được chúng.
Cha mẹ cũng đừng quên nhắc nhở trẻ để có tiền mua một món đồ nào đó, trẻ cần lao động, người nhỏ làm việc nhỏ, phù hợp với lứa tuổi của mình.
Dạy con hỏi ý kiến của người khác trước khi lấy đồ
Nhiều trẻ có thói quen tò mò, tùy tiện lấy đồ của người khác, nếu cha mẹ để tình trạng này tiếp tục xảy ra, dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh.
Cha mẹ nên dạy con về tính sở hữu, không tùy ý động vào hay sử dụng đồ đạc của người khác, món đồ gì thuộc quyền sở hữu của trẻ thì trẻ hoàn toàn có quyền sử dụng, có thể đem đi cho người khác mà không cần hỏi ý kiến của cha mẹ, và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc món đồ đó bị hư hỏng hay thất lạc.
Tuy nhiên, những món đồ nào thuộc quyền sở hữu của người khác thì trẻ không được đụng tới khi chưa có sự đồng ý.
Để trẻ nhỏ hiểu quyền sở hữu tài sản, cha mẹ hãy làm gương cho con. Ví dụ, mỗi khi muốn mượn đồ đạc của trẻ, cha mẹ sẽ hỏi trẻ trước và chỉ cầm khi được chúng đồng ý. Lâu dần, con bạn sẽ hiểu và biết tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác.
Thường xuyên trò chuyện với con
Trò chuyện với con như những người bạn là một trong những phương cách giúp cha mẹ thấu hiểu con mình tốt nhất, thông qua những câu chuyện, cha mẹ sẽ có thể biết được mong muốn, sở thích của trẻ.
Từ đó, cha mẹ có thể mua tặng con một món đồ mà trẻ thích hoặc khuyến khích con làm việc nhà để nhận được phần thưởng, điều này rất hữu hiệu để ngăn chặn hành vi ăn cắp của trẻ.
Khi phát hiện trẻ ăn cắp, thay vì trách mắng và chất vấn, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ hành động như vậy.
Cha mẹ lưu ý, hãy nói chuyện với con bằng yêu thương, thể hiện bằng hành động cụ thể của mình. Ví dụ như ôm con vào lòng, cho con ngồi trên đùi và nói những lời dịu dàng nhất như: mẹ yêu con, con có điều gì muốn nói với mẹ không? hay con thích quà sinh nhật sắp tới là gì... Trẻ cảm thấy thật tuyệt vời, bản thân được che chở, thấu hiểu thì không còn nghĩ đến việc thực hiện những hành vi xấu như ăn trộm.